Người thầy thuốc quân hàm xanh nơi cực Tây Tổ quốc - Bài 1: Cứu người - Mệnh lệnh từ trái tim

Bảo đảm sức khỏe bộ đội, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên quân y. Hơn 30 năm gắn bó với đồng bào Tây Bắc, Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Diện, nhân viên quân y (Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) không chỉ giỏi chuyên môn mà còn sáng lên tinh thần 'lương y như từ mẫu', để lại hình ảnh đẹp về người chiến sĩ biên phòng, người thầy thuốc quân hàm xanh trong lòng đồng bào các dân tộc.

Bài 1: Cứu người - Mệnh lệnh từ trái tim

Thiếu nữ đau bụng dữ dội, gia đình mời thầy cúng nhưng vẫn không khỏi. Quân y khám xong, thông báo thiếu nữ đang trở dạ thì chẳng ai tin, vì "nó còn chưa có chồng", chỉ đến khi tiếng trẻ khóc chào đời cất lên thì mọi việc mới được sáng tỏ. Bệnh nhân sốt rét trong rừng, diễn biến sức khỏe ngày một xấu, nguy cơ tử vong cao, ai nấy nước mắt lưng tròng lo hậu sự, sứ mệnh người thầy thuốc khi ấy là quyết tâm giành lại sự sống cho người bệnh...

Đại ngàn vang tiếng yêu thương

- Bộ đội ơi cứu con tôi, đau thế này nó không sống nổi đâu!

Người phụ nữ vừa nói vừa níu chặt áo Nguyễn Đức Diện, ánh mắt cầu khẩn đặt trọn niềm tin vào người thầy thuốc quân hàm xanh. Nhìn gương mặt đầy âu lo của người dân, anh cảm thấy gần gũi, thân thuộc như chính người thân nơi quê nhà.

Trong gian buồng thiếu sáng, thiếu nữ ôm bụng trong cơn đau quằn quại. Gian ngoài, thầy mo vừa đi vừa lẩm nhẩm vài câu gì đó, trên tay cầm chiếc lá nhúng vào bát nước rồi vẩy vào hư không. Lễ cúng từ chiều, nhưng càng về đêm thì cơn đau càng dữ dội, người bệnh cảm tưởng như có hàng nghìn mũi kim cùng chĩa vào cơ thể. Kiểm tra kỹ phần bụng, thấy mầm sống đang cựa quậy, Nguyễn Đức Diện bảo mọi người tản ra ngoài rồi nói nhỏ với người phụ nữ đứng cạnh chuẩn bị quần áo, tã lót đón em bé. Thoạt nghe, khuôn mặt người phụ nữ biến sắc, nhưng rồi cũng hiểu ý và làm theo.

Tiếng khóc trẻ sơ sinh cất lên, mọi con mắt đổ dồn về căn phòng như không tin đó là sự thật. Thiếu nữ chẳng bị ma rừng hãm hại như đồn đoán, mà là có thai. Khi cái thai to lên, người mẹ trẻ lại quấn chặt chiếc khăn vào bụng, mặc áo rộng bên ngoài che mắt mọi người. Do ăn uống thiếu thốn, sinh thiếu tháng nên cháu bé rất yếu, thật may có quân y can thiệp nên “mẹ tròn con vuông”. Thêm người là thêm của, anh động viên tinh thần mọi người, đồng thời không quên dặn dò gia đình chăm sóc thai phụ chu đáo. Trên lan can cầu thang vẫn treo những tờ giấy màu lòe loẹt, nhưng không thấy bóng dáng thầy cúng đâu nữa...

 Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Diện khám, phát thuốc và hướng dẫn bà con cách sử dụng. Ảnh: HÀ CHUYÊN

Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Diện khám, phát thuốc và hướng dẫn bà con cách sử dụng. Ảnh: HÀ CHUYÊN

Sinh ra trên quê hương Vĩnh Phúc, Nguyễn Đức Diện nhập ngũ tháng 3-1992, rồi được cử đi học lớp y tá của Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Ra trường, anh về công tác tại Đồn Biên phòng Mường Nhé (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũ, nay thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Đây là huyện nghèo, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, dân trí thấp, đi lại khó khăn, vì thế mà còn nhiều tệ nạn, tập tục, nhất là nạn hút thuốc phiện, nghiện rượu, tảo hôn...

Sống ở vùng cao, Nguyễn Đức Diện và đồng đội từng bị ám ảnh khi chứng kiến tục “phơi xác” của đồng bào. Khi người thân qua đời, thi thể được gia đình để trong nhà cả tuần, hằng ngày, con cháu phải mang cơm nước, thức ăn bón cho người đã khuất nhằm thể hiện sự hiếu thảo với đấng sinh thành. Mùa hè nóng nực, mùi cơ thể người chết phân hủy lẫn với mùi thức ăn ôi thiu gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và môi trường xung quanh.

Là người tham gia chăm lo sức khỏe nhân dân, Nguyễn Đức Diện trăn trở: Làm thế nào để vận động bà con xóa bỏ hủ tục? Nói đi đôi với làm, đầu tiên, anh học nói tiếng đồng bào, không nề hà bất cứ việc gì, từ việc chung đến việc riêng, chia sẻ buồn vui và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Những việc làm của anh được bà con ghi nhận, lâu dần thấy mến, thấy thương và coi anh như thành viên trong gia đình.

Người vùng cao rất tôn trọng già làng, trưởng bản, vì thế mỗi lần trở về, anh không chỉ khám, chữa bệnh mà còn thuyết phục những người có uy tín thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa mới, hướng dẫn bà con giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn uống khoa học để có sức khỏe tốt. Cùng với đó là nhiều giải pháp đồng bộ của chính quyền các cấp, sự tham mưu đúng, trúng của BĐBP đứng chân trên địa bàn nhằm chung tay đẩy lùi tập tục lạc hậu, phát triển kinh tế.

Sáng ngời “chất thép”

“Sốt rét tái màu da/ Đồng đội mấy người gục ngã/ Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng”, đó là những vần thơ chép vội trong cuốn sổ tay đã ngả màu như nhắc nhớ về một thời gian khó...

Năm 1995, đồng chí Nguyễn Văn Chính, nhân viên Đồn Biên phòng Mường Nhé bị sốt rét rất nặng. Bệnh nhân sốt cao, huyết áp tụt, mạch không đo được, thuốc đặc trị mất tác dụng, sức khỏe ngày một xấu, nguy cơ tử vong cao.

Khi ấy đúng vào mùa mưa, dòng nước từ thượng nguồn đổ về cô lập nhiều tuyến đường, khiến nhiều cánh rừng bị sạt lở nghiêm trọng nên không thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Nhìn đồng đội cứ lịm dần mà lòng dạ xót xa. Giá như là gánh nặng thì mỗi người ghé vai cùng san sẻ, nhưng bệnh tật thì chẳng biết làm gì. Đồng chí Nguyễn Kim Trọng, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Mường Nhé lau vội giọt nước mắt, giọng lạc đi khi chỉ đạo anh em lo chuyện hậu sự. Người thì vào trong bản tìm mua những tấm gỗ tốt nhất để đóng áo quan, người thu dọn, niêm phong đồ đạc của bệnh nhân, người chuẩn bị nấu xôi, luộc gà làm lễ. Mỗi người một việc, mắt ai cũng đỏ hoe.

Còn nước còn tát, Nguyễn Đức Diện chạy nhanh lên phòng chỉ huy trình bày phương án truyền chloroquine vào tĩnh mạch, đây là giải pháp cuối cùng, tỷ lệ thành công rất thấp. Nhưng cứu người là trên hết! Sự quyết tâm ấy như liều thuốc tinh thần mang đến tia hy vọng, dù quá mong manh.

Kim đồng hồ nặng nề nhích từng con số, không gian như đặc quánh, căng thẳng và hồi hộp, chẳng ai nói ra nhưng đều hy vọng về một “phép màu” nào đó. Bất ngờ có tiếng động nhẹ, rồi tiếng rên rất khẽ. Bệnh nhân đã cử động, còn mở được mắt và mấp máy môi gọi tên đồng đội. Nguyễn Đức Diện chụp vội máy đo huyết áp. Huyết áp tăng, cặp nhiệt độ đã giảm sốt, mạch ổn định trở lại. "Anh Chính sống rồi!", mọi người cùng reo lên sung sướng.

Bệnh nhân vừa tỉnh dậy đã kêu đói và đòi ăn cơm, nhưng cơm chưa kịp nấu. Nhìn đĩa xôi với con gà vừa luộc trên bàn thì phân vân, ai đó bảo cứ mang vào cho bệnh nhân ăn tạm, có gì tính sau. Người ốm thường mất vị giác, miệng đắng, đằng này nhìn anh Chính ăn ngon lành, lẽ nào đây là bữa ăn cuối cùng, dấu hiệu của ngọn đèn sắp tắt? Nhưng điều lo lắng ấy đã không xảy ra. Được đồng đội chăm sóc chu đáo, sức khỏe của anh Chính hồi phục rất nhanh như chưa từng xảy ra trận ốm “thập tử nhất sinh”...

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Đó là lời bài “Khát vọng tuổi trẻ”, cũng là lẽ sống của quân nhân Nguyễn Đức Diện. Năm 1996, theo nguồn tin báo có dấu hiệu hoạt động của phỉ trên địa bàn biên giới, chúng đang san ủi đất làm chỗ đỗ trực thăng, xây nhà kho giấu vũ khí. Để xác định nguồn tin chính xác, chỉ huy đơn vị triển khai đoàn công tác đặc biệt thâm nhập thực địa nắm tình hình. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thậm chí “một đi không trở lại”, nhưng Nguyễn Đức Diện vẫn xung phong có mặt trong đoàn công tác.

Chiều hôm đó, từng quân nhân niêm phong quân tư trang, đồ dùng cá nhân của mình gửi lại đơn vị. Khi viết nắn nót tên người thân sẽ nhận kỷ vật, Nguyễn Đức Diện trào dâng bao cảm xúc. Niềm tự hào về quê hương, những thế hệ cha anh từng gắn bó với mảnh đất biên cương, về tấm gương Trần Văn Thọ, người Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của lực lượng BĐBP, người từng cống hiến và trút hơi thở cuối cùng khi mới tròn 26 tuổi... tất cả như tiếp thêm niềm tin và động lực cho người chiến sĩ trẻ.

Cung đường từ đơn vị tới điểm nghi vấn khá xa. Hành quân khẩn trương nhưng vẫn phải bảo đảm công tác bí mật, không làm xáo trộn cuộc sống của bà con. Tổ công tác ém quân vào vị trí, đúng giờ ăn tối của đồng bào, khi mọi nhà quây quần bên mâm cơm thì anh em triển khai nhiệm vụ. Các lực lượng nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, thu thập chứng cứ, báo cáo kết quả. Khi tổng hợp thông tin, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra bãi đất trống vừa được san phẳng là sân chơi đón mừng năm mới, còn nhà kho vừa cất lên chứa rất nhiều nông sản của bà con vừa mang về tập kết tại đây.

Tiếng cá quẫy bên suối, vầng trăng như chiếc đèn khổng lồ treo đầu núi. Gắn bó với miền sơn cước, Nguyễn Đức Diện tích lũy được nhiều kinh nghiệm đi rừng, nhưng anh chẳng bao giờ giữ cho riêng mình mà truyền các kỹ năng ấy cho mọi người. Nào chuyện phân biệt được đâu là rắn độc, cách sơ cứu khi bị rắn cắn, lấy nọc độc ra thế nào, uống thuốc gì, tất cả đã có trong cuốn cẩm nang hướng dẫn rất chi tiết. Khi hành quân leo dốc, lội suối, nếu chẳng may ai đó bị trầy xước da, bong gân, dị ứng côn trùng... đều có cách xử lý hiệu quả.

Chuông điện thoại reo cắt ngang câu chuyện, anh cáo lỗi phải lên đường gấp. Loáng cái đã thấy anh mang chiếc túi cứu thương bên mình, chiếc xe máy nổ giòn lao đi như cơn gió. Phía xa, chỉ kịp thấy lấp lóa ánh trăng tinh nghịch đậu trên vai áo người lính quân y giữa đại ngàn.

(còn nữa)

PHÙNG MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-thay-thuoc-quan-ham-xanh-noi-cuc-tay-to-quoc-bai-1-cuu-nguoi-menh-lenh-tu-trai-tim-745199