Người tiêu dùng Mỹ trải qua thời điểm khó khăn sau đại dịch

Những kỳ vọng mọi thứ trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19 đang trở nên khó khăn hơn với người dân Mỹ.

Theo hãng AP, trước đại dịch, Cheryl Woodard, một người dân Mỹ thường đưa con gái và bạn bè đi ăn tại một nhà hàng IHOP ở Laurel, Maryland. Tuy nhiên, giờ đây họ không đến đó nữa vì cửa hàng đóng cửa quá sớm.

"Tôi cảm thấy có chút bực bội vì dịch vụ không còn thuận tiện như trước đây", Woodard, 54 tuổi thường mua sắm trực tuyến thay vì trực tiếp ở các cửa hàng giới hạn thời gian mở cửa cho biết.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Trước đại dịch, người tiêu dùng Mỹ đã quen với sự hài lòng về dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu nhanh và tiện lợi: thường các gói hàng và đồ tạp hóa sẽ được giao đến tận nhà trong vòng chưa đầy một giờ; các cửa hàng mở cửa cả ngày đêm để phục vụ nhu cầu người mua.

Ở bối cảnh hiện tại, trong khi người dân Mỹ đang hy vọng mọi thứ có thể nhanh chóng trở lại bình thường giống với trước đại dịch Covid-19 thì lại bị thất vọng vì tình trạng nhân công thiếu hụt nghiêm trọng. Nhiều người lao động thậm chí không muốn trở lại công việc đã từng làm trước đây bởi sự chậm chạp và không chắc chắn ở công việc. Họ từng yêu cầu cung cấp lịch trình làm việc tốt hơn và đôi khi vì cảm thấy chán nản và bỏ việc.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thể nối lại lịch làm việc thông thường hoặc dịch vụ chậm chạp do thiếu lao động. Chẳng hạn như Walmart, nhà bán lẻ và nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất ở Mỹ đã nói rằng chưa có bất kỳ kế hoạch nào để các chi nhánh quay trở lại hoạt động đảm bảo 24/24 giờ giống như trước đại dịch. IHOP khẳng định nhiều địa điểm đã quay trở lại hoạt động giống với trước đại dịch, thậm chí cũng mở rộng dịch vụ nhưng, một số ngành khác lại không đủ nhân sự.

Những thay đổi này đang tạo ra sự mất kết nối giữa khách hàng và doanh nghiệp đối với nhu cầu mua sắm và ăn tối muộn giống như thời điểm trước Covid-19. Trong khi đó, một số nhân viên làm việc kiệt sức vì quá tải công việc vào mùa lễ.

"Không ai được lợi cả. Điều đó khiến tôi cảm thấy mất tinh thần khi vấn đề xuất phát từ cả hai phía", Sadie Cherney, Chủ sở hữu nhượng quyền ở 3 cửa hàng quần áo ở Nam Carolina nói.

Thiếu lao động nghiêm trọng

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, ở tất cả các ngành, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của mỗi công nhân là 34,4 giờ trong tháng 11, không thay đổi so với thời điểm tháng 2/2020. Tuy nhiên, ngành bán lẻ đã giảm 1,6%, xuống còn 30,2 giờ/tuần trong cùng kỳ. Dữ liệu gần đây cho biết số giờ làm việc tại các nhà hàng đã giảm tương tự trong tháng 10. Trong khi đó, cuộc khảo sát hàng tháng gần đây của Hiệp hội nhà hàng quốc gia đối với 4.200 nhà điều hành các nhà hàng vào đầu tháng 8 cho thấy 60% nhà hàng đã giảm số giờ mở cửa trong khi 38% nhà hàng thường đóng cửa vào những ngày mà trước đây họ vẫn mở. Một báo cáo do công ty nghiên cứu thực phẩm và đồ uống Dataessential khẳng định số giờ trung bình mở cửa đến tháng 10 ở các nhà hàng của Mỹ đã giảm ít hơn 6 giờ mỗi tuần so với năm 2019 (ước tính giảm 7,5%).

Bà Sadie Cherney cũng nhấn mạnh rằng mặc dù các cửa hàng của bà đã hoạt động trở lại vào khung giờ trước đại dịch từ năm ngoái nhưng tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng và chi phí lao động cao hơn đã khiến nhà hàng gặp nhiều khó khăn để duy trì khung giờ hoạt động như vậy trong cả năm.

Cửa hàng của bà Cherney ở Columbia mở cửa muộn hơn 1 tiếng và bà đã đề nghị tăng lương cho nhân viên. Đối với hai địa điểm khác ở Greenville và Spartanburg, số giờ mở cửa đã giảm trong suốt cả tuần. Theo bà Cherney, khách hàng thường phàn nàn vì chờ đợi lâu do thời gian mở cửa quá ít nhưng nhân viên ở cửa hàng đã làm việc quá sức, nhiều hơn 20% so với những gì họ muốn. Kết quả là dòng tiền và khả năng sinh lời đều bị ảnh hưởng. Còn Mani Bhushan, chủ sở hữu của Taco Ocho, một nhà hàng taco có bốn cơ sở ở khu vực Dallas nói rằng nhà hàng của ông rất vất vả để thuê đầu bếp ở cơ sở McKinney sau khi bắt đầu mở cửa từ tháng 7/2021. Nhiều nhân viên không có khả năng sống ở vùng ngoại ô cao cấp và phải di chuyển chỗ ở. Vài lần trong tuần, ông đóng cửa hàng sớm – điều mà chưa từng xảy ra trong 40 qua.

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu nhân lực có thể sẽ tiếp tục trầm trọng trong năm tới ngay cả khi một số công ty công nghệ lớn đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng băng việc tuyển dụng của công ty.Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã tạo thêm 263.000 việc làm nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,7% vào tháng 11, gần mức thấp nhất trong 53 năm. Ông Bill Taubman, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Taubman Centers nhấn mạnh động thái này đã gây thất vọng đối với khách hàng.

Ngay cả Vicky Thai (27 tuổi), một sinh viên học y ở West Hartford, Connecticut cũng nói rằng dịch vụ nhà hàng đang trở nên tồi tệ hơn khi cô thậm chí phải chờ rất lâu khi muốn lấy thêm một chút nước uống. Hay ở cửa hàng quần áo địa phương, Vicky Thai phải xếp hàng 30 phút để mua được một món đồ vì thiếu nhân viên.

"Mọi thứ đang thực sự quá tải", Vicky Thai nói thêm./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguoi-tieu-dung-my-trai-qua-thoi-diem-kho-khan-sau-dai-dich-20221212111010856.htm