Người trẻ cô đơn

Mười tám, đôi mươi thường được xem là độ tuổi khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái chênh vênh, buồn phiền nhiều nhất. Đó là khoảng thời gian mà những dòng trạng thái đầy tâm trạng được đăng lên facebook, là thời điểm mà nhiều bạn tự thu mình vào vỏ bọc an toàn của bản thân, thậm chí là có những bạn muốn 'bỏ trốn cuộc sống' một vài ngày để được nghỉ ngơi.

“Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”

Ở cái tuổi mới lớn, nhiều teen không thể “thoát” khỏi tình trạng sáng thức dậy thấy lòng trống rỗng, nhìn trời, nhìn mây hay chỉ cần nghe một bài hát vô tình nào đó cũng khiến lòng buồn miên man. Bạn Đỗ Thiên (18 tuổi, ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: “Mình rất dễ cảm thấy cô đơn. Ngồi trên xe buýt, nghe vài bản nhạc buồn hay những lúc đi bộ cũng khiến mình suy nghĩ vu vơ rồi thấy buồn”.

Còn Thảo Thuận (20 tuổi, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) thì tâm sự rằng có những ngày bạn cảm thấy như bản thân đang tồn tại một mình trên trái đất này vậy. “Dù cuộc sống vẫn diễn ra nhưng mình thấy bản thân cô đơn lạ thường”.

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

Khoảng giao giữa “trẻ con và người lớn”

Mười tám là lúc con người ta bước vào đời, bay vào thế giới rộng lớn không có vòng tay bao bọc của gia đình. Mọi thứ đều xa lạ, cuộc sống mới, con người mới và đôi khi, bản thân của mỗi người cũng phải mới để có thể hòa nhập và thích nghi. Hoài Sương (20 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Người trẻ cô đơn cũng một phần là do chúng ta đang ở độ tuổi mà mọi người thường hay gọi là chưa hẳn trưởng thành nhưng cũng không còn là trẻ nhỏ. Ở độ tuổi này, chúng ta thường phải quyết định nhiều thứ quan trọng cho bản thân trước mọi vấn đề: chọn ngành nghề, vượt qua nỗi nhớ quê thậm chí là cả những tình cảm ở tuổi mới lớn. Tất nhiên mình cũng không ngoại lệ. Những khoảng lưng chừng, những ngày chênh vênh tựa nỗi buồn thật đẹp cho tuổi trẻ của mình”.

Lê Minh Trí (CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ: “Đã có những ngày mình cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng vì không một ai bên cạnh, không có người thân kề bên. Lúc đó mình bị áp lực từ cuộc sống và học tập khi mới lên Sài Gòn”.

Cô đơn, buồn vu vơ là những cảm giác dường như ai cũng phải trải qua ở một độ tuổi nào đó trong đời.

Vượt qua cô đơn

Cô đơn không đáng sợ, đáng sợ là không biết phải làm thế nào để vượt qua những ngày “bão lòng” ấy. Bạn Đỗ Thiên chọn cách “đi ngủ một tí để những cảm xúc kia được lắng lại. Ngoài ra, mình sẽ tâm sự với đứa bạn thân nhất của mình. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tự mình vực mình dậy, làm vài điều mình thích để những cảm giác buồn không còn nữa”.

Còn với Hoài Sương những lúc mệt mỏi, cô đơn bạn chọn cách gọi điện về cho gia đình vì với bạn “gia đình chính là nơi giải tỏa mọi phiền muộn và giúp mình cảm thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều. Nghe một bản nhạc mình thích, chơi thể thao cũng là một cách hay để mình vượt qua những ngày buồn”.

Biết vượt qua cô đơn một cách tích cực sẽ giúp người trẻ trưởng thành hơn

Cô đơn, buồn vu vơ là những cảm giác dường như ai cũng phải trải qua ở một độ tuổi nào đó trong đời. Vào những “ngày ẩm ương không nắng” ấy hãy cho phép bản thân mình ngơi nghỉ một chút, suy nghĩ tích cực hơn để “những ngày mưa” đi ngang tuổi trẻ không còn đáng sợ mà chỉ là, mưa qua sẽ nhường chỗ cho những ngày nắng đẹp. Sau những cô đơn, chênh vênh cũng là lúc chúng ta trưởng thành hơn.

HUỲNH THẢO – HUỆ MẪN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nguoi-tre-co-don-12660.html