Người tiêu dùng cần cảnh giác với 'ma trận' tem chống hàng giả

Thực tế hiện nay có nhiều đơn vị được cơ quan chức năng chấp thuận cho in tem chống hàng giả để bảo hộ hàng hóa, phân biệt với hàng nhái, hàng nhập lậu. Tuy nhiên, nhà nước lại không quy định mẫu tem cho các sản phẩm, doanh nghiệp tự lựa chọn mẫu tem cho sản phẩm của mình. Điều này vô tình trở thành kẽ hở cho việc in tem chống hàng giả trở nên phổ biến.

“Ma trận” tem chống hàng giả

Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “mua tem chống hàng giả” sẽ hiện ra hàng loạt các trang web hoặc page nhận làm “tem chống hàng giả” với lời quảng cáo đại loại như: “in nhanh, giá rẻ, thiết kế miễn phí”. Kèm với đó là những gạch đầu dòng giới thiệu về dịch vụ của công ty như: “Chất liệu in ấn đa dạng; Chất lượng tem chống giả bền đẹp, khó bị sao chép…”.

Mặc dù Bộ Công an đã dừng việc cấp tem chống hàng giả nhưng trên thị trường vẫn bán loại tem này.

Mặc dù Bộ Công an đã dừng việc cấp tem chống hàng giả nhưng trên thị trường vẫn bán loại tem này.

Các công ty này hoạt động hết sức công khai trên mạng, người mua chẳng khó khăn gì để có được một mẫu tem cho sản phẩm của mình. Lấy số điện thoại trên một trang web cung cấp “tem chống hàng giả” trên mạng, phóng viên gọi điện thì được người cầm máy tư vấn rất nhiệt tình.

Nghe chúng tôi nói muốn mua tem để dán vào sản phẩm mỹ phẩm từ Trung Quốc, người này không hỏi chất lượng cũng không kiểm tra bất cứ thông tin gì mà hỏi luôn muốn thiết kế mẫu nào, chất liệu gì, số lượng bao nhiêu, đồng thời không quên báo giá để phóng viên lựa chọn với cam kết: “Nếu lấy tem về dán lên sản phẩm bán lẻ ra thị trường trôi nổi thì quá đơn giản, chị thích tem kiểu gì cũng có. Bên em cũng có thể tư vấn cho chị, nhận thiết kế luôn mẫu tem nếu cần”.

Tem được các đơn vị in công khai, mẫu mã đa dạng, chỉ cần có nhu cầu là họ sẽ cung cấp đầy đủ.

Vẫn cách thức đó, chúng tôi liên hệ với một trang mạng xã hội, nhân viên ở đây tỏ ra chuyên nghiệp hơn khi họ yêu cầu chúng tôi phải gửi hồ sơ. Hồ sơ để được cấp tem khá đơn giản, bao gồm giấy đăng ký kinh doanh; giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (CO, CQ); danh mục sản phẩm dán tem. Giá tem được tính theo số lượng đặt hàng. Nếu mua 10.000 tem kích cỡ 12mm x 25mm thì có giá 525 đồng/chiếc; mua 30.000 tem thì giá còn 495 đồng/chiếc, chưa tính VAT. Chủ trang bán tem này cho hay, sau khi tiếp nhận hồ sơ, khoảng 10 ngày sẽ có hàng.

Có thể thấy thông tin quan trọng là số lượng tem không được nhắc đến trong hồ sơ xin cấp tem. Nói cách khác, khi khách hàng mua càng nhiều thì các đơn vị bán tem càng hưởng lợi. Như vậy khi nhà sản xuất không kiểm soát số lượng tem phát ra thì doanh nghiệp muốn sử dụng bao nhiêu cũng được. Chính vì thế sẽ có cả hàng ngàn, vạn tem trong tay doanh nghiệp, họ có thể dán lên bất cứ sản phẩm nào thì tùy thích.

Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thuận, một người chuyên sản xuất đồ handmade cho hay: “Thực ra bây giờ rất nhiều thứ làm được bằng tay, tự sản xuất ở nhà. Khi mà mình có số lượng lớn muốn đổ buôn có thể đi mua tem chống hàng giả trên mạng, nếu số lượng ít thì có thể mua lại của bạn hàng. Đơn giản ấy mà. Tôi làm mấy năm nay có sao đâu, mà mình đi mua hàng của người khác có thấy tem nhưng cũng chả biết nó là tem gì, ở đâu”.

Các chuyên gia cho rằng khách hàng cần hỏi tem sử dụng công nghệ gì, cách nào để kiểm tra tem khi mua hàng.

Có thể thấy việc mua bán tem dễ dàng như hiện nay không khác nào tiếp tay cho những người mua bán hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Anh Nguyễn Thành Phong Nhã - một người chuyên buôn mỹ phẩm cho hay: “Đợt này tôi có bán mỹ phẩm xách tay, nhập ở một số đầu nậu… Các sản phẩm này đều có tem chống hàng giả. Thực ra mình cũng chẳng biết tem này thế nào. Mình đi buôn về rồi bán lẻ, có tem chống hàng giả, khách hàng cũng yên tâm hơn. Việc xác định tem thật tem giả, hay hàng thật hàng giả thì chỉ có cơ quan chức năng mới thẩm định được. Bọn mình chỉ biết mua lại rồi bán lấy lãi thôi”. Anh Nhã còn tiết lộ, đợt giáp tết tới sẽ thử nhập hàng qua tiểu ngạch sau đó mua tem chống hàng giả về để dán. Mua tận gốc, bán tận ngọn lại được khách hàng tin tưởng.

Người tiêu dùng cần kiểm tra thế nào để biết hàng thật?

Tình trạng hàng hóa bị làm giả, làm nhái đang là vấn đề rất nhức nhối, mặc dù cơ quan quản lý vào cuộc rất quyết liệt. Việc sử dụng tem chống hàng giả là lựa chọn phổ biến của một số doanh nghiệp.

Theo thông báo của Bộ Công an, từ ngày 1/2/2017, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an chính thức dừng nghiên cứu và ký hợp đồng cung cấp tem chống hàng giả cho các doanh nghiệp. Việc in tem chống hàng giả lúc này chỉ được cung cấp bởi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp in tem chống hàng giả được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật. Như vậy, từ tháng 2/2017, trên thị trường hoàn toàn không tồn tại sản phẩm tem mang tên “tem chống hàng giả Bộ Công an” nữa.

Tuy nhiên, rất nhiều trang mạng hiện nay, vẫn có nhiều thông tin quảng cáo về các dịch vụ mua bán tem chống hàng giả do Bộ Công an cấp. Theo quy định của Bộ Công an, việc in tem chống hàng giả cần trải qua nhiều thủ tục xác minh về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh thì mới được ký hợp đồng in tem chống hàng giả. Song trên thị trường, việc này lại vô cùng dễ thực hiện.

Các mẫu tem quảng cáo trên thị trường hầu hết đều gắn mác “Bộ Công an”.

Có nhiều ý kiến cho rằng, có thể dùng đèn pin huỳnh quang (loại đèn để soi tiền giả, được bán khá phổ biến với giá vài chục nghìn đồng) để kiểm tra xem thật hay giả. Khi chiếu đèn lên số sê-ri trên tem, số sê-ri sẽ phát sáng nếu là tem thật. Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CHG, công ty được cấp phép in tem chống hàng giả - cho biết, đèn hồng ngoại chỉ có tác dụng với loại tem ứng dụng công nghệ phát sáng và không có tác dụng đối với các loại tem dùng công nghệ in khác.

Qua tìm hiểu, để được in tem chống hàng giả, đơn vị in tem phải được Sở Thông tin và Truyền thông địa phương cấp phép. Tem chống hàng giả phải đáp ứng được những yêu cầu: Do đơn vị được cơ quan quản lý cấp phép in ấn; trên tem có công nghệ chống giả tiên tiến; người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra.

Tuy nhiên ông Hồng cho rằng, trên thị trường có nhiều tình trạng, một số công ty in ấn các loại bao bì, nhãn mác thông thường cũng nhận in tem chống hàng giả. Thực tế, họ chỉ in tem thông thường như các loại tem phổ biến chứ không đầu tư công nghệ bài bản và chưa được cơ quan quản lý cấp phép. “Hiện chỉ có khoảng hơn 10 công ty được cấp phép in tem chống hàng giả và ứng dụng công nghệ nước, nhiệt, phát sáng, tem điện tử SMS, tem barcode 2D, tem hologram bảy màu… Mỗi công nghệ lại có cách nhận biết khác nhau nên người tiêu dùng cũng rất khó để nhận biết, phân biệt”, ông Hồng cho biết thêm.

Thực tế có nhiều doanh nghiệp, thậm chí cá nhân sử dụng nhãn mác có in dòng chữ “tem chống hàng giả” lên sản phẩm. Đây không phải là tem chống hàng giả và không có tính pháp lý vì tem không được bảo mật, có thể in ở bất cứ nhà in nào mà không được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Bảng báo giá được người bán đưa ra rất cụ thể.

Ông Nguyễn Viết Hồng cho rằng, những doanh nghiệp quan tâm đến tính pháp lý và công nghệ chống hàng giả sẽ đặt in tem ở những đơn vị được cấp phép, có sử dụng công nghệ hiện đại để phát huy đúng ý nghĩa, giá trị bảo vệ sản phẩm thật và quyền lợi người tiêu dùng. “Các công ty in ấn thông thường chỉ có thể bắt chước hình thức con tem chứ không đưa công nghệ vào được, như phải thấm nước, dùng nhiệt hay đèn chiếu, điện thoại thông minh để nhận diện hàng thật”, ông Hồng cho biết.

Luật không bắt buộc doanh nghiệp phải in tem ở đâu và việc in tem chống giả là do doanh nghiệp tự bảo vệ mình. Doanh nghiệp cần sử dụng con tem chống giả có tính pháp lý, có ứng dụng công nghệ chống giả để bảo vệ sản phẩm tốt hơn. Khi có tranh chấp xảy ra hay phát hiện hàng giả dán tem chống giả, cơ quan chức năng mới có cơ sở để giám định, dựa vào tem chống hàng giả để nhận diện hàng thật và xử lý đối tượng làm hàng giả, dán tem chống giả không có tính pháp lý. Về phía người tiêu dùng, khi mua sản phẩm có dán tem chống hàng giả, cần hỏi kỹ cách nào để kiểm tra tem.

“Hầu hết các doanh nghiệp dán tem có sử dụng công nghệ chống giả đều có thông tin hướng dẫn chi tiết để người tiêu dùng biết cách kiểm tra tem, sản phẩm”, ông Hồng nói.

Việc xử lý các sản phẩm dán tem chống hàng giả cũng là một thử thách không nhỏ đối với cơ quan chức năng. Theo quy định, các doanh nghiệp, đơn vị có quyền in tem chống hàng giả theo mẫu riêng, khi bị kiểm tra, các doanh nghiệp này cho rằng, việc dán tem này là để phân biệt với hàng hóa cùng loại trên thị trường. Loại tem chống hàng giả do doanh nghiệp tự đặt in không phải đăng ký kê khai, nên doanh nghiệp có thể dán hoặc không dán trên sản phẩm. Đây cũng là khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm.

Phong Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nguoi-tieu-dung-can-canh-giac-voi-ma-tran-tem-chong-hang-gia-i682133/