Người thầy 'hắc ám' của tôi

Thầy dạy bộ môn Ngôn ngữ học trong khoa. Lúc mới vào trường, được nghe biệt danh của thầy nhiều sinh viên chúng tôi có phần run sợ bởi thầy có biệt danh 'giáo viên hắc ám'.

Thầy là Tiến sĩ Ngôn ngữ Lê Hoàng Giang, hiện là giảng viên tại trường ĐH Sư phạm TP. HCM.

Tôi gặp thầy cách đây gần 15 năm, khi tôi mới 18 tuổi đang học Sư phạm Văn của một trường sư phạm tỉnh lẻ miền cao nguyên.

Cái thời người ta vẫn còn coi trường sư phạm tỉnh lẻ là một “trường chữa cháy”, bởi có nhiều sinh viên thi trượt các trường khác đã về đây học, để chờ khóa thi tới.

Ngày ấy thầy còn trẻ, với lũ sinh viên vừa rời THPT vẫn còn nhiều ảo tưởng và mơ mộng về một thời sinh viên huy hoàng thì có lẽ khi gặp thầy sẽ có nhiều thất vọng.

Tiến sĩ Ngôn ngữ Lê Hoàng Giang – Giảng viên ĐHSP TP. HCM (Ảnh minh họa).

Biệt danh “giáo viên hắc ám” là do nhiều lứa sinh viên đi trước đặt cho thầy và truyền lại cho những lớp sau khiến nhiều người nghĩ thầy phải là một ông già lụ khụ có cặp kính dày.

Thế nhưng ngược lại, thầy trẻ, ăn mặc theo gu thời thượng, hát hay và thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, các hoạt động tình nguyện.

Lên lớp, thầy là một người trang trọng, chuẩn mực mô phạm từ lời ăn tiếng nói đến dáng đi, cả trong cách giao tiếp với đồng nghiệp và lũ sinh viên.

Nhưng có lẽ chính vì sự nghiêm khắc đó của thầy mà nhiều người cảm thấy khó gần rồi dẫn tới ác cảm. Nhất là trong mỗi giờ học, thầy đưa ra những yêu cầu rất cao để sinh viên phải nắm bắt.

Quan điểm của thầy biết một thì phải chắc một, nếu không thì làm lại. Và tất nhiên, có không ít những sinh viên phải “làm lại” từ đầu.

Thầy dạy bộ môn Ngôn ngữ, trong đó có hàng loạt các học phần “xương xẩu” mà ngay cả những người sành về tiếng Việt cũng phải lắc đầu ngán ngẩm như Từ vựng – Ngữ nghĩa, Ngữ pháp tiếng Việt… Nói chung, về mặt chuyên môn, tôi thấy thầy rất giỏi!

Lớp Văn chỉ có vài cậu con trai, tôi là một trong số những gã tóc ngắn nhiều mơ mộng của trường. Thầy chẳng khó khăn gì để không nhận ra điều đó. Và có lẽ, thầy biết tôi thích viết lách nên đặc biệt chú ý đến, nhất là những bài viết của tôi.

Ngày ấy, trong mỗi giờ học, tôi thường là người được thầy quan tâm nhiều nhất. Tôi lại ngao ngán bởi sự quan tâm của thầy mà không nhận ra rằng đó là một sự quan tâm cần thiết cho sau này của tôi.

Từng bài học, từng ví dụ, từng dẫn chứng thầy đưa ra đều rất rõ ràng, chi tiết, để cả lớp vỡ ra được rất nhiều điều về sự phong phú nhưng cũng phức tạp, sự biến chuyển đa dạng cũng như vẻ đẹp trong vỏ bọc khô khan của ngôn từ.

Tôi ham đọc, mà thầy lại nhiều sách. Toàn là sách chuyên ngành và sách về xã hội. Ngày ấy thầy chưa vợ nên được phân một phòng trong khu tập thể giáo viên nghèo nàn phía sau ký túc xá của trường.

Căn phòng tập thể chẳng có gì ngoài chỗ ngủ, bộ bàn ghế thầy dùng làm việc và chỉ có sách. Sách nhiều đến nỗi để chật giá sách lớn, để trên bàn làm việc, để trên đầu giường ngủ, trên bàn ăn và bất cứ chỗ nào có không gian là có sách.

Thầy thích những sinh viên hay đọc sách. Thầy vẫn thường cho mượn sách về đọc, những cuốn sách mà trên thư viện trường không có, nhà sách cũng không có.

Hồi đó, tôi tập tành viết lách, đăng báo tỉnh và vài tạp chí nhỏ. Thầy không nói nhưng tôi chắc rằng bài nào tôi viết và được đăng thầy cũng đọc. Ngày ấy cả khoa vài trăm sinh viên, chỉ có mình tôi chăm chỉ viết lách.

Đó không hẳn chỉ đơn thuần là đam mê, mà còn là nguồn kiếm sống của tôi những năm sinh viên. Thầy đọc và thầy sửa cho tôi từng chữ, từng câu, từng đoạn để tôi dần hoàn thiện hơn.

Tôi tự tin hơn, vui sướng hơn mỗi lần bài viết của mình được đăng. Và thầy, cũng vui hơn vì mỗi lần báo biếu gửi về văn phòng khoa, thầy lại cầm lấy rồi mang xuống lớp cho tôi. Thầy chưa một lần khen bài viết của tôi.

Tôi biết, vì thầy không muốn tôi sinh ra kiêu ngạo, tự cao hay cảm thấy mình đã “chín”. Thầy chỉ nói: “Cố gắng nhé!”, thế là đủ để tôi hiểu tất cả.

Năm tháng qua đi, tôi không ra trường được vì còn nợ môn. Còn thầy chắc cũng buồn vì có nhiều người nói thầy “hắc ám”, khiến sinh viên không ra trường được. Tôi ngày ấy cũng đã từng trách thầy như thế.

Nhưng rồi nghĩ lại, vì tôi quá ham viết, ham lăn lộn rong ruổi theo đam mê của mình mà quên đi việc trước mắt phải hoàn thành. Thầy không níu tôi được bởi tôi trượt dài như thế lúc nào chẳng biết.

Rồi khi những bài viết được đăng ngày một nhiều thêm, tôi lại bắt đầu tìm một trường khác để thi và để học, nhưng vẫn viết. Rồi bận rộn với cuộc sống mới và chân trời mới, tôi quên thầy.

Thế nhưng, tôi không quên được những điều thầy dạy. Tôi vẫn gắn nghiệp mình với con chữ.

Và mỗi lần “bí chữ”, tôi lại nhớ đến cách thầy đã dạy tôi để đi tìm chữ. Thầy không chỉ cho tôi chữ, mà còn cho tôi cả cách đi tìm chữ, để ngôn ngữ không đi vào lối mòn, hay chỉ biết dùng những ngôn từ sáo rỗng.

Mãi sau này, khi đã gần 15 năm của ngày ấy, tôi mới gặp lại được thầy, khi đã qua nhiều thành công cũng như vô vàn thất bại trên con đường đồng hành với con chữ của mình.

Thầy vui khi biết tôi vẫn còn rong ruổi hành trình chữ nghĩa và như thế, mỗi lần “bí chữ”, tôi lại hỏi thầy, hay chỉ đơn thuần học theo cách thầy dụng chữ.

Bây giờ cũng vậy, dù thầy đã không còn dạy ở trường xưa mà dạy ở một ngôi trường sư phạm thuộc top đầu cả nước, thầy vẫn hay chỉ cho tôi những chữ mà thầy biết, thầy thấm, như cách thầy đã “cho” tôi chữ năm nào…

Tiêu Dao

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nguoi-thay-hac-am-cua-toi-a346866.html