Người sử dụng lao động cần chấp hành pháp luật, chính sách

Những năm qua, công tác thanh, kiểm tra của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị chưa chấp hành tốt. Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn đã trao đổi xoay quanh vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị hiện nay thế nào?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Phần lớn người sử dụng lao động chấp hành tốt pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, không ít đơn vị, doanh nghiệp (DN) chưa thực hiện tốt chính sách, như: Trốn đóng, chậm đóng, đóng không đúng mức theo quy định; không ký hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người lao động (NLĐ); ký hợp đồng khoán, hợp đồng thời vụ với những công việc ổn định, có tính chất lâu dài, kéo dài thời gian thử việc hoặc liên tục luân chuyển vị trí việc làm tại các bộ phận khác nhau, nhằm thể hiện trên bảng chấm công, bảng lương từng bộ phận không đủ số ngày làm việc trong tháng để khỏi đóng BHXH, BHYT, BHTN…

Nguyên nhân một phần do yếu tố khách quan, như: DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, không có nguồn thu, không tiếp cận vốn vay, mất thị trường; các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe; một bộ phận người sử dụng lao động chưa có ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN…

P.V: NLĐ chịu thiệt thòi gì khi đơn vị cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ, như: Không được hưởng chế độ BHYT, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất… Đặc biệt, trong bối cảnh giá viện phí tăng cao, nếu NLĐ không được hưởng quyền lợi BHYT, chi phí khám, chữa bệnh là gánh nặng với NLĐ.

Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn

BHXH tỉnh đang quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN của 1.745 DN, với 62.777 NLĐ. Theo dữ liệu người nộp thuế năm 2022, toàn tỉnh có 2.355 DN, với 42.691 lao động chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN (trong đó 1.318 DN chưa đăng ký tham gia cho 6.687 lao động và 1.037 DN đã tham gia nhưng chưa tham gia đầy đủ cho 36.004 lao động). Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ phối hợp Cục Thuế tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành, yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành pháp luật, đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo quy định, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

P.V: Thẩm quyền xử lý của cơ quan BHXH với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT như thế nào?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Theo Khoản 7 và 9, Điều 22 Luật BHXH năm 2014, cơ quan BHXH có quyền: Kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHTN, BHYT; xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Ngoài ra, cơ quan BHXH có quyền kiến nghị khởi tố các tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách BHXH, BHTN, BHYT theo Điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự.

Từ đầu năm 2023 đến ngày 31/10/2023, BHXH tỉnh đã thực hiện và phối hợp các sở, ngành thanh, kiểm tra 124 đơn vị có hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT, BHTN (trốn đóng, chậm đóng, đóng không đúng mức, đề nghị thanh toán chế độ BHXH, BHYT sai quy định). Qua đó, đã yêu cầu tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho 88 lao động, thu số tiền chậm đóng gần 30,11 tỷ đồng; thu hồi về quỹ BHXH, BHYT số tiền chi sai quy định 883 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 68 đơn vị, số tiền 845 triệu đồng (trong đó tham mưu UBND tỉnh xử phạt 2 DN, số tiền 248 triệu đồng), phối hợp các tổ chức tín dụng thực hiện cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 DN, số tiền 92 triệu đồng.

P.V: Ngành BHXH có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chậm đóng, bảo vệ NLĐ?

Ông Đặng Hồng Tuấn: BHXH tỉnh chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh, chỉ đạo thực hiện chính sách, thực hiện pháp luật và phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT; báo cáo tình hình chậm đóng hàng quý và trình UBND tỉnh văn bản chỉ đạo, đôn đốc để giảm tiền chậm đóng. Phát huy tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN từ tỉnh đến cơ sở. Phối hợp tuyên truyền về chế độ, chính sách; phổ biến các quy định về xử lý hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định người sử dụng lao động vi phạm chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; chuyển hồ sơ đến cơ quan công an khởi tố các trường hợp cố tình vi phạm.

P.V: Ông có lời khuyên gì với NLĐ và người sử dụng lao động?

Ông Đặng Hồng Tuấn: NLĐ phải hiểu biết pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN để tự bảo vệ quyền, lợi ích của bản thân. Cài đặt ứng dụng VssID để tự kiểm tra quá trình tham gia BHXH, BHTN và thông tin hạn dùng thẻ BHYT, thông tin thụ hưởng các chế độ BHXH; lịch sử khám, chữa bệnh… hoặc phản biện thông qua tổ chức công đoàn, để đảm bảo quyền lợi.

Người sử dụng lao động cần tuân thủ nghiêm luật pháp, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tham gia BHXH, BHYT, BHTN đúng, đủ cho NLĐ; chấp hành tốt pháp luật, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của DN.

P.V: Xin trân trọng cám ơn!

CHÂU AN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nguoi-su-dung-lao-dong-can-chap-hanh-phap-luat-chinh-sach-a381937.html