Người tố cáo vẫn đơn độc, lẻ loi trong cuộc đấu tranh với tham nhũng

Thực tế, phần lớn các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện qua thanh, kiểm tra, còn lại thông qua đơn từ tố cáo của cán bộ, nhân dân rất ít.

Một trong những nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới của ngành Kiểm tra Trung ương đó là sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng một loạt các quy định nhằm hoàn thiện thể chế về công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo khoa học, chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, trong đó có quy định về bảo vệ người tố cáo.

Chúng ta đã bàn nhiều đến câu chuyện bảo vệ người tố cáo nhưng vẫn còn khá nhiều bất cập khiến nhiều người có suy nghĩ “đấu tranh tránh đâu”, không dám lên tiếng.

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng Khoa Nghiệp vụ Phòng, chống tham nhũng, Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ, chỉ ra 7 lý do chính khiến người dân chưa mạnh dạn lên tiếng tố cáo tham nhũng, trong đó, có thể thấy, người tố cáo tham nhũng vẫn đơn độc, lẻ loi trong cuộc đấu tranh với tham nhũng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng Khoa Nghiệp vụ Phòng, chống tham nhũng, Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng Khoa Nghiệp vụ Phòng, chống tham nhũng, Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ

Nhiều cán bộ tham nhũng được luân chuyển để đối phó dư luận, đôi khi lên vị trí cao hơn

PV: Là người nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, theo bà, bao nhiêu phần trăm vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện xử lý thời gian qua là từ tố cáo tham nhũng?

TS Nguyễn Thị Hồng Thúy: Nhìn vào kết quả phòng chống tham nhũng trong những năm vừa qua, đặc biệt là qua kết quả được công bố tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 - 2022), cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can; trong đó tội phạm tham nhũng đã khởi tố, điều tra gần 2.700 vụ, hơn 5.800 bị can.

Trong các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng không công bố tỷ lệ các vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý từ tố cáo, phản ánh của người dân. Nhưng thực tế có thể thấy, phần lớn các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện là qua thanh, kiểm tra, còn lại những vụ việc, hành vi được xử lý thông qua đơn từ tố cáo của cán bộ, nhân dân rất ít.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiệu quả của công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian vừa qua thông qua các kênh thông tin khác nhau, bằng các hình thức, cách thức khác nhau.

PV: Vậy theo bà, đâu là trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn tố cáo tham nhũng?

TS Nguyễn Thị Hồng Thúy: Theo tôi, có 7 lý do người tố cáo chưa mạnh dạn tố cáo tham nhũng.

Thứ nhất, do họ chưa hiểu biết về các quy định của pháp luật trong bảo vệ người tố cáo tham nhũng;

Thứ hai, do chính một bộ phận người dân cố tình tiếp tay cho tham nhũng khi muốn được giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, giảm phiền hà nên đã bỏ tiền ra “bôi trơn” để được việc. Một khi đã tiếp tay cho hành vi tham nhũng thì không có chuyện lại đi tố cáo chính mình.

Thứ ba, khi người dân chủ động tố giác tham nhũng nhưng đa số đều thiếu các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền thường không thụ lý để giải quyết. Trường hợp người dân tố cáo tuy có chứng cứ nhưng lại không tiết lộ danh tính, tức là tố cáo nặc danh thì cũng thuộc trường hợp không thụ lý giải quyết, đây cũng chính là lý do người dân ngại tố cáo tham nhũng;

Thứ tư, rất nhiều trường hợp người tố cáo tham nhũng bị trù dập như chuyển công tác, bị nhắn tin đe dọa, gây thương tích hoặc khủng bố tinh thần người tố cáo và những người thân của người tố cáo… Người tố cáo tham nhũng ít khi được sự đồng thuận, động viên, chia sẻ của người thân trong gia đình và của cộng đồng xã hội nên họ thường đơn độc, lẻ loi trong cuộc đấu tranh với tham nhũng.

Thứ năm, khi người dân tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức nhưng hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có trách nhiệm xử lý cán bộ, công chức thường bao che, xử lý thiếu kiên quyết, triệt để. Nhiều trường hợp luân chuyển cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng sang vị trí khác để đối phó với dư luận, đôi khi được chuyển lên vị trí cao hơn làm cho người tố cáo tham nhũng giảm sút niềm tin vào công lý.

Thứ sáu, theo quy định hiện nay, có nhiều cơ quan có chức năng bảo vệ người tố cáo như Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan có trách nhiệm giải quyết tố cáo; cơ quan công an nơi người tố cáo, người thân thích của người tố cáo cư trú, làm việc, học tập; cơ quan công an nơi có tài sản của người tố cáo hoặc người thân thích của người tố cáo; tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động hoặc cơ quan có thẩm quyền khác ở địa phương.

Chị Hoàng Thị Nguyệt (phải) đã mất rất nhiều công sức và cả nước mắt để vạch trần sai phạm tại bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội trong việc in kết quả xét nghiệm khống để thanh toán tiền BHYT (Ảnh: Hồng Ngân).

Ngoài ra còn có các cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác… như cơ quan điều tra của Công an nhân dân và cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân có thể đề nghị cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ khi cần thiết.

Như vậy, theo các quy định của pháp luật hiện hành, đang có quá nhiều cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, trong khi thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế và chồng chéo, không có cơ quan chuyên biệt bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo tham nhũng nói riêng.

Thứ bảy, việc khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa được coi trọng đúng mức. Những vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý do người dân tố cáo nhưng ít khi người tố cáo được vinh danh xứng đáng, nhiều trường hợp người tố cáo bị phê bình do tích cực tố cáo tham nhũng... Hoặc đôi khi trước áp lực của dư luận đề nghị khen thưởng người tố cáo, thì cơ quan có thẩm quyền chỉ xét tặng bằng khen với một khoản tiền không đáng kể theo quy định, nên người tố cáo tham nhũng cảm thấy thiệt thòi.

Có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhưng khó áp dụng

PV: Như vậy là cơ chế pháp luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng chưa thực sự hiệu quả, phải không thưa bà?

TS Nguyễn Thị Hồng Thúy: Pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định bảo vệ người tố cáo tham nhũng như giữ bí mật thông tin của người tố cáo, đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của họ nhằm ngăn chặn các hành vi trả thù người tố cáo. Quy định của Luật Tố cáo, Luật phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25.2.2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân; Thông tư 145/2020/TT-BCA bảo vệ người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; Thông tư số 03/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức... đều đề cập trực tiếp đến nội dung này, thậm chí chúng ta còn có Thông tư 145/2020/TT-BCA bảo vệ người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên, các quy định trên vẫn còn chung chung, định tính, chưa mang tính định lượng, nên khó áp dụng.

Hiện nay, liên quan đến việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác của người tố cáo thì vấn đề nguồn kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất bảo vệ người tố cáo cũng không được quy định rõ ràng, ví như nguồn kinh phí bảo vệ người tố cáo và người thân thích của người tố cáo sẽ trích từ nguồn ngân sách nào, và cơ quan nào trực tiếp chi trả…, nên cũng gây khó khăn khi áp dụng.

Cần bảo vệ để người dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng tiêu cực hơn nữa. (Đồ họa: Đan)

PV: Trong bối cảnh Đảng thực hiện rất triệt để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc bảo vệ người tố cáo có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

TS Nguyễn Thị Hồng Thúy: Người chống tham nhũng nói chung và người tố cáo các hành vi tham nhũng nói riêng thường đứng trước nhiều mối đe dọa, chịu sức ép trả thù hay trù dập... Việc các đối tượng tham nhũng dùng mọi phương thức, thủ đoạn để đe dọa, trả thù người tố cáo tham nhũng khiến không ít người dân và cán bộ, đảng viên e ngại, né tránh, không dám tố cáo.

Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, nhằm huy động sự tham gia của người dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, việc bảo vệ an toàn cho người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng là yêu cầu bức thiết.

Hiện nay, chúng ta có Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10-01-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Các quy định của pháp luật về Tố cáo, Phòng chống tham nhũng; Luật, Nghị định, Thông tư... cũng có quy định trực tiếp về công tác bảo vệ người tố cáo nói chung và tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng.

Tuy vậy, chúng ta vẫn cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng; xác định rõ các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong bảo vệ người tố cáo tham nhũng và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện.

Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tố cáo nói chung và bảo vệ người tố cáo tham nhũng nói riêng để người dân hiểu rõ và yên tâm tham gia tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong các trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà./.

Thanh Hà/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/xay-dung-chinh-don-dang/nguoi-to-cao-van-don-doc-le-loi-trong-cuoc-dau-tranh-voi-tham-nhung-post958376.vov