Người thầy lỗi lạc của giai cấp vô sản

QĐND - Ph.Ăng-ghen là một nhà bác học thiên tài, người thầy lỗi lạc của giai cấp vô sản và lao động quốc tế, người đã cùng với C.Mác sáng tạo nên học thuyết khoa học và cách mạng mang tên C.Mác.

Tên tuổi và sự nghiệp của Ph.Ăng-ghen gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của thiên tài C.Mác. Nhiều tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Mác về triết học, kinh tế - chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học là sản phẩm chung của hai ông. Ph.Ăng-ghen còn phát triển nhiều tư tưởng của C.Mác trong các công trình nghiên cứu độc lập của mình, đồng thời cung cấp nhiều ý tưởng, kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để C.Mác hoàn thành các tác phẩm kinh điển của mình. Sự cộng tác của hai ông thật đặc biệt, như V.I.Lê-nin đã nhận xét rằng, sẽ "không thể hiểu chủ nghĩa Mác và không thể trình bày chủ nghĩa Mác một cách hoàn chỉnh nếu không chú ý đến những tác phẩm của Ph.Ăng-ghen".

Ph.Ăng-ghen.

Ph.Ăng-ghen vừa say mê sáng tạo khoa học, vừa tích cực phổ biến học thuyết Mác vào phong trào công nhân làm cho họ ý thức sâu sắc về sứ mệnh lịch sử cao cả của mình. Ông còn trực tiếp đem nhiệt tình cách mạng, trí tuệ sáng suốt và trái tim nồng cháy của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân trong thời kỳ bão táp cách mạng ở châu Âu (năm 1848-1849). Ph.Ăng-ghen luôn kiên trì cuộc đấu tranh không khoan nhượng với những khuynh hướng tư tưởng cải lương, biệt phái trong phong trào công nhân, từng bước làm cho chủ nghĩa Mác trở thành hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, giữ vai trò chủ đạo định hướng hoạt động của Hội liên hiệp lao động quốc tế. Ph.Ăng-ghen có công lao to lớn lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng và làm cố vấn lý luận cho các đảng cách mạng của giai cấp công nhân trên toàn thế giới trong suốt hơn 50 năm hoạt động cách mạng, nhất là từ sau khi C.Mác mất.

Sự tinh tường, từng trải đã giúp Ph.Ăng-ghen có được tầm nhìn chiến lược, kịp thời có những chỉ dẫn quý báu giúp các đảng cách mạng của giai cấp công nhân định ra sách lược đấu tranh phù hợp. Sau khi Công xã Pa-ri thất bại (năm 1871), chủ nghĩa tư bản bước vào thời kỳ phát triển hòa bình, chính trị dân chủ, chế độ tuyển cử và nghị viện tư sản bắt đầu có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị xã hội. Để thích ứng với những thay đổi đó, Ph.Ăng-ghen nhận thấy sự cần thiết có sách lược đấu tranh cách mạng phù hợp cho giai cấp vô sản, khả năng giành chính quyền nhà nước thông qua con đường hợp pháp, hòa bình nhưng không được mất cảnh giác, từ bỏ bạo lực cách mạng. Những chỉ dẫn tư tưởng mới đầy tính sáng tạo đó có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển chủ nghĩa Mác.

Ph.Ăng-ghen luôn theo sát phong trào đấu tranh cách mạng ở các nước, đánh giá cao những hình thức hoạt động mới của giai cấp công nhân Đức, khi cử đại biểu công nhân tham gia nghị viện tư sản để bảo vệ quyền lợi công nhân. Ph.Ăng-ghen có những chỉ đạo kịp thời, khẳng định bầu cử là phương thức đấu tranh mới, phát huy tác dụng trong điều kiện mới đấu tranh hợp pháp, hòa bình thể hiện sự kiên trì chủ nghĩa Mác trong hoàn cảnh mới. Ph.Ăng-ghen cổ vũ những thắng lợi mới trong đấu tranh cách mạng mang lại lợi ích cho công nhân, nhưng vẫn không quên nhắc nhở họ về tầm quan trọng và sự cần thiết của bạo lực cách mạng; đừng quá say sưa nghị trường, bởi vì kẻ thống trị tư bản vẫn sẵn sàng sử dụng bạo lực bất cứ lúc nào để thủ tiêu thành quả đấu tranh của giai cấp công nhân khi địa vị của chúng bị đe dọa.

Ph.Ăng-ghen nhận thấy, ở các nước tư bản phát triển có nền dân chủ phát triển rất mạnh mẽ, không có chủ nghĩa quân phiệt, thế lực rất lớn của các công liên có tổ chức, sự đầu tư tư bản ngày càng nhiều ra ngoài nước làm giảm bớt mâu thuẫn đối kháng giữa chủ xí nghiệp và công nhân v.v.. Những biến đổi đó tuy có gây khó khăn cho việc truyền bá hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa cách mạng trong giai cấp công nhân, nhưng những cuộc khủng hoảng kinh tế thường kỳ của chủ nghĩa tư bản lại làm tăng sự bất bình của tầng lớp công nhân quý tộc và đẩy nhanh sự phát triển bản năng xã hội chủ nghĩa trong quần chúng vô sản. Ở đó, theo Ph.Ăng-ghen, “quần chúng vẫn tiến lên, tuy chậm chạp và chỉ đi tới tự giác ngộ một cách chật vật, nhưng điều đó vẫn rõ ràng”.

Sau khi C.Mác qua đời, mặc dù phải dành phần lớn thời gian cho biên tập, xuất bản phần II và phần III, bộ Tư bản của C.Mác, nhưng điều đó không hề cản trở Ph.Ăng-ghen theo sát phong trào cách mạng các nước và có những chỉ dẫn mới kịp thời, xác đáng về sách lược đấu tranh của giai cấp công nhân. Những nhà xã hội chủ nghĩa ở các nước đều nhận được sự giúp đỡ vô giá của "ông già Ph.Ăng-ghen". Nhiều bài viết, tác phẩm của Ph.Ăng-ghen đã góp phần làm sáng tỏ, phong phú chủ nghĩa Mác như khái quát đặc điểm mới của chủ nghĩa tư bản và sách lược đấu tranh của giai cấp công nhân, khi các tổ chức tư bản lũng đoạn ngày càng chiếm địa vị thống trị trong lĩnh vực kinh tế ở các nước tư bản phát triển. Chủ nghĩa tư bản giai đoạn độc quyền, không những không thủ tiêu cạnh tranh, mà còn làm cho cạnh tranh thêm gay gắt trên quy mô thế giới, bởi mục tiêu lợi nhuận làm gia tăng mâu thuẫn không thể điều hòa của chủ nghĩa tư bản giữa lao động và bóc lột. Dù những lực lượng sản xuất là ở trong tay các công ty cổ phần và các tơ-rớt, hay biến thành tài sản nhà nước, thì những tư liệu sản xuất cũng vẫn không mất đi tính chất tư bản của chúng.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 nổ ra và giành thắng lợi, hiện thực hóa chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong cuộc sống sinh động. Sau hơn 70 năm tồn tại, chủ nghĩa xã hội hiện thực với tư cách là hệ thống thế giới đã bộc lộ rõ tính ưu việt và hạn chế của nó. Sau sự kiện chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, phong trào cách mạng thế giới có bước lùi lớn, nhưng với tính tất yếu của nó, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và lao động quốc tế chống áp bức, bóc lột, bất công trong lòng xã hội tư bản vẫn tồn tại, phát triển. Hơn nữa, sự phát triển mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa trong cải cách, đổi mới tiếp tục khẳng định sức sống của chủ nghĩa xã hội. Mặc cho các lực lượng chống cộng đủ mọi màu sắc phản kích điên cuồng, "Chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại"; "vẫn luôn luôn là một căn cứ quyết định cho các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế".

Những chỉ dẫn quý báu của Ph.Ăng-ghen về xây dựng giai cấp công nhân và chính đảng của nó luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế tri thức, Đảng nhấn mạnh, cần quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. “Phát huy vai trò của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”, đó là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đi tới thắng lợi.

Đại tá, PGS, TS Phạm Văn Nhuận

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/50/50/168178/Default.aspx