Người 'thổi lửa' đam mê sáng tạo

Trưởng nhóm Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, anh Nguyễn Xuân Quang, cùng các cộng sự tại Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan đã thực hiện hàng loạt công trình đồng bộ hóa và hiện đại hóa các hệ thống đo carota tổng hợp bằng công nghệ trong nước, giúp Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng.

Chúng tôi hẹn gặp anh Nguyễn Xuân Quang vào một ngày thu trên thành phố biển Vũng Tàu. Đón tiếp chúng tôi, ánh mắt tràn niềm vui khi chia sẻ về những đam mê khoa học công nghệ của mình, anh Quang cho biết: Máy đo carota xách tay sử dụng công nghệ xử lý song song đa điều khiển cho phép thu nhỏ kích thước. Hệ thống đã mềm hóa tất cả các khối module chức năng thành phần mềm, phối hợp với nhau tạo thành cái máy, trạm đo carota tổng hợp xách tay là kết quả của công nghệ đó.

 Anh Quang và các cộng sự say sưa làm việc

Anh Quang và các cộng sự say sưa làm việc

Đây là trạm bề mặt đo địa lý, là một hệ thống đo xa (Telemetry System) qua cáp với độ dài cáp lên đến 7.500m, làm việc với tổ hợp đo rút gọn, được thiết kế nhỏ gọn để làm việc với các máy giếng hệ P-Karat của Hãng Tver và các máy giếng tự thiết kế.

Về phạm vi ứng dụng, hệ thống được sử dụng để thực hiện đo carota trong các tổ hợp rút gọn và cơ động với các máy giếng hệ P-Karat của giếng khoan của Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan trên các giàn khoan trong và ngoài Vietsovpetro; phục vụ công tác sửa chữa và debug trạng thái hệ thống các máy giếng Karat.

Đây là những thiết bị hoàn toàn mới, lần đầu tiên được thiết kế và chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam. Phần mềm đo và biểu diễn các thông số theo chế độ giám sát dưới dạng đường cong. Đường cong dữ liệu hiển thị theo cả tham số thời gian và tham số độ sâu. Điều này cho phép theo dõi sự cố của máy giếng khi kéo thả trong giếng khoan.

Hiện tại, Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan đã hoàn thành 4 trạm đo carota tổng hợp xách tay, 3 máy giếng đo định hướng và nhiệt độ giếng khoan, nâng cấp 3 máy MSC gồm 2 máy 40 càng và 1 máy MSC có 60 càng, tất cả đều đang được áp dụng cho các đội carota và đội kiểm tra khai thác, trực tiếp phục vụ công tác đo carota của xí nghiệp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như của Vietsovpetro.

Chưa tính đến hiệu quả từ dịch vụ địa vật lý mang lại, hệ thống các thiết bị được thiết kế, chế tạo thành công và đưa vào sử dụng đã giúp xí nghiệp tiết kiệm tài chính đáng kể.

Với đơn giá hiện tại, 4 trạm bề mặt xách tay đã hoàn thành và đưa vào áp dụng đã tiết kiệm số tiền mua trạm Karat khoảng 139.869 USD/trạm; trừ chi phí chế tạo khoảng gần 20.000 USD/4 trạm; tổng cộng tiết kiệm 539.476 USD.

Trạm Karat và Trạm Carota

3 máy đo độ lệch và phương vị hoàn thành và đưa vào áp dụng đã tiết kiệm số tiền mua trạm Karat khoảng gần 63.980 USD/trạm; trừ chi phí chế tạo gần 3.500 USD/máy giếng; tổng cộng tiết kiệm 181.440 USD.

2 máy MSC-40-V đưa vào áp dụng đã tiết kiệm hơn 170.000 USD/máy.

Với 1 máy MSC-60-V đưa vào áp dụng đã tiết kiệm hơn 230.000 USD/máy.

Như vậy, về hiệu quả kinh tế, chỉ tính phần tiết kiệm chi phí mua sắm đã tới 1.264.916 USD (tương đương 28.401 triệu đồng), chưa tính hiệu quả kinh tế từ giá trị dịch vụ khi sử dụng thiết bị công nghệ đem lại.

Anh Quang cho biết thêm, trong công tác đo địa vật lý giếng khoan, các thiết bị do xí nghiệp tự xây dựng đã đem đến các lợi ích hết sức thiết thực, đóng góp quan trọng để hoàn thành dịch vụ địa vật lý một cách hiệu quả nhất. Trên thực tế, các giải pháp đã thực sự phát huy tác dụng, đang tham gia vào dòng chảy khoa học công nghệ của xí nghiệp cũng như của Vietsovpetro. Việc tự lực, tự chủ chế tạo thành công trạm đo carota hoàn chỉnh gồm cả trạm bề mặt tổng hợp và tổ hợp các máy giếng đo ở độ sâu đến 5.000m của Việt Nam là đáp ứng mong ước từ rất lâu của các nhà địa vật lý Việt Nam.

Hàng chục giải thưởng cao từ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cuộc thi khác đem đến hiệu quả cao trong sản xuất - kinh doanh, tiết kiệm chi phí rất lớn cho Vietsovpetro, cho ngành Dầu khí, đều gắn liền với kỹ sư Nguyễn Xuân Quang, mọi người còn gọi anh với biệt danh “Vua sáng chế của ngành Dầu khí”.

Bằng sự sáng tạo không ngừng, trong quá trình làm việc tại Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, anh Quang đã cho ra đời nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Chỉ riêng từ năm 2011 đến nay, anh liên tục có hàng chục sáng kiến, sáng tạo được đánh giá cao và đạt các giải thưởng ở trong và ngoài nước, điển hình như: Giải Ba giải thưởng Sáng tạo công nghệ Việt Nam năm 2012 (VIFOTEC 2012) với công trình “Hệ thống đánh dấu mét từ tự động trên cáp địa vật lý Base 1 m” và Giải Bạc sáng chế quốc tế Seoul SIIF 2012 tại Seoul Hàn Quốc với giải pháp “Hệ thống máy đo carota độ lệch liên tục đường kính 60 mm”…

Những năm qua, năm nào anh Quang cũng có các giải pháp được Vietsovpetro áp dụng vào sản xuất. Năm 2014, anh Quang đã tìm tòi, đưa ra giải pháp “Cải tiến máy ALM Kapat nhằm nâng cao chất lượng tại liệu đo CCL số”. Sau khi cải tiến, máy làm việc ổn định, không còn lỗi từ phần phát thu của máy giếng, độ nhạy thu tín hiệu tăng gấp đôi, phân dị rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thực địa.

Cũng trong năm 2014, anh Quang đưa ra giải pháp “Thiết kế, lắp ráp thiết bị đo ghi số trạm tời chuyên dụng phục vụ cho công tác dịch vụ cáp địa - vật lý”. Hệ thống giải quyết được việc cung ứng một thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ trực tiếp cho công tác dịch vụ cáp địa vật lý của xí nghiệp, qua đó tiết kiệm được chi phí mua sắm thiết bị trạm bề mặt đo carota tổng hợp của nước ngoài, từng bước tiến tới nội địa hóa hệ thống điều khiển…

Hơn 20 năm làm việc tại Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, ở cương vị nào anh Quang cũng luôn có trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi là thành viên hội đồng khoa học công nghệ, anh đã có những đóng góp tích cực về mảng nghiên cứu công nghệ địa vật lý và đồng bộ hóa các thiết bị chuyên ngành của các hãng cung ứng khác nhau. Trong Ban Đào tạo nội bộ, anh Quang là nhân tố chủ chốt, góp phần trực tiếp đào tạo rất nhiều kỹ sư điện tử, kỹ sư địa lý - vật lý giỏi của xí nghiệp. Hiện anh vẫn đang tích cực tham gia các khóa đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ kỹ thuật của xí nghiệp, đặc biệt là các kỹ sư trẻ, về hệ thống Karat, Kaskad, Memory Karat, Huanding, Sondex, Mudlogging.

Anh Nguyễn Xuân Quang chia sẻ, bản thân anh luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, tiết kiệm vật tư để hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy, điều mà anh luôn truyền đạt lại với các kỹ sư trẻ là tinh thần không ngừng học hỏi, cập nhật những kiến thức mới, công nghệ mới, có tinh thần trách nhiệm, tuân thủ chặt chẽ kỷ luật lao động.

Với nhiều giải pháp, sáng kiến được công nhận, nhưng khi tiếp xúc, chuyện trò thì kỹ sư Quang lại có sự giản dị, khiêm nhường của một người làm khoa học công nghệ đáng trân trọng, người đã “thổi lửa” đam mê sáng tạo trong Vietsovpetro, có ảnh hưởng sâu rộng đến các đơn vị khác trong Vietsovpetro.

Ước mơ của anh đã thành hiện thực, khi giờ đây Vietsovpetro là một trong những đơn vị có sáng kiến, sáng chế dẫn đầu ngành Dầu khí, các bạn trẻ tại Vietsovpetro đã nối tiếp thế hệ đàn anh đi trước, đưa công nghệ hóa lên một nấc thang mới, mang lại giá trị kinh tế lớn, tiết giảm chi phí cho Vietsovpetro nhờ vào “đam mê sáng tạo khoa học”.

Chưa tính đến hiệu quả từ dịch vụ địa vật lý mang lại, hệ thống các thiết bị được thiết kế, chế tạo thành công và đưa vào sử dụng đã giúp xí nghiệp tiết kiệm chi phí mua sắm tới 1.264.916 USD (tương đương 28.401 triệu đồng), chưa tính hiệu quả kinh tế từ giá trị dịch vụ khi sử dụng thiết bị công nghệ đem lại.

Hồng Thắm

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nguoi-thoi-lua-dam-me-sang-tao-554517.html