Người thầy với vai trò trung tâm để nâng cao chất lượng giáo dục

Trong môi trường giáo dục, thầy cô luôn đóng vai trò trung tâm với sứ mệnh 'trồng người'' cao cả. Để từng bước tạo điều kiện giúp thầy cô giáo yên tâm công tác, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao đời sống giáo viên. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thầy cô gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là các thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), chúng tôi giới thiệu một số ý kiến về vai trò của người thầy trong sứ mệnh 'trồng người' cao cả hiện nay.

Cô ĐÌNH THỊ HIỀN, giáo viên Trường THPT Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội):

Hạnh phúc lớn nhất là được đứng trên bục giảng

Nhân dân ta luôn tôn trọng, đề cao nhà giáo và nghề dạy học. Đó là do truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc, cùng với điều cốt lõi là do thiên chức của nghề dạy học được các thế hệ nhà giáo Việt Nam nối tiếp nhau dày công xây đắp nên. Thiên chức của nhà giáo không chỉ ở dạy chữ mà lớn hơn là dạy làm người-dạy cho học trò đạo lý làm người; là phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ những tri thức, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Ngày nay, cả xã hội quan tâm đến giáo dục, với quan điểm: Học tập suốt đời. Đó là minh chứng cho vị thế, vai trò của nhà giáo nói riêng, ngành giáo dục nói chung trong xã hội hiện đại.

Giờ học ngoại ngữ của lớp bác sĩ quân y dài hạn, Học viện Quân y. Ảnh: VŨ QUANG THÁI.

Để vị thế, vai trò ấy tiếp tục được khẳng định và tôn vinh, bên cạnh sự nỗ lực từ chính các thầy cô nhằm đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới giáo dục cũng như yêu cầu cao, chính đáng của học sinh, phụ huynh và xã hội thì cũng rất cần Đảng, Nhà nước có những chính sách phù hợp để nâng cao năng lực, địa vị xã hội, địa vị kinh tế cho họ. Đối với thầy cô thì hạnh phúc lớn nhất là được đứng trên bục giảng. Nếu thầy cô đầy đủ phẩm chất, năng lực, được học sinh yêu quý, xã hội ghi nhận và tạo điều kiện để chủ động sáng tạo trong công việc, điều đó sẽ thực sự tạo nên thành công cho ngành giáo dục.

HÀ PHƯƠNG (ghi)

-----------------------

Thiếu tá VỪ BÁ RÊ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Típ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An):

Quan tâm hơn đến đời sống giáo viên vùng biên

Giáo viên công tác ở vùng biên giới là những người đã hy sinh, chấp nhận cuộc sống xa gia đình, người thân, bạn bè, quê hương để đi "gieo chữ" nơi khó khăn, xa xôi nhất. Họ không quản ngại đường xa, cách trở mang tri thức truyền thụ cho các em nhỏ vốn chịu rất nhiều thiệt thòi này. Ngay như đầu năm học 2018-2019, con đường duy nhất vào địa bàn hai xã Mường Típ và Mường Ải của huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) bị xóa sổ hoàn toàn do mưa lũ, các thầy cô giáo nơi đây đều phải đi bộ hàng chục cây số, cắt núi, lội suối để vào trường kịp khai giảng năm học mới. Khi đó, tất cả đồ dùng cá nhân, thiết bị dạy học đều phải tự các thầy cô giáo mang bộ. Nếu như ngày thường, các thầy cô chỉ mất từ 2 đến 3 giờ đồng hồ đi xe máy cho cung đường dài 35km thì sau đợt lũ, thời gian là hai ngày một đêm. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng tất cả thầy cô giáo đều khắc phục, vượt qua, phấn đấu tổ chức khai giảng năm học mới đúng theo kế hoạch. Không chỉ khó khăn về điều kiện địa hình, việc học sinh đồng bào miền núi chưa biết tiếng phổ thông cũng là thách thức lớn đối với các thầy cô giáo khi mới về nhận nhiệm vụ ở địa bàn biên giới. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, bằng tâm huyết và lòng yêu nghề, các thầy cô giáo đã không quản khó khăn, vất vả, thiếu thốn, mang tri thức đến với con em đồng bào. Bởi vậy, mong rằng thời gian tới, Đảng, Nhà nước có chính sách đặc thù, quan tâm hơn nữa đến đời sống giáo viên, đặc biệt là giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, qua đó giúp các thầy cô giáo ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

HẢI THƯỢNG (ghi)

---------------------------------------

Cô NGUYỄN THỊ PHÚC HẠNH, giáo viên Trường THCS Trường Sơn, xã Trường Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình):

Quan tâm đầu tư đi đôi với chống tiêu cực

Những năm qua, Đảng và Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp để đầu tư xây dựng, sửa chữa trường, lớp, các công trình và điều kiện phục vụ việc dạy và học. Qua đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, điều kiện sinh hoạt của học sinh và giáo viên được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tại một số trường học vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, năm vừa qua, mưa lũ tàn phá cơ sở vật chất của nhiều trường học tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung và một số địa phương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy và học. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cũng như kêu gọi các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm quan tâm hơn nữa để sớm khắc phục khó khăn do hậu quả thiên tai để lại.

Tôi cho rằng, đầu tư cho giáo dục không đơn giản chỉ là đầu tư về cơ sở vật chất trường, lớp, mà còn phải quan tâm đến đời sống giáo viên. Cùng với đó, những tiêu cực trong thi tuyển cũng cần được điều tra và xử lý nghiêm. Đối với các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục cần phải thực hiện có hiệu quả, có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước để tránh thất thoát, lãng phí.

VĂN THI (ghi)

-------------------------------------

Em DƯƠNG THỊ THUẬN, học sinh Lớp 12C Trường THPT Bắc Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn):

Giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo trong học tập

Từ trước đến nay, thầy cô giáo luôn đóng vai trò quyết định đối với việc tổ chức giáo dục-đào tạo, là cầu nối truyền thụ tri thức đến người học, là người thực hiện việc đổi mới cách thức tổ chức dạy học để truyền đạt tri thức sinh động, sáng tạo đến học sinh. Học sinh chúng em luôn mong muốn thầy cô có nhiều phương pháp truyền thụ mới.

Là học sinh THPT, em mong muốn bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống, các thầy cô có thể tăng cường áp dụng nhiều hình thức dạy học khác, như thuyết trình, trao đổi, luyện lập nhóm… để phát huy sự hứng thú và khả năng sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tăng thực hành, vận dụng dạy học theo các tình huống gắn với đời sống sẽ góp phần khắc phục tình trạng môn học bị nhàm chán.

DƯƠNG SAO (ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nguoi-thay-voi-vai-tro-trung-tam-de-nang-cao-chat-luong-giao-duc-554903