Người 'số hóa' quản lý tổ dân phố

Rời bục giảng nhà trường, nghỉ hưu theo chế độ, PGS.TS Lê Thanh Mẽ (Nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Mỏ - Địa chất) về địa phương tiếp tục đảm nhận nhiều công việc mới. Với những kinh nghiệm từ quá trình giảng dạy, ông đã và đang góp phần quan trọng trong sự đổi thay ở tổ dân phố số 7 (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Từ ông Tiến sĩ đến “người vác tù và”

Giữa cuộc sống bộn bề đời thường, PGS.TS Lê Thanh Mẽ không thuộc “tuýp” người vồn vã, vồ vập. Ông thường ít lời, hiền hậu và chỉ nói chuyện khi nào cần thiết, song đó không phải là con người lạnh lùng, xa cách. Bất cứ gặp ông ở đâu, từ trong con người im lặng đó vẫn toát ra vẻ thân thiện, nét nhân từ “bắt buộc” khiến người đối diện phải cảm mến.

Năm 2016, sau hơn 40 năm công tác tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, ông nghỉ hưu theo chế độ, về sinh hoạt tại tổ dân phố số 7 (phường Đức Thắng). Cũng kể từ đây, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ phó tổ dân phố. Mặc dù mới chỉ đảm nhiệm công việc này hơn 2 năm nhưng ông đã cùng cấp ủy chi bộ lãnh đạo tổ dân phố ngày một đổi thay, được nhân dân tin tưởng đồng thuận.

Ông Lê Thanh Mẽ có nhiều sáng kiến trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tổ dân phố. ảnh: Kim Tiến

PGS.TS Lê Thanh Mẽ sinh năm 1949 tại xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 1969, ông bắt đầu theo học tại Trường Đại học Mỏ - Địa Chất. Năm 1972, khi đang học năm thứ 3 thì ông có giấy gọi nhập ngũ. Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đành xếp bút nghiên lên đường ra chiến dịch. Cho đến bây giờ, những ngày tháng rời giảng đường đi chiến đấu vẫn còn in đậm trong ký ức của PGS.TS Lê Thanh Mẽ. Ông nhớ những ngày ở Trung đoàn pháo binh 84, Sư đoàn 325 cùng đồng đội, chặn ở Đầm Cầu Hai không cho địch rút khỏi Huế. Nhớ trận đánh ở Long Thành tạo điều kiện cho bộ binh tiến vào Sài Gòn, nhớ cả không khí hân hoan ngày Sài Gòn giải phóng…

Đầu năm 1976, khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, ông lại tiếp tục trở lại với giảng đường. Với những thành tích xuất sắc, ông được giữ lại làm giảng viên của trường rồi sau này trở thành PGS.TS, giảng viên cao cấp. Được đào tạo tương đối chuyên sâu cả về lý thuyết lẫn thực tế, những bài giảng ông đã trao truyền biết bao kiến thức cho các thế hệ học trò. Trong nhiều năm làm công tác giảng dạy đại học và cao học, ông đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

Nhận quyết định về hưu năm 2016, tuy nhiên PGS.TS Lê Thanh Mẽ vẫn khá bận rộn với các công việc chuyên môn. Ông vẫn thường xuyên tham gia các công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt ông có niềm đam mê nghiên cứu về các loại đá quý, khoáng thạch. Năm 2017, ông được ông Nguyễn Mạnh Hoạt (Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 7) giới thiệu, “vận động” nhận trọng trách Tổ phó tổ dân phố. “Ban đầu, tôi cũng phân vân, bởi bao năm đi dạy tôi không có nhiều thời gian để tham gia công việc tại địa phương, tôi cũng không thích sự va chạm, giáo điều. Tuy nhiên vì mọi người tin tưởng, đặt niềm tin quá nên tôi cũng mạnh dạn góp một phần công sức của mình” – ông Mẽ bày tỏ.

Từ khi công tác tại tổ dân phố, ông Mẽ luôn phát huy tinh thần dân chủ được nhân dân tin tưởng. Dưới sự góp sức của ông, diện mạo tổ dân phố ngày một được đổi thay. Một trong những phần việc quan trọng mà ông làm được vừa qua đó là góp phần đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý tổ dân phố, xây dựng tổ dân phố điện tử.

Hết lòng vì công việc chung

Cho đi là nhận lại:

Sau khi nhận công tác tại địa phương, ông Mẽ cho biết ông cảm thấy bản thân có cái nhìn khác về cuộc sống hơn. Khi mới nhận chức Tổ phó tổ dân phố ông bị nhiều người “ghét” bởi hay góp ý, hay đưa ra ý kiến.

Tuy nhiên sau khi mọi người hiểu được việc ông làm đều vì tổ dân phố, vì địa phương thì người ta lại càng yêu quý, kính trọng ông hơn.“Trước đây, tôi chỉ có công việc đi dạy và nghiên cứu khoa học. Tôi vẫn tự hào và cho rằng cuộc sống như thế là đủ rồi. Tuy nhiên, sau khi công tác tại tổ dân phố, được gặp gỡ nhiều người, nhiều hoàn cảnh, được trải nghiệm qua nhiều cung bậc cảm xúc thì tôi thấy cuộc sống nhiều màu sắc và đáng sống hơn rất nhiều”, ông Mẽ bộc bạch.

Những ngày đầu tiên khi được giao nhiệm vụ làm chủ chương trình “Ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư ở tổ dân phố”, ông Mẽ cũng trăn trở rất nhiều. Bởi tổ dân phố số 7 rộng 9,4ha, có trên 400 hộ dân và gần 1.700 nhân khẩu chưa kể hàng trăm sinh viên và các hộ kinh doanh dịch vụ đến thuê trọ cùng nhiều đơn vị đóng trên địa bàn như: Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam. Để quản lý dữ liệu dân cư của tổ dân phố sao cho hiệu quả, rõ ràng cần phải ứng dụng công nghệ thông tin.

Là người nghiên cứu khoa học hiểu biết về công nghệ thông tin, PGS.TS Lê Thanh Mẽ lên ý tưởng vẽ sơ đồ toàn bộ khu dân cư bằng việc sử dụng phần mềm đồ họa. Những ngày đầu tiên bắt tay vào nhiệm vụ, ông Mẽ đã đến phường mượn bản đồ địa chính rồi miệt mài số hóa toàn bộ sơ đồ khu dân cư bằng phần mềm Autocad. Các dữ liệu của từng hộ gia đình như tên chủ hộ, địa chỉ, diện tích căn hộ, số tầng, số hộ, số nhân khẩu…cũng được ông cập nhật trong sơ đồ. Mặc dù công việc khó khăn, vất vả cần nhiều công sức nhưng chỉ sau 3 tháng ông đã xây dựng xong sơ đồ bố trí dân cư rất chi tiết.

Để có được những sơ đồ, cơ sở dữ liệu của khu dân cư, là những ngày tháng miệt mài, âm thầm làm việc của ông. Dẫu công việc chẳng có thù lao, nhưng ông vẫn tận tâm, tận lực làm việc. Không chỉ góp công xây dựng dữ liệu dân cư cho tổ dân phố, ông còn bỏ tiền túi trang bị máy tính, vận động người dân đóng góp tiền mua máy chiếu để ở nhà văn hóa của tổ dân phố để mọi người có thể truy cập các dữ liệu mà ông đã số hóa. Hiện nay, nếu muốn kiểm tra, khai thác dữ liệu thông tin về dân cư của tổ dân phố số 7 chỉ cần vài lần “nhấp chuột” là có thể nắm bắt được hết, rất rõ ràng, minh bạch và hiệu quả, đồng thời cũng tránh được những nhầm lẫn, sai sót so với cách quản lý bằng sổ sách như trước đây.

Với những việc làm thiết thực của mình, ông đã được nhiều người dân biết đến và dành cho ông những tình cảm sâu sắc và với mong muốn trong thời gian tới, những việc làm của ông tiếp tục được phát huy và truyền nhiệt huyết cho người dân trong khu dân cư . Giờ đây, mỗi phong trào, hoạt động tại địa phương mà ông Mẽ phát động, bà con đều tích cực hưởng ứng. Chính từ tâm huyết, trách nhiệm của một người hết lòng vì dân đã giúp ông thành công. Thế nhưng, khi được biểu dương, ông Mẽ luôn khiêm tốn: “Đó không phải là thành tích của cá nhân tôi, đó là kết quả của cả tập thể và sự chung tay của bà con tổ dân phố số 7”.

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt (Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 7) cho biết: “Với sự am hiểu đời sống của người dân, với tinh thần trách nhiệm cao và bản thân, gia đình rất có uy tín tại địa phương nên các mô hình của ông Mẽ đưa ra thiết thực, có tính sáng tạo và lan tỏa những điều tích cực trong cộng đồng. Hiện nay, ông Mẽ được người dân rất tin tưởng và tín nhiệm”.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-so-hoa-quan-ly-to-dan-pho-101471.html