Người tiên phong mang cà cuống về xứ Tuyên

Không chỉ là một người thầy tận tâm với nghề, hết lòng với sự nghiệp trồng người ở miền núi, thầy giáo Nguyễn Chí Thanh còn là một trong những tấm gương điển hình trong xây dựng mô hình kinh tế giỏi ở địa phương.

Đến Trường Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), chúng tôi được các thầy cô giáo nơi đây nhắc đến thầy Nguyễn Chí Thanh - một người khi đứng trên bục giảng là giáo viên tâm huyết với nghề, hết lòng chăm lo cho sự nghiệp trồng người ở miền núi; nhưng lúc trở về với cuộc sống thường ngày, thầy Thanh lại là một hội viên Hội Nông dân Thị trấn Sơn Dương tiêu biểu khi triển khai mô hình kinh tế nuôi cà cuống, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Vượt khó “mở đường” cho gây giống, nuôi cà cuống

Dẫn chúng tôi tham quan các bể nuôi cà cuống, thầy Thanh chia sẻ về hành trình khởi nghiệp từ mô hình nuôi cà cuống của mình. Thầy Thanh cho biết: “Tình cờ giảng dạy về cà cuống cho học sinh trong giờ học. Hiểu được giá trị chủ yếu của cà cuống là tinh dầu. Còn thành phẩm nước mắm cà cuống sẽ lưu giữ được tinh dầu, mùi vị thơm, được thị trường rất ưa chuộng nên tôi đã nung nấu ý tưởng nuôi và phát triển loài này tại Tuyên Quang”.

Mọi kiến thức về cà cuống của thầy Thanh ở thời điểm trước năm 2017 chỉ là tự mày mò, nghiên cứu qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nhưng khi dành dụm được một chút từ công việc dạy học của mình, thầy Thanh lại khăn gói về Tây Ninh - nơi nuôi cà cuống rất giỏi nuôi loại côn trùng “bơi như cá, bay như bướm, thơm như quế”, để học hỏi.

Thầy giáo Nguyễn Chí Thanh khiến nhiều bạn trẻ tò mò và ngưỡng mộ với mô hình phát triển kinh tế nuôi cà cuống và Nước mắm cà cuống xứ Tuyên.

Thời gian đầu, thầy Thanh đã thử nhập nuôi 20 cặp cà cuống giống với giá 300.000 - 400.000 đồng/cặp, các cặp đều được nuôi trong các thùng xốp, hộp nhựa nhằm tìm hiểu về tập tính của chúng và rút ra kỹ thuật nuôi phù hợp với địa hình, thời tiết vùng núi Tuyên Quang.

“Muốn nuôi được loại côn trùng quý này cũng phải đòi hỏi những kỹ thuật và kiến thức rất cao. Không thể học trong “ngày một ngày hai” là được, hơn nữa ở miền Bắc, nhất là các tỉnh miền núi có khí hậu rất lạnh”, kinh nghiệm được thầy Thanh đúc kết sau lần thất bại đầu tiên khi nuôi cà cuống.

Cà cuống là một trong những nhóm côn trùng có kích thước lớn nhất hiện nay, có cơ thể dẹt, hình lá, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình từ 7-8 cm, có con lên đến 10-12 cm.

Không từ bỏ quyết tâm, vẫn cố gắng hoàn thành tốt việc dạy học của mình, thầy Thanh đã nỗ lực mang cà cuống có giá trị kinh tế cao về vùng đất xứ Tuyên còn nhiều khó khăn này. Thầy Thanh bộc bạch: “Tôi quyết tâm đưa loại côn trùng này để mong có được cuộc sống khấm khá hơn, nhân rộng mô hình đến bà con hội viên Hội nông dân của huyện Sơn Dương. Là người đi tiên phong nên tôi chấp nhận thất bại để rút ra những kinh nghiệm cho mình và cho người dân nơi đây”.

Do không lường trước được những khó khăn nên lứa cà cuống đầu tiên phát triển không tốt, bị hụt mất 70% trên tổng số đàn đã nuôi nhưng thầy vẫn không nản lòng. Ngược lại, qua đó cho thầy Thanh có những kinh nghiệm bổ ích, tăng thêm động lực giúp thầy quyết tâm gây giống, mang cà cuống về vùng có khí hậu lạnh như Tuyên Quang.

Rút kinh nghiệm từ lứa đầu tiên, lứa cà cuống thứ hai của thầy Thanh phát triển rất tốt. Chẳng những vậy, thầy Thanh còn tự mày mò nghiên cứu ra những phương pháp nuôi thích hợp với đặc điểm của Tuyên Quang, rồi nhân rộng thêm mô hình của mình.

Chọn cà cuống có 6 chân dài, khỏe, bụng vàng nhạt có lông mịn, ở phía trên có một bộ cánh mỏng nửa mềm nửa cứng. Con cà cuống đực ở dưới ngực, ngay gần phía lưng, có hai ống nhỏ gọi là bọng cà cuống. Mỗi bọng dài khoảng 2-3cm, rộng 2-3cm, màu trắng, trong chứa một chất thơm, đó là tinh dầu cà cuống.

Ngoài bán cà cuống giống, thịt, thầy Thanh nhận thấy nước mắm cà cuống là một trong những sản phẩm giúp lưu giữ được tinh dầu của cà cuống, mùi vị thơm ngon, lạ, được thị trường đón nhận. Năm 2022, thầy Thanh đã cùng những người tâm huyết thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Ngân (thôn Quan Hạ, xã Trung Yên, Sơn Dương) để đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến cà cuống nhằm “đi tắt đón đầu”, đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống. Sau một thời gian dài thử nghiệm, hợp tác xã đã chế biến thành công Nước mắm cà cuống Xứ Tuyên.

Bật mí “bí quyết” làm giàu

Để có thể “thực mục sở thị” về mô hình nuôi cà cuống làm giàu, thầy Thanh dẫn chúng tôi tham quan các bể nuôi. Đôi tay nhanh thoăn thoắt, thầy Thanh bắt lên một con và giới thiệu cho chúng tôi về đặc điểm và công dụng của chúng: “Với cà cuống đực, nhìn vào phần lưng có 2 ống nhỏ gọi là bọng, màu trắng, bên trong chứa một chất thơm mùi quế, thường được dùng để chiết xuất tinh dầu. Đối với con cái thì không có tinh dầu thơm này nên để bán thịt và làm nước mắm. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng để chữa bệnh trong các bài thuốc cổ truyền”.

Cà cuống được nuôi trong các bể có kích thước 1m2, mỗi bể nuôi được tầm 100 con. Bên trên có nắp đậy bằng lưới để cà cuống không bay ra ngoài.

Bật mí về kỹ thuật nuôi cà cuống, thầy Thanh không ngần ngại chia sẻ: “Cà cuống được nuôi trong các bể có kích thước 1m2, mỗi bể nuôi được tầm 100 con. Bên trên có nắp đậy bằng lưới để cà cuống không bay ra ngoài. Các bể nuôi được đặt cây gỗ xung quanh để cho cà cuống có chỗ bám vào đẻ trứng. Thông thường, cà cuống nuôi khoảng 70 ngày tuổi là có thể sinh sản. Để tỷ lệ trứng nở cao, người nuôi cần lấy ổ trứng ra ngoài để vào thùng xốp chứa nước, đặt mặt trứng quay xuống và cách mặt nước khoảng 30cm. Chỉ cần xịt nước lên ổ trứng mỗi ngày 3 lần, khoảng 5-7 ngày sau nở ra ấu trùng. Ấu trùng sẽ trải qua 5 lần lột xác trong khoảng 27-35 ngày để trở thành con cà cuống trưởng thành”.

Khi gặp thời tiết lạnh, thầy Thanh lắp thêm bóng điện để tăng nhiệt độ, giúp cà cuống sinh sản tốt.

Thầy Thanh cho biết thêm, cà cuống là loài rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài. Do đó, trong quá trình nuôi, phải tạo môi trường gần giống với tự nhiên, nguồn nước không bị ô nhiễm. Thức ăn của cà cuống chủ yếu là cá nhỏ, phải cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ để tránh tình trạng cà cuống cắn nhau, dẫn đến hao hụt.

Thầy Thanh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cà cuống, nhượng con giống và mua lại tất cả thành phẩm để cùng nhau nhân rộng loại côn trùng quý hiếm này.

Hiện nay, tại cơ sở 2 của thầy Thanh có hơn 15 bể nuôi với khoảng 60 con giống và 2.000 con thương phẩm. Số cà cuống này được xuất ra theo phương thức cuốn chiếu - nghĩa là lứa này xuất đi, lứa khác lớn lên và lứa sau cùng sinh sản thế vào. Trung bình mỗi năm, anh xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Yên Bái, Vĩnh Phúc... hơn 5.000 cà cuống thương phẩm với giá 20.000 đồng/con. Ngoài ra, anh còn bán con giống trong thời gian đẻ trứng với giá 300.000 đồng/cặp cho người có nhu cầu nuôi, nghiên cứu...

Dù mới được thành lập, nhưng việc nghiên cứu nuôi và phát triển cà cuống của Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Ngân đã mang về hàng trăm triệu đồng; nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo cho các hội viên, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Sơn Dương nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung. Bên cạnh đó, việc làm của thầy Thanh còn góp phần lan tỏa đến cộng đồng trong tìm giải pháp phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng của không chỉ giáo viên mà cả người dân địa phương.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nguoi-tien-phong-mang-ca-cuong-ve-xu-tuyen-720506