Người thay tôi gánh vác cả bầu trời!

Tôi nhìn từ phía sau, nhận ra tóc ông lấm tấm bạc, cái áo sờn màu mà tôi đang nắm chặt đã mặc đi mặc lại không biết bao nhiêu lần. Đó là cha tôi, người thay tôi gánh vác cả bầu trời tuổi thơ.

Tháng Năm, tháng Sáu, Hà Nội mùa này nắng vàng tươi.

Lắm khi tôi tự hỏi con người sao mà lạ lùng quá. Lúc còn bé ai ai cũng mong muốn lớn nhanh như thổi, mau mau trưởng thành để được đi đây đi đó, làm những điều mình thích. Khi trưởng thành họ lại ước ao có một tấm vé trở về tuổi thơ, để cắp sách đến trường, để nô đùa với bè bạn, để nghe cha mẹ răn những điều răn nên người.

Con người lạ lùng như vậy, và cũng nên lạ lùng như vậy.

Với tôi khoảng thời gian này luôn khiến tâm tưởng bồi hồi và hoài niệm đến lạ. Mơ về những ngày xưa cũ, nghĩ đến những thứ mà cả năm ít khi để ý. Có lẽ vì cái nắng như đổ lửa và nhiệt độ ngoài trời gay gắt như muốn cháy da cháy thịt, bất cứ lúc nào đi đường, sự mệt mỏi khiến tôi luôn hằng mong lội ngược trở về quá khứ, thời thơ ấu không thể quay lại ấy.

Ảnh minh họa.

Cha tôi của hiện tại và cha tôi của ngày trước không có gì quá khác biệt. Nhưng thời điểm này, rất nhiều em học sinh lớp mười hai đang chuẩn bị cho kỳ thi trọng đại của cuộc đời mình. Mỗi khi nghĩ tới điều đó, tôi lại nhớ về những ngày mà cha đưa tôi đi dự thi.

Mấy ngày ấy mọi thứ xung quanh tôi dường như chẳng có gì thay đổi. Nền trời vẫn xanh ngắt, con đường đến trường dập dìu những cánh chim tung cánh bay lượn, ngay cả hàng cây già cỗi ven đường trong dáng mình ủ rũ thì chúng vẫn gồng mình phủ bóng mát rượi giữa trưa hè.

Nhưng lòng tôi lại có những biến chuyển lớn lao. Tôi lặng nhìn lưng áo ướt đẫm của cha, suốt chặng đường đến điểm dự thi ông vẫn luôn miệng dặn dò và trấn an những lo lắng trong tôi.

Tôi không thể nhớ tất cả những gì ông đã nói, chỉ có câu “Phải thật bình tĩnh, thật bình tĩnh con nhé” là in đậm trong ký ức của tôi cho đến tận bây giờ.

Đối với tôi, ông của những ngày đó rất khác với những ngày thường nhật, khác khi còn bé thường cho tôi ăn no những trận đòn roi vì nghịch ngợm phá phách, khác cả những ngày của hiện tại ông trở nên trầm lắng hơn khi tôi đã trở nên trưởng thành. Giống như bến đỗ bình yên nhất của những con đò lạc dòng, giống như những vị anh hùng cái thế trong những câu chuyện thần thoại xa xưa mà bấy giờ, chỉ cần tôi giơ tay một chút là có thể chạm tới. Sự xúc động khi đó khiến tôi luôn nắm chặt lấy góc áo ẩm ướt của ông.

Cái nóng của Hà Nội luôn gắt gỏng và khó chịu quá đỗi, thế nhưng sau lưng ông, những cơn gió lành khẽ khàng luồn qua làn tóc và bờ mi, đi vào trong tâm hồn non nớt của tôi.

Cổng trường tấp nập xe đón xe đưa, người ra kẻ vào nườm nượp. Tà áo trắng tinh của những cô cậu học trò, màu áo xanh lam của các anh các chị tình nguyện viên cổ vũ, khích lệ. Người phát quạt, người đưa nước rộn ràng. Cảnh tượng đó khó thấy lần thứ hai trong đời.

Tôi nhanh chân bước vào sân trường. Tôi vẫn luôn biết ánh mắt ông dõi theo tôi, chỉ có điều tôi ngày ấy nhút nhát đến nhường nào, không dám quay đầu nhìn ông. Nếu được trở lại quá khứ, có lẽ tôi sẽ không làm như vậy mà phải quay đầu lại, và mỉm cười thật tươi vẫy tay với cha tôi. Vì cho đến hiện tại tôi mới hiểu, cha tôi, và cả mẹ tôi, họ mãi mãi luôn là người sẽ ở bên tôi cho dù có bất cứ điều gì xảy ra đi chăng nữa.

Sau khi môn thi cuối cùng kết thúc, mọi bất an và lo lắng về bài thi trong tôi được xóa tan tành, tôi chậm rì rì bước ra cổng trường, cha vẫn luôn ở bên ngoài đợi tôi. Dáng đứng thẳng tắp. Nhìn thấy tôi ông liền vẫy gọi, đưa cho tôi chai nước mát lạnh và phẩy quạt xua đi cái nóng hầm hập của buổi ban trưa. Bằng một chất giọng kiên định xen lẫn đôi chút xúc động, ông bảo, vậy là kết thúc rồi, nghỉ ngơi thôi.

Vậy là hai cha con tôi rời khỏi điểm thi.

Ông lái xe phía trước, kể cho tôi nghe về kỷ niệm thi cử hồi đi học của ông. Tôi ngồi phía sau cẩn thận lắng nghe, cẩn thận ghi nhớ, cẩn thận ngắm nhìn cảnh vật chung quanh.

Con đường mọi hôm tôi đi học bỗng chốc trở nên thật xa lạ, vì từ rày trở đi, cuộc sống của tôi sẽ đổi khác. Đến khi tôi nhận ra điều này, trái tim trong lồng ngực tôi đập mạnh như trống rền. Tôi nhìn từ phía sau, nhận ra tóc ông lấm tấm bạc, cái áo sờn màu mà tôi đang nắm chặt đã mặc đi mặc lại không biết bao nhiêu lần. Tôi chợt nhận ra, người ở phía trước thay tôi gánh vác cả bầu trời thuở thiếu thời, không ai khác chính là cha tôi.

Sau này, tôi sẽ tự mình đón lấy cả thế giới vào lòng.

Cha tôi không còn ở phía trước nữa, ông sẽ nhường chỗ cho tôi và lùi về phía sau.

Tôi lặng lẽ bật khóc sau lưng ông, nước mắt tôi giàn giụa. Cái nóng Hà Nội cũng không bỏng rát như dòng nước chảy ra từ khóe mắt tôi dạo ấy. Tôi không lấy tay lau đi mà để mặc nó chảy xuống cổ xuống cằm và thầm nói một tiếng cảm ơn nho nhỏ với người đàn ông đáng kính ấy. Câu nói mà những người con đất Việt thật khó lòng thốt ra trước mặt cha mẹ mình.

Ông đâu chỉ là người cha, ông còn là người thầy đầu tiên trong cuộc đời tôi. Người đầu tiên dạy tôi bập bẹ từng tiếng, người đầu tiên dạy tôi biết mặt chữ, tập viết, đánh vần, dạy tôi làm toán, người đầu tiên dạy tôi về thế giới bao la rộng lớn ngoài kia.

Cũng là người dạy tôi trưởng thành.

Tôi không rõ ông có nghe được hay không, có là lẽ có, cũng có lẽ là không. Chỉ là bả vai ông khẽ động, ông ngoái lại nói với tôi: “Bám thật chắc vào, bây giờ hai bố con mình sẽ chỉ đi nhanh thôi”.

Tôi bật cười.

Ký ức ngưng đọng lại ở thời điểm đó, như thể một thức quà mà hàng năm vào thời gian này, tôi sẽ mở lại nhấm nháp những hương vị xa xưa.

Hương vị của nắng hè giòn tan, trang giấy viết dở, mực khô gần hết, hoa phượng đỏ thắm, ve kêu râm ran. Mẹ nấu chè đợi tôi về, tôi ngồi sau xe của cha, trên triền đê lộng gió hồ như có thể vi vu khắp nhân gian.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Đan Linh

Địa chỉ: Cụm 1, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected]

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem

Ban tổ chức

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nguoi-thay-toi-ganh-vac-ca-bau-troi-d190801.html