Người tiên phong trong xóa bỏ hủ tục tang ma của đồng bào Mông

Trong chuyến công tác tới vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi may mắn được gặp ông Lầu Minh Pó, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, được nghe ông kể về lịch sử truyền thống, nét văn hóa và cả những phong tục, tập quán của đồng bào Mông. Ông Pó cũng là người đảng viên đi tiên phong trong 'cuộc cách mạng' xóa bỏ hủ tục tang ma trong đồng bào Mông ở Mường Lát.

Ông Lầu Minh Pó, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát. Ảnh: Linh Nga

Hành trình xóa bỏ hủ tục tang ma

Đón tiếp chúng tôi trong phòng làm việc, Phó Bí thư Lầu Minh Pó mở đầu câu chuyện: “Do lịch sử hình thành và tập quán sinh hoạt mà đời sống người Mông ở Mường Lát vẫn tồn tại nhiều hủ tục, đặc biệt trong nghi thức tổ chức tang ma. Bao đời nay, trong tổ chức tang ma của đồng bào Mông thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Trong đám tang thường giết nhiều trâu bò, lợn gà, gây tốn kém. Người chết không được đưa vào quan tài mà được đặt trên một cái cáng (còn gọi là tua nenh) treo giữa gian nhà chính, người Mông xem đó là “con ngựa” để đưa người chết về với ông bà tổ tiên”.

Hủ tục trong tang ma đã đeo bám đồng bào Mông ở Mường Lát qua nhiều thế hệ, nhưng để thay đổi cách nghĩ cho đồng bào Mông, xóa bỏ hủ tục là điều không hề dễ dàng. Sau khi Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ của đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được triển khai, ông Lầu Minh Pó nhận thấy đây là “chìa khóa” giúp đồng bào Mông xóa bỏ hủ tục đã ăn sâu bám rễ trong nhận thức đồng bào. Ông cùng với những đảng viên người Mông khác không quản ngại khó khăn, đến vận động các già làng, trưởng các dòng họ và người dân thực hiện theo Đề án.

Ông Pó nhớ lại: “Ban đầu, khi người dân nghe chúng tôi tuyên truyền về việc đưa người chết vào quan tài đều phản đối quyết liệt, nhất là các già làng, trưởng các dòng họ. Họ cho rằng làm như vậy là trái với quy tắc bao đời nay của người Mông, sẽ bị tổ tiên trách phạt, con cháu làm ăn lụn bại; bản thân tôi sẽ bị ma nhà bắt đi. Không ít lần về bản làng mình, tôi bị các cụ già, trưởng các dòng họ chỉ trích”. Nhưng với quyết tâm giúp đồng bào Mông thoát khỏi hủ tục, ông Pó đã cùng với những người cán bộ dân tộc Mông khác kiên trì vận động từng dòng họ, từng gia đình. Đôi chân người Phó Bí thư Huyện ủy ấy đã đi hầu khắp 40 bản làng có đồng bào Mông sinh sống để tuyên truyền cho người dân hiểu cần phải xóa bỏ những hủ tục, để tiếp thu cái mới văn minh hơn. Ông quan niệm, “mình biết được điều hay, cái tiến bộ mà không tuyên truyền cho người dân làm theo là mình có lỗi với họ”.

Ông Pó luôn ghi nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Vì vậy, ông cho rằng: “Làm bằng cái tâm và lòng nhiệt huyết của mình thì người dân sẽ tin và làm theo. Trước tiên, người đảng viên phải gương mẫu để người dân thấy được việc mình làm là đúng, họ sẽ đồng thuận và ủng hộ mình”. Vì vậy, trong đám tang của ông Lầu Chứ Dơ tại bản Pha Đén, xã Pù Nhi (chú ruột ông Pó), ông và những cán bộ người Mông khác trong dòng họ đã quyết tâm vận động gia đình đưa thi thể ông Dơ vào quan tài, tổ chức tang ma theo nếp sống văn hóa mới.

Từ thành công bước đầu ấy, ông Pó và những người Mông khác ở Pù Nhi tiếp tục hành trình giúp người Mông xóa bỏ hủ tục trong tang ma. Đến nay, trên địa bàn huyện Mường Lát đã hoàn thành quy hoạch nghĩa địa tại các bản người Mông. 8 dòng họ người Mông ở Mường Lát đã nhất trí tổ chức tang ma theo nếp sống mới, đưa người chết vào quan tài. Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông đến năm 2020”, theo Quyết định số 2181/QĐ-UBND, ngày 25-6-2013 đã thổi một luồng sinh khí mới, giúp Mường Lát quyết tâm thực hiện thành công “cuộc cách mạng” xóa bỏ hủ tục. Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án, những hủ tục trong tang ma của đồng bào Mông đang dần được đẩy lùi, trong đó có những đóng góp không nhỏ của những người con của đồng bào Mông như Phó Bí thư Lầu Minh Pó.

“Viên ngọc sáng” của bản Mông

Ông Pó là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại bản Pha Đén, xã Pù Nhi nên ông hiểu rất rõ cuộc sống khổ cực, những hủ tục trong đời sống của đồng bào mình. Vì vậy, ngay từ khi còn là một thầy giáo tiểu học, ông Lầu Minh Pó luôn đau đáu nỗi niềm làm sao giúp đồng bào mình hết nghèo đói, xóa bỏ hủ tục đeo bám qua bao thế hệ. Ông Pó luôn gần gũi với người dân, tuyên truyền, vận động bà con dần xóa bỏ hủ tục, tiếp cận những nét văn hóa mới tiến bộ. Ông vận động các gia đình cho con cái đến trường học chữ vì “chỉ có đi học mới có điều kiện tiếp cận những điều tiến bộ để về xây dựng quê hương, có nhiều kiến thức để tuyên truyền vận động người Mông không đốt rừng làm nương rẫy, không di cư tự do trái phép, không tái trồng cây thuốc phiện” - Ông Pó chia sẻ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Pó say sưa nói về đời sống và những nét văn hóa của đồng bào Mông như cái cách người ta thuộc một bài hát mà mình yêu thích. Bởi theo ông, “khi mình hiểu người dân cần gì, muốn gì và họ nghĩ gì thì công tác vận động, tuyên truyền sẽ dễ dàng hơn”.

Không chỉ riêng trong công tác vận động, tuyên truyền đồng bào Mông xóa bỏ hủ tục, trong công tác, ông Lầu Minh Pó luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, gương mẫu học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về lối sống giản dị, khiêm tốn và luôn gần gũi với nhân dân. Vì vậy, mỗi người dân ở Mường Lát, họ luôn dành cho ông sự kính trọng, lòng tin yêu. Người Mông ở Mường Lát đều coi Phó Bí thư Lầu Minh Pó như người con ưu tú của bản làng mình, là “viên ngọc sáng” của núi rừng Mường Lát. Đi khắp các bản làng có đồng bào Mông ở Mường Lát, mỗi khi nhắc đến Lầu Minh Pó, ai cũng dành cho ông tình cảm yêu mến xen lẫn tự hào về người con của núi rừng Mường Lát.

Câu chuyện về Phó Bí thư Huyện ủy Lầu Minh Pó và hành trình xóa bỏ hủ tục tang ma trong tang lễ đồng bào Mông ở Mường Lát đã để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi chúng tôi. Vùng biên Mường Lát rồi sẽ “thay da đổi thịt” bằng những chính sách phù hợp, kịp thời của Nhà nước và những đóng góp không nhỏ của những con người ưu tú của núi rừng Mường Lát như Phó Bí thư Lầu Minh Pó.

Linh Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-tien-phong-trong-xoa-bo-hu-tuc-tang-ma-cua-dong-bao-mong/