Người tâm huyết với văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số

Không phải là người dân tộc thiểu số, nhưng cái duyên lớn đã đến với PGS. TS Phạm Thị Phương Thái, khi bà được làm việc dưới 'mái nhà chung' - Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Nơi đây bà được 'cháy' hết mình với công việc giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực văn học - văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.

PGS.TS Phạm Thị Phương Thái (thứ 3 từ phải sang) trong chuyến công tác tại xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, PGS. TS Phạm Thị Phương Thái sớm nối nghiệp cha - nhà giáo Phạm Luận, trên con đường học thuật và trong sự nghiệp “trồng người”. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên), bà tiếp tục theo học và bảo vệ luận văn Thạc sĩ với kết quả xuất sắc. Sau đó, bà được chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại Viện Văn học (nay thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, vào năm 2007.

Được sự điều động của Đại học Thái Nguyên, bà về làm việc tại Trường Đại học Khoa học (thuộc Đại học Thái Nguyên), tiếp tục nghiên cứu và tiếp cận văn học Việt Nam trung đại từ góc độ ngôn ngữ, thể loại. Do đặc trưng đào tạo của trường, ngoài việc đảm nhiệm giảng dạy văn học Việt Nam trung đại, bà đã tự nghiên cứu học tập để có thể đảm trách phần liên quan đến văn học, văn hóa các dân tộc thiểu số; gắn việc giảng dạy với công tác nghiên cứu thực tiễn tại địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc.

Không chỉ là nhà quản lý tâm huyết, PGS. TS Phạm Thị Phương Thái (hiện là Phó Hiệu trưởng nhà trường) còn ngày càng “bén duyên” và đắm đuối với dòng chảy văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số. Bà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc với những nét đặc sắc, giá trị truyền thống của lễ nghi, phong tục, tập quán, luật tục trong đời sống sinh hoạt, nghi lễ vòng đời. Bà cùng học trò theo đuổi những đề tài đậm sắc màu văn hóa dân tộc như: “Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu”, “Văn hóa rượu của người Nùng An”, “Lễ trưởng thành của người Sán Chỉ”... Bà cũng là người đầu tiên nêu ý tưởng và khởi xướng tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học lần thứ nhất với chủ đề “Hành trình khám phá sắc màu văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc”.

Trong hội thảo nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số gần đây, bà chia sẻ: “Nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số đang trở thành một hướng nghiên cứu có sức hút lớn với nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, con đường này có nhiều gian nan và thử thách, đòi hỏi người nghiên cứu phải áp dụng đồng bộ cách tiếp cận liên ngành. Có nghĩa là cần phải xem xét, đánh giá hiệu quả của chính sách phát triển các dân tộc thiểu số dưới góc nhìn của nhiều ngành khoa học khác nhau. Có như vậy mới góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách bảo tồn và phát triển dân tộc thiểu số dưới góc độ văn hóa và phát huy giá trị ấy theo hướng bền vững”.

Được nghe bà kể về những nghiên cứu của mình, tôi hiểu bà làm tất cả bằng tình yêu, sự say mê đích thực. Một người phụ nữ, một nhà giáo, một nhà quản lý, một nhà khoa học, để cân bằng thời gian cho rất nhiều công việc quả là một điều không hề dễ dàng. Nhưng PGS. TS Phạm Thị Phương Thái đã làm tốt những vai trò đó và đặc biệt là truyền được cả niềm say mê cho các thế hệ sinh viên, học viên, giảng viên của nhà trường. Bà đã liên tiếp đón nhận những thành công với nhiều phần thưởng như: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học (2009); Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì 3 năm liên tiếp được vinh danh trong cuộc thi “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì (2013); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2014). Đặc biệt, năm 2014, bà nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Sau hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu, bà đã hướng dẫn hơn 40 khóa luận tốt nghiệp đại học, đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Các đề tài đều được bảo vệ thành công, có khả năng phát triển, trong số đó có những đề tài đạt giải cao trong các cuộc thi cấp quốc gia như: Giải Nhất cuộc thi “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012”, với đề tài “Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên”; giải Nhì cuộc thi “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012”, với đề tài “Từ câu hát Sịnh ca đến đời sống đa diện của người Cao Lan”; giải Nhì cuộc thi “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2013”, với đề tài “Văn hóa rượu của người Nùng An, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng”; giải Nhì cuộc thi “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014”, với đề tài “Lễ trưởng thành của người Sán Chỉ - từ góc nhìn văn hóa”; giải Ba cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2009, với đề tài “Một số biểu tượng trong dân ca Mông nhìn từ góc độ văn hóa”...

Bên cạnh đó, bà đã hướng dẫn 8 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ và 42 sinh viên nghiên cứu khoa học, làm khóa luận tốt nghiệp, thực hiện 3 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài cấp Nhà nước; công bố gần 30 bài báo về văn học, văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số trên tạp chí chuyên ngành trong nước, các hội thảo khoa học; xuất bản 4 đầu sách... Theo bà: “Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ gắn bó chặt chẽ với nhau. Sẽ không thể có được hiệu quả giảng dạy tốt, nếu ý thức nghiên cứu khoa học thiếu chiều sâu và thiếu sự nghiêm túc. Mọi thành tựu nghiên cứu chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó phục vụ thiết thực cho thực tiễn giảng dạy, đem lại hiệu quả trực tiếp cho nhiệm vụ giáo dục - đào tạo”.

Với những cống hiến khoa học về văn hóa các dân tộc thiểu số phía Bắc của mình, PGS. TS Phạm Thị Phương Thái đã tạo dựng được uy tín và tiếng nói không chỉ trong giới nghiên cứu văn học, mà còn trong “làng” nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Phương Vy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-tam-huyet-voi-van-hoa-dan-gian-cac-dan-toc-thieu-so/