Người tiêu dùng toàn cầu tiết kiệm được 5,4 nghìn tỷ USD trong đại dịch

Người tiêu dùng trên toàn thế giới đã tích trữ thêm 5,4 nghìn tỷ USD từ đầu đại dịch đến hết tháng 3 năm 2021, tạo nền tảng cho sự bùng nổ tiêu dùng sau này.

5.400 tỷ USD là phần tăng thêm so với số tiền người dân tiết kiệm được nếu đại dịch không diễn ra và hành vi tiết kiệm vẫn như năm 2019, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics cho biết.

Theo Moody's Analytics, số tiền tiết kiệm bởi các hộ gia đình này tương đương 6% GDP toàn cầu. Mỹ đóng góp nhiều nhất, với 2.600 tỷ USD, tương đương 12% GDP nước này. Vương quốc Anh xếp sau với số tiền tương đương 10% GDP. Số tiền tiết kiệm thêm này chủ yếu nằm tại Bắc Mỹ và châu Âu – những nơi ban hành nhiều lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng hào phóng nhất.

Nhiều hộ gia đình giàu có, thu nhập không chịu ảnh hưởng từ đại dịch cũng tích lũy được số tiền tiết kiệm lẽ ra được chi cho du lịch, giải trí và ăn ngoài. Yếu tố thứ hai thúc đẩy tích lũy tiền tiết kiệm là các chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ của chính phủ cho người lao động và doanh nghiệp.

Hồi tháng 11/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu đã công bố bơm tổng cộng 19.500 tỷ USD để kéo kinh tế ra khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái. Các gói tài chính này nhằm để trả lương và cứu trợ doanh nghiệp, giúp nhiều người có tiền tiết kiệm bất chấp suy thoái.

Khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, người tiêu dùng được dự báo sẽ chi gần 2.000 tỷ USD trong số này, giúp kinh tế toàn cầu hồi phục lại đáng kể. Nhà kinh tế Zandi phân tích: "Sự kết hợp giữa nhu cầu được giải phóng và tiền tiết kiệm tăng đáng kể sẽ tạo ra làn sóng tiêu dùng toàn cầu, khi các nước đạt miễn dịch cộng đồng và mở cửa nền kinh tế. Chúng tôi dự báo một phần ba số tiền này được chi ra trong năm nay, bổ sung 2% vào tăng trưởng GDP toàn cầu".

Tuy nhiên, hành động này có thể châm ngòi lạm phát. Đây là mối lo ngại lớn của các nhà đầu tư và nhà kinh tế học, do nó sẽ khiến các ngân hàng trung ương nâng lãi suất và giảm kích thích sớm hơn dự kiến

Theo chỉ số Giá nhà sản xuất Hoa Kỳ - chỉ số đo lường giá bán hàng hóa và dịch vụ, chỉ số đã tăng 1% vào tháng 3 vừa qua. Đây là mức tăng lớn so với các tháng trước và lớn hơn dự kiến của các nhà kinh tế.

Dù vậy, ông Zandi cho rằng tùy tình hình dịch mà người tiêu dùng sẽ chi ít hoặc nhiều hơn con số dự kiến. Các khảo sát đầu tháng này của Fed New York cho thấy các hộ gia đình Mỹ có xu hướng dùng tiền hỗ trợ của chính phủ để tiết kiệm và trả nợ hơn là tiêu dùng.

Một trong những yếu tố khiến tiêu dùng bị kìm nén là các hộ gia đình có thu nhập cao đã tích lũy được một khoản lớn từ phần tiền tiết kiệm dư thừa. Nhiều khả năng họ sẽ “coi đó là của cải hơn là thu nhập, và do đó sẽ tiêu ít hơn, ít nhất là trong ngắn hạn” – ông Zandi.

Mặt khác, niềm tin của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến chi tiêu. Theo The Conference Board, trong ba tháng đầu năm, niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu đạt mức cao nhất kể từ năm 2005. Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế tiêu dùng.

Tại Mỹ, những người từ 55 tuổi trở lên có hơn 60% số tiền tiết kiệm dư thừa, trong đó, những người đã sở hữu nhà nắm 90% tiền tiết kiệm, và 75% các khoản tiết kiệm tập trung ở các hộ gia đình có ít nhất một bằng đại học.

“Đây là lời nhắc nhở cho thấy đại dịch đã khiến tài chính của những người trẻ đi thuê nhà, thu nhập thấp và ít học lâm vào tình trạng khó khăn như thế nào.” – Ông Zandi cho biết.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-tieu-dung-toan-cau-tiet-kiem-duoc-54-nghin-ty-usd-trong-dai-dich-155689.html