Người thầy được học trò làm quan to vẫn giữ phép lạy dưới giường

Vốn được biết đến là người dâng 'thất trảm sớ' lên vua Trần xin chém bảy tên nịnh thần, nhưng Chu Văn An trên hết, là một người thầy giỏi, mẫu mực được học trò kính trọng.

Quê ở đất Thanh Trì, Hà Nội nay, con người của Chu Văn An được Việt Nam nhân vật chí vựng biên miêu tả là “tính ngay thẳng, không chịu khuất, chẳng cần ai nghe biết đến mình”. Đến như Hiến Từ thái hoàng hậu của nhà Trần khi nói về ông, đã nhận xét là “Ông ta là người không thể bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?”. Lời ấy phải lắm nếu xét đời làm quan của ông.

Đương thời, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông bổ làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy học cho Thái tử. Sang thời vua Trần Dụ Tông (1341-1369) ở ngôi, nơi quan trường nhiễu nhương, nạn tham ô nhũng lạm đầy rẫy, kẻ xu nịnh ngoi lên đắc thế, nhưng quan họ Chu vẫn giữ vững được tiết tháo của kẻ làm tôi. “Thất trảm sớ” ông dâng lên vua Trần Dụ Tông dẫu không được vua chuẩn ý để góp phần cứu vãn kỷ cương triều chính, nhưng nhân cách, tiết tháo của ông thì không ai có thể phủ nhận được. Bởi vậy trong Việt sử tân biên, tập “Trần Lê thời đại” mới ghi nhận đức độ của ông mà gọi ông là “vị đại nho và danh thần còn sót lại” của nhà Trần. Sau dạo đề đạt ý kiến không thành, ông từ quan về đất Chí Linh mở trường dạy học.

Chu Văn An dâng "Thất trảm sớ" lên vua Trần. Tranh minh họa.

Ở nghiệp “trồng người”, ông được đương thời cùng hậu thế nhớ đến là một người thầy đức độ. Đường học vấn của ông theo Việt Nam nhân vật chí vựng biên cho hay là “học nghiệp rất tinh thuần, học trò thành tựu rất nhiều”, còn Đại Việt sử ký toàn thư thì ca ngợi học vấn là “ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ”. Trong đời làm thầy, Chu Văn An không chỉ là người hiểu biết sâu rộng, “thấu đáo mọi lý lẽ (cùng lý) và chính tâm; ngăn ngừa mọi tà thuyết; chống lại mọi ngụy thuyết” như Ngự chế Việt sử tổng vịnh đã ghi, ông còn có tiếng là người thầy tôn nghiêm, gương mẫu. Bởi vậy, có thầy ấy, sẽ có trò ấy. Về sau, học trò của ông đỗ đạt và tham gia quan trường rất nhiều.

Trong số những người thành tựu ấy, toàn những tên tuổi được sử cũ ghi lại cả. Họ là Phạm Sư Mạnh, là Lê Quát. Như Phạm Sư Mạnh, được Lịch triều hiến chương loại chí xem là người “Phò tá có tài đức” của nhà Trần. Nhờ công dạy dỗ của thầy mà đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), từng làm Chưởng bạ thư giữ sổ hộ tịch trong nước, Tham chính viện Khu mật, “có tài khí hùng hồn, nguồn thơ lai láng”. Hay như Lê Quát giữ chức Bộc xạ, Hành khiển… Hai ông được người đời xem là hai kẻ danh vọng ngang hàng, gọi là cặp đôi Lê Phạm.

Giỏi giang, danh vọng ở đời là thế, ở triều đình lời nói có gang có thép được vua trọng, đồng liêu nể phục, nhưng hai ông đối với thầy thì rất đỗi khiêm cung, đến thăm thầy đều giữ phép của một kẻ học trò chứ không phải của vị quan to. Toàn thư còn ghi lại việc như sau: “Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm hỏi thầy thì lạy ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm”.

Mà nào chỉ có vậy. Học trò dẫu có làm quan to, nhưng làm điều sai trái, vẫn bị ông trách mắng như thường. Vì thế mới có việc được Ngự chế Việt sử tổng vịnh để đôi lời: “Mỗi khi nghe học trò trình bày điều gì hay thì ông lấy làm vui lòng; trái lại nếu có điều gì sai trái thì ông liền quở trách; có khi tới nặng lời nữa”. Ở trong triều có thể đội mũ cánh chuồn đi hia vuông bệ vệ với chức quyền, nhưng gặp thầy, kẻ dẫu có làm chức cao tột bậc, cũng phải giữ lễ của học trò mà thôi. Cái đạo học “tôn sư trọng đạo” ấy, đáng giữ lắm thay.

Tượng Chu Văn An trong Văn miếu - Quốc Tử Giám hiện nay.

Cũng bởi đức cao như thế, nên người đời nói đến ông lấy làm ngưỡng mộ. Sau khi thầy Chu mất năm Canh Tuất (1370), vẫn Toàn thư cho biết, vua Trần “truy tặng tước Văn Trinh công, ban cho tòng tự ở Văn miếu”. Đến nay trải qua bao biến thiên của thời cuộc, vị thầy giáo đáng kính ấy vẫn được khói nhang nơi Văn miếu - Quốc Tử Giám trong sự ngưỡng vọng của hậu thế. Vua Tự Đức khi viết về ông trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh, đã xếp vào mục “Hiền thần” và có thơ vịnh được tạm dịch như dưới đây:

Ngôi cao sơn đẩu xứng thầy người,

Việc trái lòng ta, chẳng ở dai.

Chém nịnh sớ dâng, trời đất thấu,

Trần vong, tiếng “thẳng” vẫn còn hoài.

Nếu đất Trung Hoa có Khổng Tử được xem là “vạn thế sư biểu”, thì hãy xem lời nhận xét của sử thần Ngô Sĩ Liên đời Lê về Văn Trinh công: “Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Nghìn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn miếu”. Nước Nam ta, nền giáo dục Nho học xưa, Chu Văn An cũng xứng là “vạn thế sư biểu” lắm chứ.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-thay-duoc-hoc-tro-lam-quan-to-van-giu-phep-lay-duoi-giuong-post1013723.html