Người tiêu dùng thế giới bị ảnh hưởng ra sao khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ?

Ngày 16/4, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ càng trở nên quyết liệt sau khi Bắc Kinh đáp trả các kế hoạch trừng phạt của Washington. Chính phủ Trung Quốc nói sẽ áp thuế quan 25% đối với 106 mặt hàng của Mỹ, trong đó có đậu tương, xe hơi và nước cam. Hoa Kỳ cũng đáp trả lại bằng cách đưa thêm vào danh sách tăng thuế nhập khẩu những mặt hàng xuất từ Trung Quốc...

Một cuộc chiến tranh thương mại đã bùng nổ. Khi điều này xảy ra, theo các phân tích gia, thiệt hại nặng nhất là người tiêu dùng cả thế giới vì lúc đó, hàng tỉ người trên hành tinh sẽ phải cắn răng mua hàng hóa với giá cao ngất ngưỡng.

Diễn biến

Đầu tháng 3/2018, Tổng thống Trump công bố kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm. Theo đó, nhập khẩu thép sẽ phải đối mặt với mức thuế 25%, và nhôm là 10%.

Ông Trump đăng trên Twitter rằng Hoa Kỳ đã bị "thiệt hại bởi các phi vụ thương mại không công bằng và các chính sách tồi tệ". Trung Quốc là nước sản xuất hơn một nửa lượng thép trên thế giới.

Xe máy sản xuất tại Trung Quốc thuộc những mặt hàng nhập khẩu có thể bị đánh thuế (Ảnh: Getty)

Canada, Liên minh châu Âu (EU), Mexico, Trung Quốc và Brazil đã cho biết sẽ có các "biện pháp đáp trả" với quyết định này của Mỹ. Ngày 22/3, Hoa Kỳ cho biết họ đang có kế hoạch áp mức thuế mới lên tới 60 tỉ USD đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và hạn chế đầu tư vào Mỹ, nhằm trả đũa những doanh nhân Trung Quốc đã nhiều năm ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ một số mặt hàng.

Hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc áp thuế mới, Nhà Trắng đã phản ứng giận dữ

Việc "ăn miếng trả miếng" này phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, nước bị Tổng thống Trump đã miêu tả là "kẻ thù kinh tế". Nhôm và thịt lợn đông lạnh sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 25% lên thêm mức thuế hiện hành.

Một số thực phẩm khác của Mỹ bao gồm ngũ cốc, trái cây tươi và khô, nhân sâm và rượu vang sẽ bị áp mức thuế mới tăng 15%. Thép cán có thể cũng bị đánh thuế tăng 15%.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay Walters nói rằng: "Thay vì nhắm vào hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vốn được giao dịch thương mại một cách công bằng, Trung Quốc cần phải ngừng các hoạt động kinh doanh bất bình đẳng vốn làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và bóp méo thị trường toàn cầu".

Các kinh tế gia đã từng cảnh báo là tấn công Trung Quốc với thuế nhập khẩu có thể khiến Bắc Kinh phải trả đũa; Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu thịt heo từ Mỹ (Ảnh: AFP/GETTY)

Bà nói thêm: "Việc trợ giá và tiếp tục sản xuất dư hàng của Trung Quốc là nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng thép".

Hành động ăn miếng trả miếng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Washington nêu chi tiết 1.300 sản phẩm Trung Quốc dự kiến sẽ bị áp mức thuế mới, cũng ở mức 25%. Ngày 9/4, Nhà Trắng nói việc áp thêm thuế nhập khẩu là nhằm đáp trả cách hành xử không công bằng của Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ.

Danh sách dài của những sản phẩm phải đóng thêm thuế gồm đủ loại mặt hàng trong đó sản phẩm y tế, ti vi và xe máy. Hôm 10/4, Bắc Kinh nói họ "mạnh mẽ lên án và kiên quyết chống lại" thuế nhập khẩu này.

"Hành động đơn phương và bảo hộ này vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc và giá trị cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hành động của Washington không vì lợi ích của hai nước và thậm chí còn phục vụ ít hơn nữa cho nền kinh tế toàn cầu " - Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington cho biết trong một tuyên bố lần thứ hai vào hôm 10/4 (giờ Bắc Kinh).

Ngày 7/4, Tổng thống Donald Trump vừa yêu cầu giới chức Mỹ xem xét thêm một khoản thuế trị giá 100 tỉ USD nữa đánh vào hàng hóa Trung Quốc.

Rượu vang là một trong những mặt hàng của Mỹ bị Trung Quốc áp mức thuế mới để trả đũa (Ảnh: Getty)

Lo sợ chiến tranh thương mại lan rộng

Giới phân tích kinh tế trước đây đã cảnh báo là hành động tấn công Trung Quốc của chính quyền Trump bằng thuế nhập cảng có thể khiến Bắc Kinh phải trả đũa, dẫn đến việc người tiêu dùng Mỹ phải chi trả cao hơn cho các mặt hàng từ Trung Quốc.

Việc công bố danh sách 1.300 sản phẩm này xuất hiện sau khi Trung Quốc áp thuế hàng Mỹ trị giá 3 tỉ USD để trả đũa với thuế thép và nhôm mà Mỹ đã áp đặt lên Trung Quốc. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nơi điều hành các cuộc đàm phán thương mại, cho biết số tiền này "phù hợp với ước tính độ tổn hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ, và mong xóa bỏ các hành động, chính sách và thông lệ có hại của Trung Quốc".

Một danh sách hàng hóa cuối cùng sẽ được xác định sau một thời gian nhận xét và đánh giá của công chúng, dự kiến kéo dài khoảng hai tháng.

Kế hoạch đánh thêm thuế nhập khẩu là kết quả của cuộc điều tra mà Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh xúc tiến năm 2017 về thói quen 'đánh cắp sở hữu trí tuệ' của doanh nhân Trung Quốc.

Tháng 2/2018, ông Trump cho biết cuộc điều tra cho thấy có bằng chứng về vấn đề này, chẳng hạn như các biện pháp gây áp lực để buộc các công ty Hoa Kỳ phải chia sẻ công nghệ với các công ty Trung Quốc… Dù lo sợ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang lan rộng.

Ngày 6/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Mỹ tăng mức áp thuế đối với mặt hàng thép nhập khẩu từ đầu tháng 3/2018.

Mối quan hệ thương mại rối rắm

Khi tuyên bố ý định trả đũa Hoa Kỳ, Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington cho biết họ hy vọng rằng Mỹ "với tầm nhìn dài hạn và ý thức, sẽ không đi theo con đường sai lầm".

Tổng thống Donald Trump thề sẽ cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc (Ảnh: EPA)

Các nhóm kinh doanh của Hoa Kỳ cũng kêu gọi hai bên cố gắng giải quyết vấn đề qua đàm phán, thể hiện mối quan tâm rằng đe dọa thuế quan có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ nói: "Chính quyền đang tập trung rất đúng vào việc khôi phục lại sự công bằng và hợp lý trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, áp thuế đối với các sản phẩm hàng ngày của người tiêu dùng Mỹ và người tạo ra công ăn việc làm không phải là cách để đạt những mục tiêu đó".

Theo các nhà phân tích của S&P Global Ratings, kinh tế Trung Quốc đã ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu trong những năm gần đây, điều này có thể làm giảm tác động của thuế quan. Họ nói Mỹ là điểm đến của chỉ khoảng 15% hàng xuất khẩu của Trung Quốc...

Cuộc chiến thương mại "bất khả chiến thắng"

Bắc Kinh áp thuế lên tới 25% đối với 106 mặt hàng nhập khẩu Mỹ sau việc Tổng thống Trump tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm hồi tháng 3/2018. Trung Quốc cho biết động thái này nhằm đảm bảo lợi ích của mình và cân bằng các tổn thất do mức thuế mới của Mỹ gây ra.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh và chứng khoán Châu Á giao dịch thấp hơn do lo ngại về chiến tranh thương mại sau lệnh áp thuế mới của Trung Quốc. Tại Phố Wall Street (New York), chỉ số Index S&P 500 giảm 2,2%, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 1,9%.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm khoảng 1,5% khi mở phiên giao dịch vào thứ Ba (03/04) nhưng phục hồi một chút, xuống dưới 0,45% vào lúc đóng cửa.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm còn mạnh hơn, xuống 0,84%, tuy nhiên chỉ số Hang Seng của Hongkong sau khi xuống giá buổi sáng đã tăng trở lại với mức 0,29% vào cuối phiên giao dịch.

Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên WTO về việc Mỹ tăng mức áp thuế hàng thép nhập khẩu (Ảnh: Reuters)

Thâm hụt còn gây hiểu lầm ở chỗ phớt lờ thương mại dịch vụ. Năm 2016, Mỹ thặng dư song phương với Trung Quốc về thương mại dịch vụ gần 40 tỉ USD. Các công ty Hoa Kỳ cũng bán dịch vụ và hàng hóa mang thương hiệu của họ ở Trung Quốc thông qua các công ty liên kết.

Theo số liệu gần đây nhất từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, năm 2015, các công ty liên kết do Hoa Kỳ sở hữu ở Trung Quốc bán 294 tỉ USD tiền hàng và 59 tỉ USD tiền dịch vụ. Theo MarketWatch, cách hợp lý để tiếp cận thương mại với Trung Quốc là không gây một cuộc chiến thương mại "bất khả chiến thắng". Mỹ cần tìm kiếm hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề thuộc lợi ích chung.

Trong hợp tác với các nền kinh tế phát triển khác, Hoa Kỳ cần tìm cách khuyến khích cải cách ở Trung Quốc để giải quyết vấn đề như tài sản trí tuệ hay sắt thép...

* *

Theo ông Daniel Griswold, thành viên nghiên cứu cấp cao của Chương trình Kinh tế Mỹ và Toàn cầu hóa thuộc Đại học George Mason, sự hợp tác này có thể mang lại kết quả có lợi mà không gây hậu quả cho cả hai bên trong một cuộc chiến thương mại.

Theo các phân tích gia, việc trả đũa qua lại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc về thuế nhập khẩu khi được đẩy lên đến đỉnh điểm, tất yếu đã bùng nổ cuộc chiến thương mại ở giai đoạn đầu, mà thiệt hại nghiêng về phía người tiêu dùng của cả hai nước và nhiều quốc gia trên thế giới.

Tường Quyên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nguoi-tieu-dung-the-gioi-bi-anh-huong-ra-sao-khi-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-bung-no-d66777.html