Người thầy thuốc 'phải lòng' làng đảo

Gần 20 năm bám trụ với đảo Trí Nguyên (làng đảo Trí Nguyên, Vĩnh Nguyên, Nha Trang, Khánh Hòa), y sĩ đa khoa Trần Xuân Thư được bà con khắp đảo yêu mến gọi là 'từ mẫu' của ngư dân.

Vượt đêm đen, mưa bão…tìm bệnh nhân

Từ năm 2007 đến nay, y sĩ Trần Xuân Thư làm công tác y tế trên đảo Trí Nguyên và hiện phụ trách phân Trạm Y tế đảo Trí Nguyên. Ngay khi bước vào nghề y, anh đã giữ vững tâm niệm rằng hãy lao vào nơi gian khó nhất để cống hiến hết mình. Tâm niệm ấy như liều "thần dược" giúp anh vượt qua những nhọc nhằn, ngày cũng như đêm băng đường trơn, lách ngõ hẹp khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo.

Một sáng cuối tháng 2/2023, chiếc đò dân sinh chở chúng tôi cập cầu cảng đảo Trí Nguyên, nhiều người lớn tuổi đã vồn vã đến hỏi thăm khách lạ và không quên lời dặn "ra đảo hãy nhớ số điện thoại y sĩ Thư, thời gian ông ấy chạy đi tìm bệnh nhân nhiều hơn ở phân trạm. Nếu ở lại làng đảo lâu ngày mà bị sốt, cảm, huyết áp cao…hãy bấm số gọi cho ông ấy".

Đi qua bao mùa mưa nắng, trải qua nhiều gian khó, nhọc nhằn nhưng khi nhắc đến y sĩ Thư, gương mặt ông Lê Hậu và nhiều người già ở làng đảo Trí Nguyên mà tôi gặp như bừng sáng lên. Họ bảo ông y sĩ ấy được chúng tôi gọi là "người vệ sĩ sức khỏe trong đêm".

Y sĩ Trần Xuân Thư khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho người dân trên đảo Trí Nguyên

Y sĩ Trần Xuân Thư khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho người dân trên đảo Trí Nguyên

Nhớ những ngày đầu làm công tác y tế trên đảo Trí Nguyên, y sĩ Trần Xuân Thư chia sẻ: Tôi ra đây từ năm 2002, khi đó mới chỉ có một người làm công tác hộ sinh, đến năm 2007 thì tôi chính thức làm việc ở phân Trạm Y tế này. Ngày ấy bệnh sốt xuất huyết còn nhiều, nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh còn chưa cao. Với sức trẻ và khát vọng, chúng tôi đi đến từng nhà dân nắm tình hình bệnh tật, sức khỏe từng người để có hướng dẫn tư vấn, chăm sóc cho họ. Có hôm đi thăm khám bệnh cơ động đến rã rời đôi chân, hầu như ngõ hẻm nào trên đảo này thầy thuốc cũng phải đặt chân đến".

Thương người dân đảo như ruột thịt, y sĩ Thư sắm một chiếc túi lớn đựng y cụ, thuốc men cần thiết rồi từng ngày tập luyện đôi chân cho dẻo dai, khi có người gọi là phải đi ngay.

Với túi thuốc luôn mang bên mình, y sĩ Thư sẵn sàng đến từng nhà dân trên đảo để khám bệnh

Y sĩ Thư bộc bạch: Tách biệt với nhịp sống sôi động của TP. Nha Trang, đảo Trí Nguyên nằm yên bình giữa bốn bề sóng nước, người dân chủ yếu làm nghề chài lưới. Ở đây khác đất liền nhiều lắm, hầu hết các gia đình khi có người bị bệnh là tôi phải tìm đến nhà, nhất là người cao tuổi bị rối loạn tiền đình, huyết áp, tai nạn rách tay, chân…Có hôm giữa đêm vừa khám và phát thuốc xong ở khu này thì điện thoại lại hiện lên tin nhắn báo có người khó thở, choáng váng, đau đầu ở khu khác, thế là coi như đêm ấy không ngủ. Nhiều hẻm quá nhỏ, không đi xe được thì phải cuốc bộ.

Người y sĩ tận tụy

Không chỉ quen với hình ảnh người y sĩ xuyên ngày đêm chạy quanh đảo lo bảo vệ sức khỏe cho dân mà trong ý nghĩ của nhiều trai tráng ở Trí Nguyên, y sĩ Thư còn là người xoay chuyển tâm lý, tư vấn cho họ những điều hay, lẽ phải.

Nhớ mãi, một đêm mưa như trút nước của mấy năm trước, ngư dân Nguyễn Trường rách cả một mảng da rộng lớn ở chân do sơ ý trong quá trình chằng buộc tàu thuyền. Khi đó Trường chủ quan, để mặc kệ vì xưa nay, xây sát nhẹ cứ tắm biển ít ngày là lành. Nhưng rồi, vết thương cứ tấy lên, lúc ấy y sĩ Thư đã rửa vết thương, cho bệnh nhân uống kháng sinh và phân tích, dặn dò tỉ mỉ cách phòng, chống nhiễm trùng. Vì tận tình của y sĩ Thư, từ đó, bản thân Trường cũng như các trai tráng khác khi có bệnh, bị vết thương nhẹ đều tìm đến y sĩ Thư, nghe theo hướng dẫn của anh.

Hầu hết các hộ dân trên đảo khi gặp vấn đề sức khỏe vào ban đêm, y sĩ Thư đều phải chạy đến tận nhà để khám, tư vấn điều trị

Xem mỗi sự đổi thay trên đảo là niềm vui, hạnh phúc của mình, y sĩ Trần Xuân Thư thổ lộ: "Gian khó nào rồi cũng đi qua, người dân đảo bây giờ khấm khá lắm rồi, nghe lời y sĩ nên cũng đỡ vất vả đi vận động phòng dịch. Mấy quán ăn quanh các trường học khi được nhắc nhở, tuyên truyền cũng đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Người trên đảo bị các bệnh như đái đường, huyết áp được phân Trạm Y tế khám, phát thuốc và tư vấn chăm sóc rất tốt. Bên cạnh đó, lực lượng lao động chính trong các gia đình thường xuyên bị tai nạn lao động mà không tổn thương sâu vào mạch máu cũng được xử trí tốt ngay tại đảo. Nhiều trẻ em co giật do sốt cao cũng đã được cứu chữa kịp thời, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Tuy nhiên, đến nay, gần 100% các trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe ban đêm, y sĩ phải chạy đến tận nhà bệnh nhân chứ người dân ít khi đến cơ sở y tế. Đối với các trường hợp nặng thì y sĩ trên đảo sẽ gọi khẩn cấp đến các tàu/đò đưa bệnh nhân vào các bệnh viện tuyến trên trong đất liền để cấp cứu, điều trị".

Theo đánh giá của lãnh đạo Trạm Y tế Vĩnh Nguyên (Nha Trang, Khánh Hòa), dân số trên làng đảo Trí Nguyên khoảng trên 4.000 người, các hoạt động y tế trên đảo được thực hiện đầy đủ, y sĩ bám đảo tận tụy đến tận nhà dân khám bệnh. Thống kê từ năm 2022 đến nay, người dân trên đảo được thăm, khám sức khỏe ban đầu trên 120 lượt người/tháng.

Hà Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-thay-thuoc-phai-long-lang-dao-169230222163838867.htm