“Người tình” vào cuộc, giăng lưới bắt băng cướp cộm cán

Từ cuộc gặp gỡ định mệnh của Đại úy Hai Thành và “người tình” Trà My trong đêm đó, ít ai biết rằng cô gái này đã sát cánh cùng Hai Thành và đồng đội lập nên những chiến công.

Sự nghĩa hiệp của vị đội trưởng Đội SBC

Từ sau đêm gặp định mệnh đấy, vì quan tâm đến số phận của người phụ nữ tội nghiệp này, ngay sáng hôm sau, Hai Thành đã vào cuộc. Hai Thành cùng cảnh sát khu vực Mạnh Cường và bà tổ trưởng khu phố đến ngay túp lều của mẹ con Trà My, trên tay mỗi người 1 túi quà. Bất ngờ trước tình huống gặp lại người đạp xích lô hôm qua, Trà My sững người.

Tuy nhiên cảnh sát khu vực Mạnh Cường kịp trấn an cô gái khi giới thiệu, gã đạp xích lô chính là Đại úy Hai Thành, đội trưởng Đội SBC thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, công an TP.HCM. Trước mặt gia đình của Trà My và vị Đại úy, cảnh sát khu vực Mạnh Cường nhận thiếu sót khi chưa nắm rõ về hoàn cảnh của gia đình Trà My. Sau khi được Đại úy Hai Thành đến gặp và trao đổi nên anh Cường cùng anh Thành kịp thời có mặt để giúp đỡ gia đình cô.

Nhìn vị cảnh sát khu vực, Đại úy Hai Thành nói sẽ lo hộ khẩu cho cả gia đình Trà My; còn chuyện chống lại căn lều mục nát của gia đình Trà My thì Hai Thành nhờ cậy vào cảnh sát khu vực Mạnh Cường và đại diện khu phố đi cùng. Nghe các vị khách đặc biệt quan tâm đến gia đình mình, bà mẹ già của Trà My nằm trong manh chiếu rách nghẹn lời, sau vài tiếng ho khó nhọc, bà nói: “Ơn nghĩa này làm sao tôi quên được”.

Trà My không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt mình. Những giọt nước mắt hạnh phúc mừng vui lăn dài trên má. Cô gái đầy vẻ sương gió, ríu rít cảm ơn Mạnh Cường, bà tổ trưởng dân phố, và nhất là gã đạp xích lô Hai Thành. Sau đó Hai Thành trực tiếp xin lãnh đạo công an thành phố cho gia đình Trà My được nhập khẩu. Cảnh sát khu vực Mạnh Cường cũng chống được cái lều của Trà My cao ráo, sạch sẽ hơn.

Không bao lâu sau, nhờ mối quan hệ trong quá trình công tác, đại úy Hai Thành đã xin cho Trà My làm ở một tiệm uốn tóc gội đầu nổi tiếng ở quận 1. Mấy mẹ con, bà cháu Trà My rất quý mến Hai Thành và Mạnh Cường. Bốn tháng sau, mẹ Trà My qua đời. Đám tang của bà được Hai Thành cùng anh em công an phường và đoàn thể lo chu tất.

Bẵng đi một thời gian, một hôm Hai Thành đến tiệm gội đầu với vẻ sang trọng của một đại gia mà Trà My không nhận ra. Khi anh nằm vào ghế gội đầu, bỏ đầu tóc giả ra thì Trà My mới sững người. Tuy nhiên Hai Thành đưa ngón tay lên miệng, ra dấu im lặng rồi anh trình bày có việc muốn nhờ Trà My giúp. Ơn nghĩa của Hai Thành dành cho gia đình Trà My lớn lao, nên Trà My sẵn sàng giúp Hai Thành bất cứ việc gì.

Nghe Hai Thành nói chuyện bắt cướp, Trà My không ngần ngại tình nguyện giúp anh. Được Hai Thành bảo lãnh, Trà My trở lại phục vụ ở các quán bar, nơi mà bọn tội phạm, nhất là bọn cướp thường hay lui tới. Trà My cũng ngầm được Hai Thành và các trinh sát bảo vệ. Và chính môi trường này đã giúp Trà My phát hiện nhiều tên cướp khét tiếng: Sáu “cầu Bông”, Oanh “lade”, Hùng “sầu đời”, Ó “đen”… mà sau này cô đã cùng Hai Thành và các đồng đội SBC của anh lần lượt tóm gọn.

“Người tình” vào cuộc phá án

Chiến công đầu tiên của “người tình” Trà My là trận đánh ở cầu Văn Thánh, quận Bình Thạnh, bắt tên cướp Sáu “cầu Bông” – là một trong những tướng cướp có số má thời bấy giờ. Lúc ấy, khoảng gần 11 giờ trưa một ngày cuối tháng 9.1977, Hai Thành đạp xích lô chở Trà My đổ dốc cầu Sài Gòn. Đến gần cầu Văn Thánh, Trà My phát hiện Sáu “cầu Bông” đang chở một tên đồng bọn trên xe Honda 67 lên dốc cầu. Do được Hai Thành huấn luyện nghiệp vụ sơ qua, Trà My nhận diện ngay Sáu “cầu Bông” và ra ám hiệu chỉ cho Hai Thành.

Nói rồi Trà My chuẩn bị rút dùi cui mà Hai Thành thường để dưới ghế xích lô. Hai Thành liền vượt xích lô lên cúp đầu xe bọn chúng vào thành cầu. Biết gặp công an, Sáu “cầu Bông” liền thả xe, móc súng chĩa vào Hai Thành bóp liền 2 phát. Ngay lập tức, Trà My quất mạnh dùi cui vào tay tên cướp làm đạn chệch hướng, “né” Hai Thành. Hai Thành nổ súng chỉ thiên và lao vào vật Sáu “cầu Bông”.

Những tiếng súng của hai bên làm người đi đường hoảng hốt nép vào trong hồi hộp theo dõi cuộc đọ súng và đánh nhau quyết liệt. Bị Sáu “cầu Bông” đẩy ra mép thành cầu, Hai Thành vận hết công lực búng người lên trên vừa lúc Trà My nện liên tiếp dùi cui vào đầu Sáu “cầu Bông” làm hắn đuối sức giúp Hai Thành khóa tay, thu khẩu súng ru-lô có 4 viên đạn.

Tên đồng bọn của Sáu “cầu Bông” là Hoàng “búa” phóng xe 67 tẩu thoát, thế nhưng sau đó, hắn cũng sa lưới trong một vụ cướp khác vào cuối năm 77 cũng do Trà My phát hiện. Sáu “cầu Bông” khai chúng chuẩn bị cướp tại một quán ăn ở bến xe Miền Đông. Trước đó, hắn đã cùng Hoàng “búa” dùng súng chặn đường khống chế cướp chiếc xe Honda của một cô gái khi cô này vừa vào một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.

Sau trận lập công xuất sắc ấy, Trà My rất háo hức và mong muốn được cùng Hai Thành tiếp tục bắt cướp. Một tháng sau, lúc ấy khoảng 17 giờ, Hai Thành đạp xích lô chở Trà My đi đến “hộp thư chết” ở chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình để lấy tin tức từ giới anh chị. Gần đến cổng chợ, Trà My phát hiện Oanh “lade” chở Hùng “sầu đời” trên xe 67 liền quay người ra nói nhỏ với Hai Thành.

Nhận ra mục tiêu, Hai Thành liền vượt lên cúp đầu xe thì bọn cướp đã tấn công. Hai bên quần nhau khoảng 15 phút. Lúc này do Hai Thành cải trang thành ông già nên cuộc đấu tay đôi giữa những gã thanh niên hung tợn với ông già và cô gái diễn ra thu hút nhiều người dân hiếu kỳ. Bất ngờ Hai Thành vứt tóc giả truy hô lớn, “công an bắt cướp, bà con ơi giúp chúng tôi đi!”. Lúc này người dân mới hiểu ra cớ sự vội nhào đến “đánh hội đồng” bọn cướp.

Nhờ những thế võ do Hai Thành huấn luyện cấp tốc, Trà My nhanh chóng gạt chân Oanh “lade” khiến hắn mất đà ngã sấp xuống đường giúp Hai Thành khóa tay, trong khi bà con cũng kịp đo ván Hùng “sầu đời”. Cả hai tên cướp được đưa về Công an phường 5, quận Tân Bình thẩm vấn. Chúng khai nhận đã thực hiện hàng loạt vụ cướp, cướp giật tại địa bàn Tân Bình, Gò Vấp và một số quận nội thành. Sau khi Oanh “lade” và Hùng “sầu đời” sa lưới, tình hình cướp trên đường phố ở Tân Bình, Gò Vấp có phần lắng dịu. Nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra, trong quá trình lập hồ sơ, Công an phường 5 đã sơ hở để Oanh “lade” trốn thoát, báo hại Hai Thành và đồng đội phải vất vả truy bắt hắn thêm một lần nữa.

Sau mỗi trận đánh, Hai Thành và Trà My đều rút kinh nghiệm, bàn tính trận đánh tiếp theo. Theo yêu cầu của ngành và bảo vệ người cộng tác bí mật nên sau mỗi chiến công, Hai Thành là người gặp riêng Trà My để trao giấy khen và tiền thưởng của lực lượng công an ghi nhận thành tích. Trà My tự hứa với lòng sẽ giúp Hai Thành trong khả năng để đấu tranh đến cùng với những thứ rác rưởi của xã hội.

Về Đại úy Hai Thành, anh luôn thấu hiểu nỗi khó khăn của Trà My, anh không lạm dụng lòng tốt và tinh thần tích cực của cô, việc cần kíp lắm anh mới gọi Trà My tham gia mà lần bắt tên trùm băng cướp Ó đen ở công viên Tao Đàn lúc 19 giờ một ngày cuối năm 1980 mới thật sự gay cấn, ngoạn mục, mới thấy sự thông minh, xử lý tình huống khôn khéo của Trà My.

Tên trùm này có cái tên rất… kiếm hiệp là Mã Chước Đạo (26 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM), nhưng hắn bỏ dấu nặng thành Mã Chước Đao cho dễ gọi. Trên người hắn và đồng bọn đều xăm hình con ó đen. Đặc điểm băng này là ban ngày đi cướp, ban đêm đi chơi gái. Sau khi “bắn tỉa” hết bốn tên đàn em trong hai ngày, sang ngày thứ ba Hai Thành quyết định tóm luôn Mã Chước Đao.

Quy luật của hắn là cứ chiều chiều thì ăn diện thật bảnh rồi đi một mình vào quán bar bình dân. Nghía được em nào là đưa đi ghế đá công viên Tao Đàn “bụp” ngay. Trà My lọt vào mắt xanh của hắn. Nhưng Trà My rất khôn khéo, cô hẹn hắn tối mai vì “em còn… bị, sợ xui cho anh”.

Đón đọc kỳ 3: Chuyện giờ mới kể về tướng cướp khét tiếng Mã Chước Đao sa lưới vì “thấp mưu thua mẹo đàn bà”.

Ngọc Thanh (Dòng Đời)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/que-nha/nguoi-tinh-vao-cuocgiang-luoi-bat-bang-cuop-com-can/2013102505133165p1c29.htm