Người Thái và mâm cỗ cúng tổ tiên

Câu chuyện về vùng đất mường Ca Da với truyền thuyết về nàng Húng và nàng Hường từ xa xưa ấy rồi những đêm rượu cần cứ vấn vít cùng những điệu xòe, tiếng khèn bè của đồng bào dân tộc Thái trong những đêm lễ hội, khiến ai một lần kề bên cũng nhớ mãi.

Trong mâm cỗ cúng của người Thái không thể thiếu vải vóc, quần áo mới dâng tổ tiên.

Trong mâm cỗ cúng của người Thái không thể thiếu vải vóc, quần áo mới dâng tổ tiên.

Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) những ngày giáp tết, bà con bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ trong gia đình quét dọn mọi ngóc ngách dưới sàn, dưới sân, lối vào nhà, chuồng trại… thật sạch sẽ. Từ ngày 24 tháng Chạp hầu hết mọi người, dù đi làm ăn xa đều lục tục kéo nhau về bản, với khuôn mặt tươi tắn để chuẩn bị cho nhiều ngày vui sắp tới.

Rộn ràng tiếng gọi nhau, âm vang núi rừng. Màn sương sớm còn giăng mắc, những cánh hoa đương he hé nở, vài ba người đàn ông phân công nhau mang theo dụng cụ để đi săn bắn, đánh chài thả lưới; đàn bà vào rừng lấy lá dong về gói bánh, hái lá để nhuộm xôi tím, xôi đỏ bày biện lên mâm cỗ cúng.

Chiều 30, khi tất cả khâu chuẩn bị đã xong, đàn ông - trụ cột trong gia đình lau chùi bát hương, dán giấy đỏ xung quanh để chuẩn bị đưa mâm cỗ cúng lên ban thờ. Cỗ cúng của người Thái gồm 3 mâm xum xuê. Trên cùng là một mâm nhỏ, dùng để đựng vải vóc, tiền bạc, quần áo mới dâng tổ tiên (còn gọi là Pan Kẹm). Phía dưới là 2 mâm bằng mây tre, tượng trưng cho bên nội và bên ngoại. Nói người Thái ăn tết đủ đầy cũng bởi mâm cúng gồm 19 thứ: các loại bánh, bánh vợ chồng, bánh chưng, bánh khọn cang (tượng trưng cho sức trẻ), bánh nhân thịt (móc chịm); bánh nhân cá (móc pa), 1 con cá nguyên (pá man), cá nướng, cá đùm, trứng rán, thịt kho, thịt nướng, canh nung, chả, gà, thịt lợn/thịt bò (không dùng thịt trâu), đồ xào, cơm (gồm nếp nương và nếp ruộng), cá chua hoặc thịt chua.

Để có được mâm cỗ ấy, ngoài thức ăn tươi, còn có những đồ phải chuẩn bị trước khoảng 3 tháng, như món cá chua, thịt chua chẳng hạn. Người Thái cầu kỳ trong chế biến, cá đánh bắt ngoài suối sau khi về làm sạch bỏ nội tạng, lấy hết màng đen trong bụng, rồi rửa qua rượu, để ráo nước. Cá lọc lấy thịt, thái ra từng miếng nhỏ. Tiếp đến là công đoạn làm thính từ gạo rang vàng, giã mịn, rồi trộn với thịt cá. Mỗi gia đình lại có cách ướp gia vị muối, chẳm chéo, riềng, sả xay, tỉ lệ khác nhau. Chờ gia vị ngấm kỹ mới cho thịt, cá vào ống nứa hoặc lọ bịt kín lại để trong bếp. Cá thính sẽ lên men tự nhiên, đánh tan đi mùi tanh mà vẫn dai ngon, có vị thơm bùi của thính gạo.

Việc cúng của người Thái không cố định trong một ngày, có thể diễn ra vài ba hôm. Bởi trong làng chỉ có dăm ba thầy cúng. Mời được thầy cúng có nòi, cha truyền con nối thì sẽ thiêng hơn. Người Thái có câu: “họ Hà làm mo, họ Lò làm tạo” là vì thế. Nói về việc này, ông Hà Văn Xuân, người con của bản Bút, Nam Xuân cho biết, tìm thầy cúng có giọng du dương tha thiết thì càng thể hiện sự bày tỏ tình cảm, sự mời gọi trân trọng. Ông mo sau khi “ăn trầu cho thơm mồm, nhai cau cho thơm miệng” thì “cất giọng vang mời cỗ, ca lời rõ mời cơm” để ông bà tổ tiên gia chủ vui vẻ về với con cháu.

Trong bài cúng thầy mo nói rõ lai lịch mâm cỗ gồm những món gì, tại sao lại có các món này, và do ai làm. Ông Hà Văn Thương, tác giả của Từ điển Thái - Việt Thanh Hóa, Trường ca đại sự và Bài ca mừng xuân, người con của dân tộc Thái cho rằng: Mời tổ tiên ăn thực chất là việc truy xuất nguồn gốc bữa cơm tết, là sự tổng kết quá trình tổ chức sản xuất trong năm để hôm nay có gạo thịt dâng lên tổ tiên. Từ việc trồng lúa nương, lúa nước gian khổ như thế nào, đến việc đi đánh bắt, săn thú rừng đều được kể chi tiết, cụ thể từng động tác. Việc kể tỉ mỉ khẳng định rằng những lễ vật trên mâm cúng tổ tiên đều là thành quả lao động của con cháu, là thực phẩm sạch cả nghĩa đen và nghĩa bóng, con cháu dâng lên tổ tiên. Ngoài việc kể về nguồn gốc, người Thái còn kể chi tiết việc chế biến từng món ăn cụ thể. Qua lời kể của ông mo từng món ăn hiện vừa thật rõ như thoảng cả hương thơm của từng con cá nướng, vị chua chua của con cá ủ trong chĩnh....

Ông Hà Văn Xuân chuẩn bị mâm cỗ để mời thầy mo đến cúng.

Để có mâm cơm cúng, vai trò của “con dâu cả giữ lửa” là quan trọng nhất. Họ không chỉ chuẩn bị các món cúng, mà họ là người duy nhất được bày mâm cỗ cúng. Để nấu món cúng, bày cỗ dâu cả trong nhà phải lựa bộ áo khóm đỏ thật đẹp, luôn nở nụ cười tươi trong khi làm. Nét đẹp nhất trong văn hóa của người Thái là họ không phân biệt nhà nội, nhà ngoại. Cùng việc chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên bên nội, dâu cả sắm luôn một mâm cỗ cúng bên nhà ngoại. “Con dâu nắm cơm mới/ Nàng dâu quạt cơm tết/ Lưng thắt nơ như thời con gái/ Không ngắm cũng đẹp/ Không nhìn cũng xinh...”; “Mâm cơm này con dâu xếp nhiều lớp/ Mâm cỗ này nàng dâu xếp nhiều tầng”. Đã 19 năm về làm dâu ở bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa), chị Hà Thị Ngơi cho biết: "Mỗi dịp tết đến tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm làm dâu của mình. Không chỉ có vui vẻ hòa đồng, cần hơn hết là sự tôn trọng ông bà tổ tiên, từ đó dạy con gái mình, con trai mình những điều tốt đẹp”.

Tiếp theo là mời tổ tiên về ăn tết. Ông thầy mo phải mời đi mời lại từ 3 đến 5 lần, vừa xin giải cái xấu, nhưng đồng thời cũng là cầu xin những điều tốt đẹp sắp tới. Sau đó còn phải chuẩn bị đồ đạc cho tổ tiên mang về mường Trời.

Và cuối cùng là tiễn tổ tiên về nơi ở cũ, vía đầu lên bàn thờ, vía hai ra chăm mộ, vía ba về mường Trời. “Xong cơm mo tôi đưa tiễn/ Xong tết mo tôi tiễn đi/ Ai ở đâu lại về chỗ đấy/ Hãy rộng lòng trông nhà/ Hãy sáng lòng trông cháu con”, những câu mo vừa như lời cầu xin tổ tiên hãy nhớ phù hộ độ trì cho con cháu giàu sang, luôn luôn mạnh khỏe vừa còn có ý “dọa ma”.

Ông Hà Văn Thương còn cho biết thêm: Mâm cỗ ngày tết cũng để báo cáo với tổ tiên gia đình trong năm không có người chết, không có người mắc lỗi lầm, làm ăn thuận lợi “gà nhiều đàn, lợn đầy máng, trâu bò đầy bãi”. Có được thành quả ấy, ngoài sự cố gắng, chăm chỉ làm ăn của đại gia đình, còn nhờ Then (Ngọc hoàng) và tổ tiên trên mường trời che chở phù hộ. Vì vậy, nhân ngày đẹp, mùa xuân, năm mới “cả trần gian ai cũng vui mừng”, bấy giờ mới nhờ “Mo Luông lên đón tổ tiên xuống, Mo lớn đến đón tổ tiên về”, trần gian ăn tết với con cháu. Đây là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” hết sức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta, trong đó người Thái cũng không ngoại lệ.

Khi những hạt mưa bụi lây phây, khi những cành cây đâm chồi nảy lộc, khi bông hoa đào nở rộ khoe sắc, khi những thửa ruộng mướt xanh, ai nấy cũng thấy mình còn đương xuân, tươi như sắc nắng, nhẹ nhàng như làn khói tỏa ra nơi góc bếp.

Xuân đương đến, nghĩa là những ngày ấm áp, dịu ngọt đang bắt đầu trên chiếc áo cóm đỏ thắt dải khăn xanh của cô gái Thái xứ Thanh.

Bài và ảnh: Huyền Chi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/nguoi-thai-va-mam-co-cung-to-tien/26183.htm