Người sống sót Covid-19: 'Máu của tôi có thể là câu trả lời'

Phục hồi sau khi nhiễm Covid-19, Tiffany Pinkney tình nguyện hiến máu, cung cấp huyết tương để giúp nhiều bệnh nhân khác chiến thắng virus corona.

Trong thời gian gần đây, các chuyên gia y tế đang nghiên cứu lại một phương pháp điều trị hơn 100 năm tuổi: dùng huyết tương của người khỏi bệnh để chữa trị cho người đang nhiễm bệnh.

Cơ sở phương pháp này dựa trên kháng thể chống virus corona có trong máu của bệnh nhân đã hồi phục, theo AP.

Bệnh nhân Tiffany Pinkney tình nguyện hiến máu, góp thêm hy vọng vào cuộc chiến chống dịch. Ảnh: AP.

Phương pháp huyết thanh miễn dịch từng được sử dụng rộng rãi trong đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918. Trước khi loài người sản xuất được thuốc uống, phương pháp này cũng điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi hay viêm phổi.

Theo đó, huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục có chứa kháng thể miễn dịch với mầm bệnh. Mẫu huyết tương này sẽ được sử dụng như dược phẩm sinh học giúp điều trị cho những người mắc bệnh tương tự.

Theo bác sĩ Jeffrey Henderson của Viện ĐH Washington, nhiều nhà khoa học tập trung vào sản xuất vắcxin và thuốc điều trị Covid-19. Dù có hiệu quả nhanh chóng, các phương pháp này không thể chữa khỏi bệnh mà chỉ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Các chuyên gia y tế vẫn chưa xác định được thời gian kháng thể Covid-19 tồn tại sau khi bệnh nhân bình phục.

Tuy nhiên, huyết thanh miễn dịch đang là phương pháp an toàn nhất, AP dẫn thông tin từ bác sĩ Rebecca Haley của Trung tâm Huyết học Seattle.

Tiffany Pinkney hiến máu hôm 26/3 cho việc nghiên cứu kháng thể trong huyết tương. Ảnh: AP.

Hôm 24/3, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố tạo điều kiện cho các bệnh viện thử nghiệm phương pháp điều trị này.

Mỹ cũng đã khởi động Dự án Huyết tương Quốc gia Covid-19, với 34 cơ sở lưu trữ mẫu máu của những người khỏi bệnh, theo AP.

Bệnh viện Mount Sinai (New York) cho biết họ nhận được hơn 1.000 đơn đăng ký trong ngày đầu tiên kêu gọi hiến máu.

“Mọi người đều muốn tham gia giúp đỡ trong cuộc chiến chung với đại dịch. Chúng tôi hy vọng phương pháp này sẽ có hiệu quả”, Giám đốc Bệnh viện Mount Sinai, ông David Reich, cho biết.

Theo ĐH bang Michigan, riêng bang này có hơn 1.000 người đăng ký hiến huyết tương. Hàng chục bệnh viện ở Mỹ đều thành lập các nhóm nghiên cứu và triển khai phương pháp huyết thanh miễn dịch.

Những người hiến tặng cần đáp ứng các yêu cầu như không còn dương tính với virus corona, không có triệu chứng nhiễm bệnh, có mức kháng thể miễn dịch đạt tiêu chuẩn.

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh tính hiệu quả của phương pháp huyết thanh miễn dịch trong công tác điều trị Covid-19.

Trước đó theo một nhóm bác sĩ ở Trung Quốc, tình trạng sức khỏe của 5 bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này có tiến triển tốt. Tuy nhiên, do kết hợp cùng nhiều cách thức điều trị khác nhau nên vẫn chưa xác định được mức độ hiệu quả của huyết thanh miễn dịch.

Đối với những bệnh nhân may mắn vượt qua cửa tử như Tiffany Pinckney, hiến máu ở thời điểm hiện tại là góp thêm một tia hy vọng vào cuộc chiến chung.

Giải mã cách virus corona xâm nhập và lây lan trong cơ thể Theo nhiều nghiên cứu, virus corona "thông minh" nên có thể đánh lừa các tế bào để thâm nhập vào bên trong. Bằng cách này, virus nhân đôi và lan truyền dịch bệnh ra khắp cơ thể.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-song-sot-covid-19-mau-cua-toi-co-the-la-cau-tra-loi-post1068256.html