Người thương binh ngày ấy

Năm 1969, tôi là y tá trong Đội điều trị 93 trực thuộc Quân y Viện 9 của Quân khu Việt Bắc. Tối 3-10-1969, đơn vị nhận thông tin có chuyến ô tô chở thương binh nặng từ chiến trường ra cần phải chăm sóc đặc biệt. 23 giờ, xe về đến nơi. Sau khi đón anh em xuống, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Hầu hết không có ai nguy kịch, chỉ có một ca gẫy xương đùi là tương đối nặng. Toàn bộ đơn vị đưa anh em vào nơi ăn ở ổn định. Làm xong thủ tục nhập viện, tôi thấy mệt nhoài lại không phải ca trực nên thu xếp về nghỉ. 

Ảnh minh họa: Minh Khuê

Sáng hôm sau, khi ánh nắng nhạt nhòa yếu ớt của tháng 10 chưa xua tan màn sương sớm, giao ban xong, chúng tôi tỏa xuống buồng bệnh ngay. Ban ngày, trông các anh còn rất trẻ, nhưng ai cũng xanh xao, người thì mất chân, mất tay, có anh đầu quấn lớp băng dày chưa kịp thay, máu thấm ra ngoài khô cứng. Tôi thấy lòng mình trào dâng nỗi thương cảm vô hạn. Phía góc lán, một anh thương binh nặng bị gẫy xương đùi, phải bó bột từ thắt lưng xuống, bàn tay phải của anh bị gẫy 1 ngón. Gương mặt anh tái nhợt vì đau đớn, nhưng lại nhìn tôi cố nở nụ cười.

- Đồng chí đau lắm phải không? Để tôi lấy nước cho đồng chí uống.

- Thôi, em ngồi xuống đây cho anh hỏi thăm, nhà em ở phố nào? - Tôi hơi bất ngờ trước cách xưng hô của anh.

- Em ở phố Cầu Giấy ạ.

- Anh ở phố Thợ Nhuộm, nhưng gia đình anh lên Thái Nguyên xây dựng kinh tế mới từ mấy năm nay rồi. Phố Thợ Nhuộm bây giờ chỉ còn anh trai anh ở. Các anh ở đây là anh của em, em đừng ngại nhé.

Mọi người cùng cười vang, khiến tôi cũng muốn hòa vào không khí vui nhộn của những người lính trẻ. Một anh bày ra bàn dãy bát sắt B52 (loại bát to dùng cho bộ đội ăn cơm vừa tiện lại nhẹ). Tôi chưa hiểu chuyện gì thì cũng anh thương binh đó lướt nhẹ đôi đũa lên dãy bát, tạo nên âm thanh nghe ngồ ngộ. Thật bất ngờ, dưới đôi bàn tay điêu luyện của anh, âm nhạc bài "Nổi lửa lên em" của nhạc sỹ Huy Du trở nên sống động tuyệt vời. Tất cả cùng hát vang, làm sáng lên những khuôn mặt đang tiều tụy vì đau đớn.

Tôi lặng đi, mắt nhòa lệ vì ngỡ ngàng trước cảnh tượng bất ngờ này. Toàn thể anh em bác sỹ, y tá đã đứng xung quanh từ lúc nào cùng vỗ tay hát theo, nhiều cánh tay áo blouse đưa lên lau vội dòng nước mắt. Mãi nhiều năm sau này, hình ảnh và những âm thanh ấy cứ văng vẳng trong trí óc tôi như một kỷ niệm đẹp, với niềm xúc động không thể nào quên.

Viện Quân y nơi tôi công tác gian khổ, vất vả, nhưng lũ con gái dù là người Kinh, Tày, Nùng đều ríu rít như một đàn chim trắng đã làm vơi đi vẻ ảm đạm của viện quân y thời chiến tranh. Một lần, tôi có hỏi chuyện về chiến trường ác liệt thế nào, các anh chỉ cười và bảo: "Em ơi, em không nên biết làm gì. Em cứ vui cười như thế là động viên các anh rồi".

Tôi còn biết nói gì trước tình cảm thân yêu của đồng đội, những người vừa cận kề với cái chết nay được trở về hậu phương trong vòng tay yêu thương của người lính quân y chúng tôi. Những ngày tháng ấy, chúng tôi vô cùng bận rộn. Chiến tranh khốc liệt đã cuốn hút không biết bao sức lực vào nó, những đợt thương binh vào rồi lại ra cứ thường xuyên liên tục. Tôi nhận được rất nhiều thư của các anh từ chiến trường gửi ra bằng đường quân bưu và cả hậu phương gửi vào. Những lời cảm ơn thân thiết và cả những lời bày tỏ tình yêu của lứa tuổi đôi mươi căng tràn nhựa sống.

Một buổi trưa mùa thu, khi những chiếc lá vàng trên cây chưa kịp rụng xuống, cả khu đồi bạch đàn trở nên vàng rực. Cảnh vật êm đềm hao hao giống bức tranh "Mùa thu vàng" của danh họa Lê Vi-tan làm tôi choáng ngợp. Thiên nhiên thật lạ, đẹp và huyền diệu vô cùng. Có một quân nhân mặc bộ quân phục mới tinh đi ngược lại phía tôi. Bất chợt, sự yên tĩnh nơi tôi bị phá vỡ khi anh bộ đội đó reo lên: Trời ơi! Nhung, có phải em đấy không?”.

Tôi cũng bàng hoàng không kém, nhưng không thể nhận ra anh nữa. Anh Vinh, người thương binh "đồng hương" với tôi đã khỏe mạnh ra nhiều sau hơn một năm chuyển viện điều trị ở Quân y Viện 9, anh được về Trại an dưỡng 231 gần đơn vị tôi ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Anh trở thành người nhà của đơn vị, mọi người đều yêu quý anh.

Tháng 10 năm ấy, đơn vị tôi nhận lệnh đặc biệt, chuyển gấp số thương binh nặng bị sọ não lên tuyến trên. Tôi là một trong số người được cử đi "hộ tống". Nhiệm vụ này rất vất vả vì xe phải đi qua mấy chục cây số đường rừng, thương binh có thể bị hy sinh dọc đường, dù tất cả thuốc men đã được chuẩn bị chu đáo. Hôm đó, anh Vinh tình nguyện đi cùng với chúng tôi. Lúc xe sắp qua khỏi đoạn đường rừng đầu tiên, trời đã quá trưa, mọi người đều thấm mệt nên ai cũng thiu thiu ngủ.

Bỗng phía trước có mấy tên tù hàng binh trốn trại cải tạo, mặt mũi hung hăng muốn ra tàu hỏa gấp cho kịp thời gian, nên đã chặn xe lại, đòi lên xe cùng với thương binh. Tất cả đều rất lo lắng. Anh Hùng, Đoàn trưởng bình tĩnh nói: "Không được, để các anh đi cùng rất nguy hiểm, xe chở thương binh nên không chạy nhanh được". Tất cả chúng tôi ùa ra chặn các cửa, kiên quyết bảo vệ thương binh. Nhìn bọn trốn trại đứa nào cũng lăm lăm con dao, lòng tôi sôi sục căm hận. Chế độ nhân đạo của Đảng ta, nhằm đưa đám hàng binh ra Bắc lao động cải tạo nhưng chúng lại bỏ trốn trại. Bỗng anh Vinh lên tiếng:

- Anh Hùng! Anh để anh em ở lại, tôi cùng đồng chí lái xe đưa họ ra ga, rồi sẽ quay lại đón các anh ngay.

Anh Hùng đắn đo, sợ chúng sẽ thủ tiêu hai anh nên anh Hùng không đồng ý. Lúc ấy, tôi thấy ánh mắt anh Vinh sáng rực quyết liệt: "Anh hãy để tôi đi, bây giờ chậm trễ sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng thương binh". Anh Hùng đành đồng ý. Xe đưa anh Vinh và đám hàng binh phóng đi như bay. Tất cả bồn chồn lo lắng, vừa lo cho hai anh, vừa nhìn anh em thương binh nằm la liệt giữa rừng, lòng tôi đau như dao cắt. Không đầy một giờ sau, có tiếng còi ô tô bóp inh ỏi, chúng tôi chạy nhao cả ra. Trời ơi! Nhìn kìa, trên xe hai anh đang cười rất tươi. Chúng tôi sung sướng quá, vừa chuyển thương binh lên xe, vừa hỏi làm anh Vinh thở không ra hơi.

- Tôi biết đám hàng binh này không có súng và mục đích của chúng không phải là giết người mà chỉ muốn ra tàu hỏa tẩu thoát cho nhanh. Chúng không biết ở cửa rừng có một trạm kiểm soát quân sự nên nói cười vui vẻ. Một tên trong bọn còn "lịch sự xin lỗi" vì đã làm các anh sợ. Tôi bực lắm, nhưng vẫn phải giả vờ cười. Gần đến trạm kiểm soát, tôi ra hiệu cho xe chạy chậm lại, rồi đạp cửa xe lao ra, hô to: Anh em ơi! Trên xe có đám hàng binh trốn trại. Thế là Tổ kiểm soát quân sự dùng súng bao vây bắt giữ cả bọn - Anh Vinh kể.

Chuyến đi ấy anh em thương binh về tới nơi an toàn, mọi người đều ca ngợi tinh thần dũng cảm, mưu trí của anh Vinh.

Rồi một ngày, ở bệnh xá tôi làm việc nhận một bệnh nhân quê ở xã Quyết Thắng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Kỷ niệm cũ về anh ào đến như một cơn gió, vì đó là nơi gia đình anh Vinh ở. Tôi hỏi thăm thì người ấy biết rất rõ, anh Vinh sau khi tốt nghiệp đại học đã chuyển ngành, về công tác ở Bệnh viện thành phố Thái Nguyên, anh xây dựng gia đình với một cô giáo cùng quê và đã có hai con. Sau này vì lý do sức khỏe, anh xin nghỉ hưu sớm, hiện anh đang là chủ một xưởng sản xuất chè Thái Nguyên. Đặc biệt, công nhân của anh toàn là người đang cai nghiện ma túy.

Tôi ngồi viết lại câu chuyện này trên sân thượng nhà tôi. Sau trận mưa tối qua, cây cối sáng nay xanh tươi hẳn lên, vài ba con bướm trắng bay dập dìu trông mới thư thái làm sao. Tôi bỗng thấy lòng mình ấm áp lạ khi nghĩ về những người thương binh ngày ấy. Trở về từ sau cuộc chiến tranh, họ đều không lành lặn, một phần xương thịt đã hòa vào với đất, nhưng nhiều người vẫn giữ được ý chí vươn lên mạnh mẽ, sống có ích cho đời.

Khánh Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-thuong-binh-ngay-ay/