Người Tràng An yêu nước từ sự hào hoa và duyên dáng

Trời thu như rực rỡ hơn, cờ hoa như thắm tươi hơn, ngày 10/10 đã trở thành một ngày lễ đặc biệt của Hà Nội. Bao nhiêu người con của Thủ đô đã ra đi để đến ngày này 64 năm về trước được trở về tiếp quản Thủ đô, xây dựng cuộc sống hòa bình ấm no của mình. Lòng yêu nước đã trở thành một phần trong văn hóa người Tràng An, đậm đà, sâu lắng và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Các thế hệ người Hà Nội, từ già đến trẻ, dù trải qua chiến tranh bom đạn hay sinh ra lớn lên trong hòa bình, khi xem lại những thước phim “Hà Nội ngày trở về” đều trào dâng xúc động. Hà Nội rợp trời cờ hoa. Người dân Thủ đô đổ ra đường đón đoàn quân tiến về từ các ngả đường. Những bó hoa thắm tươi trao tay, những nụ cười tươi, những cái vẫy tay hay những chiếc ôm thật chặt dù họ họ không quen nhau.

Trong niềm vui lớn lao ấy, tất cả người Hà Nội đã trở thành một nhà, cùng vỡ òa xúc động, cùng chan chứa hy vọng về tương lai đang mở ra phía trước. Đâu đó, trong những nụ cười là cả những giọt nước mắt của khóc người thân không trở về. Trong chín năm kháng chiến trường kì, không biết bao nhiêu người con ưu tú của Hà Nội đã ngã xuống. Vì thế, ai cũng hiểu, cái giá của hòa bình không phải là rẻ. Nó được vun đắp từ xương máu của nhân dân mình.

Đến thời chống Mỹ cũng lại “lớp cha trước, lớp con sau, thành tình đồng chí chung câu quân hành”, những người lính hào hoa của Hà Nội “xếp bút nghiên theo việc đao cung” khi Tổ quốc lên tiếng gọi. Biết bao câu chuyện về sinh viên Hà Nội viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ bằng chính dòng máu đỏ của mình, được kể lại qua sách báo, qua các tài liệu hay do nhân chứng kể lại khiến người đời sau vừa xúc động vừa tự hào.

Suốt từ những năm độc lập, thống nhất đất nước đến nay, hầu hết tại các đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc đều có sự góp mặt của người Hà Nội. Bằng sức trẻ, sự nhiệt huyết, tri thức và tình yêu chảy trong huyết quản, người Hà Nội vẫn đang thể hiện lòng yêu nước của mình qua từng việc cụ thể. Họ vẫn từng ngày đóng góp dựng xây Tổ quốc tươi đẹp.

Có được điều đó là bởi truyền thống yêu nước đã lưu dấu, in hằn và trở thành một thuộc tính của người Hà Nội. Ngàn năm văn hiến, ngàn năm là kinh đô của đất nước, Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến.

Vào thời Trần, những lúc thực hiện chiến thuật “vườn không nhà trống” của Trần Hưng Đạo, cả kinh thành Thăng Long phải di tản tránh vó ngựa dày xéo của quân Nguyên Mông. Kháng chiến chống Pháp, “người ra đi đầu không ngoảnh lại”, gạt nước mắt bởi “cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng”. Để rồi “khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần. Như mùa xuân xuống cạnh đường nghe gió về. Hà Nội vang Tiến quân ca”, nhạc sĩ Văn Cao viết.

Yêu Hà Nội, tin tưởng mãnh liệt vào chiến thắng, dự cảm ngày về chắc chắn sẽ đến, Văn Cao đã viết ngày hôm ấy bằng giai điệu hùng tráng, tươi vui từ năm 1949. Đó là thời điểm 5 năm trước khi chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ, làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Để từ đó ngày 10/10/1954, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào từ các cửa ô, tiếp quản Thủ đô Hà Nội sau chín năm gian khổ.

“Trùng trùng quân đi như sóng / Lớp lớp đoàn quân tiến về… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về / Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào / Chảy dòng sương sớm long lanh”… Từng lời, từng câu của bài hát đã trở thành sự thật. Mỗi từ ngữ, giai điệu đều như tiếng lòng của người dân Hà Nội reo vui khiến ai nấy đều thán phục tài dự cảm của người nhạc sĩ tài hoa.

Thanh niên tình nguyện làm đẹp Thủ đô. Ảnh: Thái Nguyên

Xem lại những thước phim, nghe lại những câu hát, chúng ta cảm nhận rõ Hà Nội không chỉ có sức mạnh của cá nhân, của tình đoàn kết mà còn có sức mạnh bởi chính sự hào hoa, duyên dáng của mình. Điều đó làm nên “chất” riêng của Thủ đô, cũng là một dòng chảy xuyên suốt và cũng là lý do tại sao Hà Nội được chọn làm kinh đô nhiều đời.

Với vị trí “rồng cuộn hổ ngồi”, là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, dù trải qua nhiều cuộc chiến tàn phá, những dấu tích vật thể hầu như không còn nhiều nhưng điều khiến người Hà Nội tự hào nhất đó là dấu tích văn hóa. Di sản phi vật thể ấy không tồn tại trên một công trình cụ thể nào mà được trao truyền, nối tiếp qua lớp lớp thế hệ người Hà Nội.

Nhìn lại những bức ảnh, thước phim về Hà Nội trong sự kiện trọng đại Giải phóng Thủ đô ta sẽ thấy nét thanh lịch, hào hoa thể hiện từ trang phục, cử chỉ, nét mặt đến cách đối nhân xử thế. Người Hà Nội cầu kì chuyện ăn mặc thật đấy, đón đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô là phụ nữ phải áo dài tóc vấn, mặc áo tứ thân, nam giới áo sơ mi quần âu, trẻ con cũng được ăn mặc chỉnh tề nhưng không quá sang chảnh điệu đà. Vui thật đấy, xúc động thật đấy nhưng cái bắt tay, nụ cười, tiếng reo hò, cử chỉ cũng không quá suồng sã. Cảm xúc của người Hà Nội được thể hiện ra nồng ấm, chân thật chứ không hề kiểu cách hay cuồng nhiệt đến mức thiếu kiểm soát.

Sự thuần hậu, trang nhã, sang trọng và chừng mực đó là cốt cách, là tâm hồn của người Hà Nội. Trải qua 64 năm, trước cơn lốc của hội nhập, một vài điều mai một, một vài thứ thay đổi để thích ứng với thời đại mới nhưng về căn bản, cái gốc rễ đó vẫn là điều chủ đạo làm nên tính cách người Hà Nội.

Nhiều năm trở lại đây các cô gái Hà thành có xu hướng quay về tìm lại giá trị của thời trang Hà Nội xưa khi làm đẹp cho mình bằng cách búi xõa tóc truyền thống, mặc áo dài theo kiểu truyền thống, đeo kiềng, tay xách giỏ. Các chàng trai thì đi xe cổ, đội mũ bê rê, mặc quần âu treo dải và áo sơ mi trắng. Áo dài may theo kiểu tứ thân, áo the khăn xếp truyền thống cũng xuất hiện trở lại càng nhiều, không chỉ trong lễ lạt cưới hỏi mà còn trong cuộc sống thường ngày. Khoác lên người những trang phục ấy, bản thân mỗi bạn trẻ như cảm nhận được dòng chảy văn hóa truyền thống đang căng tràn. Họ có thêm tình yêu với giá trị tinh thần mà cha ông để lại. Họ cũng thấy mình có trách nhiệm phải lan tỏa, phát triển điều đó đến thế hệ mai sau.

Trước những nguy cơ có thể ảnh hưởng, làm phai nhạt bớt nét văn hóa bản sắc của người Tràng An, thành phố Hà Nội đã kịp thời đưa ra các biện pháp chấn chỉnh, phát huy. Bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là với việc ban hành hai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử cho viên chức, công chức nhà nước, việc “nắn chỉnh” dòng chảy văn hóa đi đúng đường đã có nhiều hiệu quả rõ nét.

Cùng với việc điều chỉnh tác phong, lời ăn tiếng nói, hành xử, mỗi người dân Thủ đô đang phát huy tích cực lòng yêu nước, tự hào dân tộc bằng những việc làm cụ thể. Học tập, lao động, cống hiến hết mình cho mảnh đất họ sinh ra, lớn lên hay chọn làm quê hương thứ hai, đó là cách họ thể hiện tình yêu Hà Nội của mình. Chính bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, văn hóa Hà Nội vẫn sẽ chảy mãi theo dòng chảy ngàn năm mà cha ông ta đã vạch đường, mở lối.

Ngọc Hân

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-trang-an-yeu-nuoc-tu-su-hao-hoa-va-duyen-dang-d2056464.html