'Người thiếu nữ ấy như mùa xuân'

Cuộc hành hương tháng 7, hướng về nguồn cội của chúng tôi tiếp nối từ Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), trở về Công viên Liệt sĩ Anh hùng Võ Thị Sáu, ngay trên quê hương Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Mới đây, cây cột cờ lớn được khánh thành trên đỉnh núi Minh Đạm, nằm phía Đông Nam Đất Đỏ, như một biểu tượng anh hùng, nơi đã xảy ra cuộc giao tranh khốc liệt của quân và dân ta với giặc Mỹ kéo dài suốt 30 năm (1945-1975).

Trở về ngôi nhà tuổi thơ

Nếu ở Nghĩa trang Hàng Dương, nữ liệt sĩ, anh hùng Võ Thị Sáu được tôn lên như một vị “thánh” với sự ngưỡng mộ tâm linh; thì nơi đây trong ngôi nhà xưa, nơi Võ Thị Sáu cất tiếng khóc chào đời lại hiền hòa, dịu dàng như những bông hoa leo trên hàng rào dâm bụt. Ngôi nhà có chiếc cổng màu xanh của cây cối và những trái mít đang đến độ chín, cùng chùm hoa khế tím rơi như hạt tấm, trên sân gạch hồng. Giữa hai bình hoa được kết bằng cây sanh lớn, tấm bia có lời dạy của Bác được ghi lại cho con cháu: “Gương anh dũng của cháu Võ Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta học tập” (Trích lời Hồ Chí Minh). Câu chuyện tuổi thơ của Võ Thị Sáu bắt đầu từ chiếc xe kéo bên hiên nhà. Người thuyết minh kể, ngay từ khi lên bảy, Võ Thị Sáu đã giúp cha đẩy xe ra chợ bán hàng. Một cô gái ngoan hiền, nhanh nhẹn làm hết việc này đến việc khác, đỡ việc cho cha mẹ. Cô còn hay hát hay cười, suốt ngày bám chiếc xe kéo theo bố đó đây và cũng đã nhiều phen chạy giặc Pháp càn vào chợ Đất Đỏ.

Tác giả bên tượng đài Anh hùng Võ Thị Sáu.

Đặc biệt vào thời kỳ này, căn cứ cách mạng ở dãy núi Minh Đạm đã hình thành, tạo nên phong trào tham gia kháng chiến khá sôi động ở vùng Đất Đỏ. Chính vì thế, khi mới 12 tuổi (1945), Võ Thị Sáu đã đi theo anh trai xung phong vào lực lượng kháng chiến chống Pháp. Ban đầu chỉ làm liên lạc và cung cấp thông tin cho đơn vị, nhưng sau đó Võ Thị Sáu được tuyển vào đội ngũ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ (1947). Người hướng dẫn viên nói, chính từ ngôi nhà nhỏ bé này, Võ Thị Sáu đã cùng chi Đội Công an bàn kế hoạch diệt trừ giặc Pháp. Võ Thị Sáu tình nguyện, luồn sâu đánh lén bất kể lúc nào, nên tạo bất ngờ cho kẻ địch không biết đâu mà lường. Không những thế, hàng ngày Võ Thị Sáu vẫn đẩy xe cùng bố ra chợ kiếm tiền mua lương thực, cung cấp cho chi đội giải phóng quân của Bà Rịa, trên căn cứ cách mạng. Mỗi khi nhận nhiệm vụ, hai anh em Võ Thị Sáu hăng say tìm mọi cách, thực hiện thành công.

Dẫn chúng tôi đến trước bức phù điêu bên tượng lớn, trong công viên Võ Thị Sáu, cách đó không xa, người hướng dẫn viên kể đó là hình tượng chị Võ Thị Sáu đang ném lựu đạn vào giặc Pháp và tay sai. Đấy là chiến công vào tháng 7/1948. Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp. Võ Thị Sáu nhận lựu đạn, ém vào góc chợ nơi mình vẫn bán hàng, từ nửa đêm. Sáng hôm sau, chị tiếp cận tới khán đài ném lựu đạn vào xe tỉnh trưởng, làm chúng hoảng hốt bỏ chạy. Cùng lúc đó hai tổ công an đồng loạt nổ súng yểm trợ, tạo áp lực cho bọn Pháp không thể tổ chức được mít tinh. Từ đó Võ Thị Sáu còn tham gia diệt tề trừ gian nhiều lần, đặc biệt có lần làm tên Tòng khét tiếng bị thương. Tiếng cô bé Sáu lan truyền khắp nơi làm khiếp vía kẻ thù với những trái lựu đạn bất ngờ ném tới. Trận đánh cuối cùng của Võ Thị Sáu, trước khi bị bắt vào mùa xuân năm 1950, đó là nhiệm vụ tiêu diệt hai tên tay sai chỉ điểm, Cả Suốt và Cả Đay. Cũng tại ngôi nhà gỗ nhỏ bé này, kế hoạch đã bàn tính chi tiết, từng đường đi nước bước. Vậy mà khi bí mật đón lõng ở góc đường, Võ Thị Sáu tình cờ bị phát hiện. Giặc Pháp ập đến bắt chị với tang chứng có lựu đạn trong tay. Lập tức chúng tuyên án tử hình Võ Thị Sáu. Vì vướng chuyện Võ Thị Sáu còn ở tuổi vị thành niên, nên chúng chuyển chị qua các nhà tù Chí Hòa, Bà Rịa. Cuối cùng chị bị đẩy ra Côn Đảo, với số tù 6267.

Những bức tranh kể chuyện pháp trường

Sau khi làm lễ dâng hương tại tượng đài, chúng tôi vào “Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu”, với tâm trạng ngỡ như trở lại Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo. Linh thiêng. Hào hùng. Có một bức tranh mô tả lại giây phút trước khi bị ra pháp trường, một cha cố đã đến làm lễ rửa tội cho Võ Thị Sáu. Người cha cố ngạc nhiên trước khí tiết của người nữ anh hùng, khi thấy chị đứng phắt dậy khẳng định: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi mới có tội”. Gần đó còn có một bức tranh khác, miêu tả không khí bi tráng của người liệt sĩ, đứng trước họng súng kẻ thù. Đó là hình ảnh tên sĩ quan Pháp dí súng lục bắn Võ Thị Sáu khi thấy đội bắn súng không trúng mục tiêu. Đúng như người hướng dẫn viên đã kể chuyện tại nghĩa trang Hàng Dương. Võ Thị Sáu không cần bịt mặt để nhìn thẳng vào nòng súng của kẻ địch. Khi đó những người lính dương súng ngắm về phía Võ Thị Sáu đã run tay khi thấy đôi mắt của người nữ chiến sĩ cách mạng bừng sáng như ngọn lửa. Một khí tiết cách mạng làm kẻ thù run sợ. Những tên lính này không bắn nổi nữa. Loạt đạn đầu đã có người bắn lên trời và có những viên đạn chỉ sượt qua. Người nữ anh hùng vẫn lẫm liệt đứng hiên ngang không hề run sợ. Chính tên đội trưởng đã hoảng hốt rút súng tiến tới dí sát vào thái dương Võ Thị Sáu để hạ sát chị.

Ngôi đền chứa đựng nhiều hình ảnh, mà chúng tôi vừa trải nghiệm, ở Nghĩa trang Hàng Dương. Đó là phòng giam đầu tiên của Võ Thị Sáu ở nhà tù Côn Đảo. Và kia là nơi chúng lén lút bắn chị vào 4 giờ sáng 23/1/1952. Sau đó là những ngôi mộ, cùng tấm bia thay nhau được bồi đắp, chống lệnh của cai ngục không cho xây mộ Võ Thị Sáu. Giặc cho người đến phá, thì ngay lập tức trong đêm, mọi người lại đến xây mộ cao hơn. Người dân Côn Đảo tin rằng chị Sáu đã hiển linh như một vị thánh, anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ tôn thờ, gìn giữ ngôi mộ như một ước vọng tự do là lẽ sống cho con người. Dường như hơn nửa thế kỷ trôi qua, ngôi mộ Võ Thị Sáu đã trở thành địa chỉ tâm linh cho nhiều người thập phương. Họ tôn sùng người nữ liệt sĩ anh hùng và gọi với cái tên thân thương là “Cô Sáu”. Còn đây nữa, bức tượng bằng đồng trong ngôi đền, đã được tạc đúng với vóc người, cùng nét đẹp hồn nhiên ở tuổi 17 của Võ Thị Sáu. Tác phẩm thể hiện sức mạnh của tuổi trẻ anh hùng miền Đất Đỏ.

Đúng lúc này, một đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào cũng đến lễ dâng hương bên tượng đài Võ Thị Sáu. Họ lắng nghe từng chuyện kể, những chiến công của người nữ chiến sĩ Công an Việt Nam đầu tiên, bị bắt giam tại nhà tù Côn Đảo. Một số người rưng rưng khóe mắt khi tiếng nhạc lễ hồn tử sĩ vang lên. Đôi mắt liệt nữ anh hùng như đang trìu mến ngắm họ như một sự đồng cảm, cùng thời tuổi trẻ đều muốn dâng hiến cho Tổ quốc. Vì nhân dân quên mình. Đoàn người chậm rãi đi vào đền thờ với cảm xúc trang trọng, linh thiêng.

Đoàn thanh niên Lào làm lễ dâng hương.

“Mùa hoa Lê ki ma nở”

Thật bất ngờ, lời bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn vang lên ấm áp, trên những chiếc loa của khu công viên. Trong đền thờ, chúng tôi ngỡ ngàng với bút tích của cố nhạc sĩ, để lại dưới những dòng nhạc đẹp nhất, mà ông đã viết từ năm 1958. Tính đến nay, bài hát đã ra đời được 60 năm, luôn còn sống mãi với thời gian. Biết bao thế hệ ca sĩ đã trình bày ca khúc này. Có lẽ người biểu diễn thành công nhất là ca sĩ trẻ Thanh Thúy, đoạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh năm 1994. Ngay năm sau, Thanh Thúy được mời đóng vai anh hùng Võ Thị Sáu trong bộ phim Người con gái Đất Đỏ của đạo diễn Lê Dân.

Đài phát thanh trong huyện đã thu giọng hát Thanh Thúy để làm nền cho những cuộc giao tiếp và tưởng niệm của các đoàn khách đến đây. Nhiều người đã từng thuộc bài hát này từ khi còn trẻ. Ai nấy đều nhớ đến giờ khắc biệt ly cuối cùng, Võ Thị Sáu cảm ơn những người đã đào mộ cho mình và sau đó cất tiếng hát. Đó là bài Lên đàng. Còn giờ đây mọi người đang cùng hát theo bản nhạc của Nguyễn Đức Toàn. Người nữ anh hùng hiện lên trước mắt họ. Xinh tươi như thuở nào. Đúng như bài ca mà họ vẫn thường hát: “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân...”.

Bài và ảnh: Vương Tâm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguoi-thieu-nu-ay-nhu-mua-xuan-n147232.html