Người thầy giáo giàu lòng nhân ái

Tôi gặp thầy Nguyễn Ngọc Quân, sau cái bắt tay và nụ cười quen thuộc, giọng thầy hào hứng: 'Vậy là chương trình cùng em đón Tết 2018 đã thành công hơn cả mong đợi em ạ!'. Tôi biết, niềm vui của Thầy đang dành trọn vẹn cho các em nhỏ mồ côi , khuyết tật tại Mái Ấm Thánh Tâm (Xuy Xá - Mỹ Đức). Có nhiều dịp được tiếp xúc, được nghe, được thấy, tôi rất kính trọng và khâm phục người thầy giáo ấy…

Nếu có dịp đến Trường THPT Hợp Thanh (thôn Vài, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), hỏi về Thầy Nguyễn Ngọc Quân – Thạc sĩ, Tổ trưởng Chuyên môn Ngữ văn, thì không ai là không biết. Sinh năm 1986 trong một gia đình đông con, lớn lên trên quê hương Lê Thanh, Mỹ Đức, vùng quê thuần nông, chân chất, từ nhỏ cậu bé Quân đã sớm chịu thiệt thòi hơn bạn bè đồng trang lứa.

Đó là vào năm 5 tuổi, do 1 tai nạn nhỏ ảnh hưởng lớn đến dây chằng bên chân trái mà thành bị tật. Thương con, bố mẹ cậu đã chắt chiu, vay mượn và mang cậu lặn lội từ bệnh viện lớn nhỏ đến các thầy thuốc ở khắp nơi trong vòng 10 năm trời nhưng không ai chữa khỏi. Chân trái bị teo và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Ý thức được điều đó, cậu bé Quân càng chăm ngoan, học giỏi, cậu hiểu rằng chỉ có học vấn mới có thể thay đổi được số phận.

Thầy Nguyễn Ngọc Quân (bên trái) tặng quà cho các em nhỏ trong chương trình Cùng em đón Tết 2018

Thế nhưng biến cố lại xảy đến vào năm học lớp 12, khi chỉ còn 12 ngày nữa là thi tốt nghiệp. Tai nạn xảy ra làm gãy đùi chân trái, đúng cái chân bị tật, bị teo, lại phải mổ, phải đóng đinh tại Bệnh viện 103. Những ngày nằm viện, chàng trai 18 tuổi ấy tưởng chừng như tất cả đều sụp đổ. Ngày trước tuy yếu nhưng vẫn tự phục vụ, đi lại được, còn bây giờ… Biết bao câu hỏi và suy nghĩ tiêu cực hiện ra trong tâm trí chàng trai ấy. Được đặc cách tốt nghiệp nhưng không đủ sức khỏe thi đại học, vậy là bao ước mơ, hoài bão của tuổi 18 đành dang dở. Gia đình vốn khó khăn nay lại càng thêm khốn đốn vì khoản nợ nần chữa trị cho anh.

Nhưng chính tình yêu thương vô bờ bến của mẹ cũng như ý chí nghị lực bản thân đã giúp anh lấy lại được tinh thần, càng quyết tâm đứng lên hơn bao giờ hết. Quân tự học, tự nghiên cứu, tập buôn bán nhỏ để lấy tiền mua tài liệu, bởi ước mơ trở thành sinh viên trường đại học chưa bao giờ tắt trong anh. Và rồi, giấy báo trúng tuyển vào Khoa Văn học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn năm 2005 như liều thuốc kỳ diệu, phần thưởng xứng đáng với bao nỗ lực dành cho Nguyễn Ngọc Quân.

Suốt 4 năm học đại học, chàng sinh viên khuyết tật Nguyễn Ngọc Quân luôn đặt ra những mục tiêu và cố gắng gấp đôi để hoàn thiện thật tốt. Ngoài thời gian học, anh còn đi dạy gia sư, rồi kiếm việc làm thêm để có tiền tự trang trải. Kỳ nào anh cũng giành học bổng, là 1 trong những sinh viên tiêu biểu vượt khó vươn lên của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Năm 2009, Ngọc Quân tốt nghiệp Trường Đại học với tấm bằng loại giỏi. Năm 2010, Nguyễn Ngọc Quân chính thức giảng dạy tại Trường THPT Hợp Thanh. Bao bỡ ngỡ ban đầu với một thầy giáo trẻ. Thiệt thòi lớn nhất về sức khỏe có lẽ là tâm lý mặc cảm, tự ti. Những ngày lên lớp, cảm thấy mỗi bước đi đều có người nhìn ngó, bàn tán, giễu cợt…

Thầy giáo trẻ lại càng căng thẳng, ngại ngùng hơn. Thầy đã tự mình học cách can đảm, luôn đi thẳng, sống yêu đời, yêu nghề, lạc quan. Những năm tháng cống hiến cho nghề, với năng lực chuyên môn, sự hăng say, tận tụy, nhiệt tình, hơn hết là bản lĩnh vượt lên trên những mặc cảm, thầy giáo Nguyễn Ngọc Quân càng khiến đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh khâm phục. Em Nguyễn Thị Nhung (lớp trưởng 10A6 THPT Hợp Thanh) chia sẻ: “Trong những giờ lên lớp, thầy Quân luôn tạo tình cảm thân thiện, gần gũi học trò, giúp chúng em có hứng thú và niềm đam mê học tập, rèn luyện.

Em Nguyễn Thị Nhung (lớp trưởng 10A6 THPT Hợp Thanh) chia sẻ: “Trong những giờ lên lớp, thầy Quân luôn tạo tình cảm thân thiện, gần gũi học trò, giúp chúng em có hứng thú và niềm đam mê học tập, rèn luyện. Thầy cũng có rất nhiều sáng kiến khi chủ nhiệm lớp em. Em và các bạn luôn mong muốn được Thầy cùng đồng hành trong suốt những năm cấp 3”.

Thầy cũng có rất nhiều sáng kiến khi chủ nhiệm lớp em. Em và các bạn luôn mong muốn được Thầy cùng đồng hành trong suốt những năm cấp 3”. Còn cô Đỗ Thị Thuận (giáo viên vật lý trường THPT Hợp Thanh) không giấu được niềm tự hào : “Thầy Quân là đồng nghiệp và cũng là người anh mẫu mực. Những hạn chế về sức khỏe đã không còn là rào cản tâm lý. Hàng ngày làm việc với anh mới thấy và hiểu ý chí, nghị lực, sự can đảm, yêu đời, lạc quan đặc biệt là tình yêu nghề trong anh lớnt

Nguyễn Ngọc Quân còn là một trong những thành viên thuộc ban điều hành, phụ trách rất tích cực của nhóm thiện nguyện Hạc Giấy. Thành lập ngày 30/7/2016, đến nay nhóm có khoảng 20 thành viên chủ chốt, địa bàn hoạt động chủ yếu ở huyện Mỹ Đức và một số vùng lân cận. Nhóm đã giúp đỡ, kêu gọi và kết nối mọi người biết đến những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Thầy cùng với nhóm thường xuyên thực hiện những chương trình thiện nguyện trực tiếp:Tổ chức được 4 chương trình đón Tết cho trẻ em mồ côi, khuyết tật; ủng hộ xi măng xây nhà ở mái ấm Thánh Tâm; kêu gọi vận động tặng quà cho các em nhỏ vào đầu năm học mới. Ngoài kêu gọi từ các nhà hảo tâm, nhóm thường tổ chức các đợt bán hàng gây quỹ như bán bút, bán lì xì…

Thầy Quân tâm sự: “Khi tham gia nhóm thiện nguyện Hạc Giấy thực sự khiến cho mình trưởng thành hơn, sống có ý nghĩa và nghị lực hơn. Vì bản thân mình tuy thiệt thòi nhưng vẫn còn hạnh phúc và may mắn. Hơn nữa khi tham gia cùng Hạc Giấy qua các chương trình thiện nguyện, được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn mới biết cần phải trân trọng bản thân mình hơn. Tuy chỉ là những đóng góp nhỏ bé cho xã hội nhưng đó cũng là cách mong muốn mọi người có cái nhìn công bằng hơn về người khuyết tật. Họ cũng làm được và thậm chí còn làm được nhiều hơn thế so với những người bình thường.”

Nếu các nhà văn hiện thực hóa cái đẹp lòng nhân ái qua những nhân vật của mình, thì thầy Nguyễn Ngọc Quân là hiện thực của một trái tim thiện nguyện, yêu thương và sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ. Còn gì đẹp hơn khi những hạt giống nhân ái thầy đang gieo sẽ nảy mầm cả trong những bài học đầy nhân văn và theo lớp lớp học trò đi vào cuộc sống…Tạm biệt thầy, không quên nhờ thầy chuyển đến nhóm những quyển sách giáo khoa cũ ủng hộ chương trình “Cõng sách lên bản” đến với miền núi Hòa Bình, trong tôi lại thấp thoáng hình ảnh Hạc Giấy, hình ảnh quen thuộc biểu trưng cho sự may mắn, yêu thương. Vâng, “cho đi là hạnh phúc”.

Hoàng Thảo – Thanh Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguoi-thay-giao-giau-long-nhan-ai-78749.html