Người Tây Nguyên thân tình, mến khách

Nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất hùng vĩ với núi non trùng điệp, bạt ngàn rừng xanh. Chính điều kiện tự nhiên này đã nuôi dưỡng, hun đúc nên những con người Tây Nguyên 'hùng dũng, kiên cường', cũng vừa mộc mạc, đơn sơ nhưng thân tình và mến khách.

Tây Nguyên, vùng đất của đại ngàn, nơi sinh sống từ hàng ngàn đời của đồng bào các dân tộc tại chỗ; đồng thời cũng là vùng đất quần tụ của cư dân từ nhiều vùng miền về sinh cơ, lập nghiệp. Từ yếu tố lịch sử, địa lý, cộng với sự đan xen văn hóa của nhiều vùng, miền, các dân tộc… đã tạo nên một Tây Nguyên khá độc đáo, riêng biệt, nhất là văn hóa giao tiếp, ứng xử.

Bình dị miền sơn cước

Cuộc sống con người Tây Nguyên gắn với núi rừng nên con người Tây Nguyên tồn tại với tư cách không phải là con người cá nhân mà với tư cách con người cộng đồng. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã cố kết cộng đồng bằng các bon, buôn, làng. Tình người ở đây, họ sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ nhau. Và nó được thể hiện ở những lần hội họp, qua các dịp lễ của buôn làng. Từ đó đã tạo nên một bức chân dung sống động của núi rừng. Về các lễ hội của người dân diễn ra hằng năm theo mùa, người ta thường có những trò chơi dân gian hay những đôi “rượu ghè” ngồi lại với nhau để chia sẻ niềm vui cho nhau, nam cũng như nữ, chủ cũng như khách.

Cồng chiêng là một trong những đặc trưng về văn hóa phi vật thể ở Tây Nguyên

Cồng chiêng là một trong những đặc trưng về văn hóa phi vật thể ở Tây Nguyên

Mảnh đất và con người nơi đây hòa quyện vào nhau tạo nên một bản sắc văn hóa riêng, đã đi vào thơ, ca. Cái đẹp không chỉ dừng lại ở bên ngoài mà còn lẫn cả về tâm hồn, ứng xử, giao tiếp xã hội. Lòng hiếu khách hay cái tình mà người Tây Nguyên thể hiện dù đơn sơ nhưng đậm tính dân dã, bình dị của những con người miền sơn cước.

Tây Nguyên hiện nay có 49 dân tộc cùng chung sống, gồm 12 dân tộc bản địa và 37 dân tộc từ nơi khác đến. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 7,48%; có 8 dân tộc ít người với tỷ lệ 0,01% dân số. Đặc điểm của cộng đồng tộc người ở Tây Nguyên là rất đa dạng về ngôn ngữ, tâm lý, phong tục tập quán.

Thổ cẩm, một trong những nét văn hóa truyền thống của Đắk Nông

Tất cả những giá trị đó điều được hun đúc qua nhiều thế hệ, trở thành giá trị cốt lõi trong văn hóa giao tiếp của người Tây Nguyên. Không ít du khách khi đến với Tây Nguyên, ngoài việc được trải nghiệm sự hùng vĩ của núi rừng, các lễ hội và thắng cảnh, họ còn được hòa mình vào một môi trường “an toàn” như chính ở nhà mình vậy. Khi người Tây Nguyên đã “ưng cái bụng” thì họ xem du khách như người của bon, làng. Trong không gian đại ngàn của núi rừng, với nền văn minh săn bắt, nương rẫy từ đời xưa đã tạo nên những con người Tây Nguyên mạnh mẽ, phóng khoáng; ít tư lợi, bon chen. Cũng từ cố kết cộng đồng, sự phân hóa giàu nghèo chưa lớn nên người Tây Nguyên khá bình đẳng, thân tình trong giao tiếp xã hội. Tính cách đó đã tạo nên sự gần gũi, hòa đồng, trở thành cái “duyên” của người Tây Nguyên trong lòng du khách.

Gìn giữ giá trị cốt lõi

Nhiều nhà nghiên cứu đã đúc rút ra những bản chất của người Tây Nguyên là: “con người nhân ái, nghĩa tình”; con người không thích nói nhiều mà im lặng như núi rừng đại ngàn. Núi rừng ngàn đời im lặng nhưng chỉ cần hòa nhập, để tâm lắng nghe, âm vang đó là sự chân tình, gần gũi; đó là sự thiết tha, trìu mến, sự hào sảng, bao dung.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Tây Nguyên đã và đang đón nhận người dân từ các vùng miền trong cả nước về làm ăn, sinh sống. Ngoài văn hóa bản địa, Tây Nguyên đang tồn tại, phát triển nhiều nét văn hóa của các dân tộc như Giao, Tày, Mông… và văn hóa vùng, miền của người Kinh. Sự phong phú về văn hóa dân tộc, vùng miền đã góp phần làm cho đời sống người Tây Nguyên trở nên phong phú, sinh động. Dần dà, nhiều nét văn hóa đã được giao thoa, hòa nhập như văn hóa về nhà ở; trang phục, ẩm thực hay các lễ tiết ứng xử….

Một số ý kiến cho rằng, sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa, trong đó có văn hóa các vùng, miền của người Kinh đang dần lấn át văn hóa truyền thống của người dân bản địa Tây Nguyên. Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp, công nghệ thông tin phát triển; môi trường sinh hoạt cộng đồng bị thu hẹp và sự chuyển dịch tư duy, văn hóa sản xuất đã và đang tác động mạnh mẽ đến văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Nhịp chày giã gạo trở thành nét đặc trưng riêng của đồng bào các dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê

Trước thực tế đó, các tỉnh Tây Nguyên đã nhận diện và đang đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của người dân bản địa. Chính quyền các cấp đang nỗ lực giữ gìn, phát huy giá trị cốt lõi trong văn hóa truyền thống người dân Tây Nguyên.

Đó là việc bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, lễ hội, cố kết cộng đồng của các dân tộc bản địa trong sinh hoạt, sản xuất gắn với quảng bá, phát triển du lịch. Bởi, con người Tây Nguyên tạo nên văn hóa Tây Nguyên. Khi văn hóa đó trở thành truyền thống, nó sẽ bao trùm, ảnh hưởng nhất định đến con người trong cộng đồng đó.

Một câu hỏi đặt ra là trong sự giao thoa mạnh mẽ đó, liệu con người Tây Nguyên có bị thay đổi về các giá trị cốt lõi?. Tất nhiên là có. Bởi đó là quy luật của phát triển. Là sự tiếp nhận có điều kiện của con người trong một môi trường sống nhất định. Sự thay đổi đó để chúng ta thích ứng, hòa nhập với các thành tựu chung về sự tiến bộ, khoa học, kỹ thuật ở các phương diện từ sinh hoạt, ăn, mặc đến ứng xử…

Vẻ đẹp hồ Tà Đùng (Đắk Nông) thu hút nhiều du khách tới tham quan

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, văn hóa con người như một mạch ngầm vô hình, nó được hình thành, gìn giữ, lưu truyền không chỉ trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày mà còn là bản chất mang tính đặc trưng, riêng biệt.

Trong không gian đại ngàn, ngoài những nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, vùng miền, con người Tây Nguyên nói chung cũng chịu sự ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, xã hội nhất định. Đó là bản chất hào sảng, khí phách; con người của sự thân thiện, mến khách. Đây chính là giá trị cốt lõi bao trùm, trở thành dòng chảy vô hình trong mỗi người con trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Đức Diệu

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nguoi-tay-nguyen-than-tinh-men-khach-146681.html