Người Tiền Phong một thuở, một thời: Những thầm lặng

Một phóng viên bình thường thậm chí nhạt nhòa tật bệnh, vô danh trong mắt nhiều người cơ quan Tiền Phong thời ấy! Nhưng trong chúng tôi nếu chẳng may hoạn nạn nó ập đến vận vào mình thì bao nhiêu người có được tâm thế và cung cách xử sự như anh Tuấn trong tình huống như vậy không nhỉ?

Từ trái sang. Thanh Hữu, Chu Thúy Hoa, Nguyễn Ðình Thiềm, Xuân Ba, Xuân NamẢnh: Phạm Yên

Chuyện mãi về sau mới được nghe kể lại thế này.

Hồi ấy, Ban Biên tập Tiền Phong lấy thêm phóng viên. Ông Nguyễn Đình Thiềm Ủy viên Ban biên tập kiêm Chánh văn phòng nhận lệnh của ông TBT Đinh Văn Nam vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp để chọn người. Bộ phận tổ chức hỏi lấy ai? Ông Thiềm nghĩ một lúc cho tôi khóa vừa rồi đạt điểm luận văn cao nhất.

Khóa vừa rồi là khóa 17. Mà không biết là lâu hay mau, ông Thiềm ngồi nghiên cứu luận văn của chúng tôi ngay tại trận.

Hồ Thu Hiền với tôi về báo cùng đợt là vậy! Cái thời cũng lạ? Lấy người học văn về làm báo. Mà chả quen biết gì. May mà trụ được. Lại nữa, ông Thiềm đánh bức điện tín theo địa chỉ lưu ở khoa Văn. Ở quê anh bưu tá chuyển cho tôi bức điện in trên tờ giấy xám xịt Đến ngay Báo Tiền Phong 15 Hồ Xuân Hương Hà Nội nhận việc.

Cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong trong một buổi liên hoan (những năm 60, 70)Ảnh: Mai Nam, Phạm Yên

Cũng có việc sát hạch. Ông Thiềm vẻ mặt nghiêm lạnh. Chưa viết báo bao giờ thì bây giờ viết. Viết gì cũng được. Mai bằng giờ nộp cho tôi.

Hôm sau, ông Thiềm cười cậu viết văn chứ báo chí gì… Lương thực hộ khẩu cắt rồi. Giờ về cũng dở!

Ông Thiềm trước cũng là tay viết cứng của Ban Công nghiệp. Từ khi nhận chức Chánh văn phòng ông buông hẳn bút. Báo vắng cây bút Nguyễn Đình Thiềm nhưng bù lại, không thể thiếu vắng một tay chuyên lo nội chính nội trị và cả đời sống cho anh em trong những năm khốn khó ấy như chánh văn phòng Nguyễn Đình Thiềm.

Mỗi khi chiếc com măng ca ( sau này là Uoat) do anh Võ Trường Kế lái có anh Võ Trường/ Kế ta xe chạy trên đường băng băng ( thơ vui của anh Mai Cát tặng ) ngồi cạnh có ông Thiềm mà ra khỏi cổng cơ quan thì anh em lại nhìn theo ánh mắt chứa chan niềm tin và hy vọng.

Ấy là ông Thiềm đang đi bắt lợn. Ông quan hệ rộng. Các nông trường. Và nhiều HTX. Khi xin khi mua được lợn với giá rẻ hờ. Mà việc ấy phải rất kín đáo.

Thường tầm chặp tối hay khuya khuya, xe ông Thiềm mới về. Bộ phận đồ tể gồm những anh thạo khoản dao thớt nhoay nhoáy mổ lợn chia phần ở sâu tít sân 15 Hồ Xuân Hương. Mỗi phần thịt ấy vào dịp lễ Tết hay thi thoảng ngày thường trong năm giá rẻ như cho đã mang lại niềm vui vô bờ cho cánh cán bộ phóng viên quanh năm chòm chõm trông vào ô tem thịt ba lạng mỗi tháng!

Thuộc loại trẻ khỏe nên tôi thi thoảng được ông Thiềm bảo nhỏ việc đi bắt lợn.

Bao nhiêu là tất tả thương mến một thời!

Nhớ thêm một khuôn mặt âm thầm. Anh Đoàn Minh Tuấn.

Anh Tuấn trước làm ở Ban sinh hoạt Đoàn. Không rõ anh mắc bệnh gì hình như bệnh thấp kinh niên thì phải? Nhưng một dạo người ta ầm lên rằng anh bị bệnh phong. Thời ấy mà vẫn chưa dứt được những đồn thổi ác nghiệt về phong lao cổ lại tứ chứng nan y. Mà nghe nói bệnh phong lại rất dễ bị lây mới ngại?

Thì cứ đi khám khiếc đàng hoàng dứt điểm kết luận xem ra sao? Nhưng anh Tuấn cứ kệ, mặc cho những đồn thổi. Sống cứ khép kín. Vợ con dưới quê Kim Thành, Hải Hưng. Anh không hiểu sao cũng ít về.

Rồi cả ngại đi công tác nữa. Anh Tuấn được bố trí làm thường trực cơ quan. Việc này anh lại chăm chỉ và tận tâm nên cái khiếu giao du của anh Tuấn lại càng có cơ phát triển. Một cái tài nữa của anh là các rạp phim như Tháng Tám, Kim Đồng, Chợ Hôm cho đến Nhà Hát Lớn… anh Minh Tuấn đều có đệ tử hoặc người quen. Vé thời ấy cũng chả đến nỗi hiếm nhưng đi coi phim chùa xem cọp vẫn cứ khoái hơn ? Nên cánh trẻ chúng tôi chả cần thứ bảy hay chủ nhật mà tối nào muốn coi phim cứ ới anh Tuấn. Anh chả nề hà đưa đến tận nơi. Đến rạp anh Tuấn nhắn gọi đệ ra. Đưa thêm tờ báo biếu là có người khắc dẫn vào trong rạp. Mấy người cũng được.

Rồi anh Tuấn hưu như nhiều người khác đến kỳ đến hạn. Khỏe mạnh đỏ đắn chả thấy phong phiếc gì! Lại có thêm một thằng cu nữa thế mới tài?

Một dạo nghe chuyện anh Trần Quang cùng làng với anh Tuấn kể lại mà cứ bàng hoàng.

Đường làng quê anh Tuấn mùa thu hoạch lúa rơm phơi cứ ngồn ngộn. Đi lại hơi bị khó. Nhưng biết làm sao.

Một trưa nắng vắng. Cái xe bò bánh lốp thủng thẳng trên đường rơm trước nhà anh Tuấn. Tay điều khiến cái xe bò bánh lốp tựa vào thành xe chìm trong cơn ngủ mặc kệ cho bò vốn đã quen đường cứ đủng đỉnh dẫn đến nơi cần đến. Anh ta không hề biết một tại họa sắp xảy ra. Đám trẻ con chơi trốn tìm trong đường rơm trước nhà anh Tuấn đang vào giai đoạn ly kỳ bí hiểm nhất! Vậy nên không có đứa nào phát hiện ra cái xe bò bánh lốp cỗ xe chở thần chết đang lù lù.

Một chặp sau nghe tiếng hét thất thanh của người làng, gã xe bò mới giật mình choàng tỉnh. Gã đứng như trời trồng trước anh Tuấn đang lăn lộn khóc ngất trước hình hài nát bét của đứa con trai nhỏ. May mà 3 đứa khác đã kịp thoát được khỏi mớ rơm bùng nhùng.

… Có hẳn một phiên tòa xét xử. Anh Đoàn Minh Tuấn của chúng tôi, nguyên phóng viên Báo Tiền Phong nước mắt lưng tròng giọng ngắt quãng nhưng vẫn rành rẽ. Người dự phiên tòa đang đợi những thứ sấm sét căm hờn từ chất giọng nhỏ nhẹ kia.

Nhưng ngay sau những bộc bạch về nỗi đau mất đứa con nhỏ hiếm muộn, anh Tuấn đã rành rẽ rõ ràng xin xá tội cho gã xe bò xóm bên vốn không có thân thích họ hàng gì hay trước nay không hề có mối hiềm gì với gia đình nhà anh Tuấn. Mà tai nạn thương tâm xảy ra chỉ là do vô tình phạm phải!

Kết thúc phiên tòa gã xe bò được trắng án.

Anh Trần Quang thở dài là sau phiên tòa ấy người làng cứ râm ran nào là anh Tuấn dại phải bắt đền thằng xe bò ấy hoặc cho nó đi tù để trắng mắt ra!

Nhưng cũng không ít người chẹp miệng, anh Tuấn xử sự thế là phải. Các cụ mình chả bảo đấy thôi, nên lấy ân cởi oán!

Lại biết thêm gia đình gã xe bò ấy ngay trong tang thằng cháu đã đến nhà anh Tuấn hương khói cúng kiếng tử tế. Và xin gia đình được đi lại coi như chỗ người bà con.

… Anh Đoàn Minh Tuấn mất đã lâu. Mỗi khi nhớ lại những người cũ Tiền Phong cùng chuyện cũ cứ bâng khuâng. Một phóng viên bình thường thậm chí nhạt nhòa tật bệnh, vô danh trong mắt nhiều người cơ quan thời ấy! Nhưng trong chúng tôi nếu chẳng may hoạn nạn nó ập đến vận vào mình thì bao nhiêu người có được tâm thế và cung cách xử sự như anh Tuấn trong tình huống như vậy không nhỉ? Quả như một nhà thơ đã nói Chả có ai tẻ nhạt ở trên đời.

(Còn nữa)

X.B

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguoi-tien-phong-mot-thuo-mot-thoi-nhung-tham-lang-1344792.tpo