Người soạn thảo và phản biện đề thi phải là công chức, viên chức, giảng viên cơ hữu

Theo quy định áp dụng từ Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi phải là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục.

Cán bộ làm công tác coi thi (Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)

Cán bộ làm công tác coi thi (Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)

Tại Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định chặt chẽ hơn về thành phần Hội đồng ra đề thi.

Theo đó, điểm c, điểm d, khoản 2, Điều 17 của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được sửa đổi, bổ sung như sau: “Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó, ủy viên thường trực là công chức thuộc Cục Quản lý chất lượng”;

“Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Mỗi bài thi/môn thi có một Tổ ra đề thi gồm Tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi”.

Trước đây, ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật theo quy định là “công chức, viên chức, người lao động” của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là “công chức, viên chức, giáo viên đã và đang công tác” tại các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu.

Như vậy, từ 9/5, thời điểm Thông tư 06 có hiệu lực, người soạn thảo và phản biện đề thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải là là công chức, viên chức ngành giáo dục; giảng viên, giáo viên cơ hữu đang công tác.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-soan-thao-va-phan-bien-de-thi-phai-la-cong-chuc-vien-chuc-giang-vien-co-huu-post745230.html