Người trẻ có quay lưng với âm nhạc dân tộc?

Đó là chủ đề được đặt ra tại tọa đàm 'Nghệ thuật âm nhạc dân tộc với giới trẻ' do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, và Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức. Để âm nhạc dân tộc gần gũi và có sức lan tỏa mạnh mẽ, cần có nhiều hơn các hoạt động và giải pháp mang tính đồng bộ, nhạy bén và thức thời.

Cần giải pháp mang tính hệ thống và đồng bộ để ANDT thấm nhuần trong giới trẻ

Chưa yêu vì chưa cảm

Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu - TS Mai Mỹ Duyên khẳng định: “Người trẻ không quay lưng với âm nhạc dân tộc (ANDT) nhưng họ chưa thích vì chưa có hiểu biết và nghe được nó”.

Bên cạnh số ít người trẻ được sinh ra trong các gia đình có truyền thống nghệ thuật nên có môi trường thẩm thấu, còn lại đa số chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc. “Muốn bảo tồn và phát huy ANDT phải có tri thức, hiểu biết để từ đó kích thích sự tìm hiểu, yêu thích và cuối cùng là đam mê”, TS Duyên khẳng định.

Dẫn chứng cho việc người trẻ không quay lưng với ANDT, tại buổi tọa đàm đã có hàng trăm bạn trẻ từ các trường đại học trên địa bàn TPHCM đến tham dự và đưa ra nhiều ý kiến trao đổi thiết thực. Trước đó, tại một số sự kiện lớn như: Festival Nghệ thuật dân gian 2019, loạt chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương… đều thu hút khá đông bạn trẻ tham gia.

Dù không quay lưng, nhưng không thể phủ nhận thực tế, số người trẻ thực sự yêu thích, đam mê với ANDT còn ít. Trước đó, đạo diễn Quang Thảo, người thực hiện chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội, nhìn nhận thẳng thắn, khán giả trẻ hiện nay khá thờ ơ với cải lương. Anh cho rằng, đó là quy luật tự nhiên, bởi thời đại công nghệ cho phép các bạn có nhiều cơ hội tiếp cận các nền văn hóa khác nhau. Thậm chí, có những bạn trẻ yêu cải lương nhưng không tự tin nói ra, vì sợ bạn bè chê cười.

Việc ANDT không thu hút khán giả trẻ, theo ThS-NSƯT Huỳnh Khải, có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nhưng một phần trách nhiệm thuộc về những người nghệ sĩ chưa đàn giỏi, ca hay như các bậc tiền bối để thuyết phục khán giả.

Theo anh Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, hiện nay ANDT trong học đường đã được quan tâm, các chương trình được tổ chức nhưng chưa thành hệ thống và hoạt động thường xuyên. “Cần nhiều hoạt động hơn nữa để tạo sự quan tâm, tìm hiểu, khán giả trẻ rõ ràng không quay lưng, nhưng chưa có cộng đồng đủ mạnh để tạo sự cộng hưởng”.

Làm văn hóa thời 4.0

Một bạn sinh viên nêu ý kiến, nên chăng các loại hình ANDT, đặc biệt như cải lương, cần làm mới cách tiếp cận khán giả trẻ. Cách làm có thể là xây dựng trang web chính thống đăng tải thông tin, trích đoạn ngắn đặc sắc… Một số ý kiến khác mong muốn tạo môi trường để người trẻ có những hiểu biết nhiều về ANDT, mở các lớp chia sẻ, tạo các hoạt động sâu và rộng hơn.

Theo NSƯT Huỳnh Khải, cần giải pháp mang tính hệ thống và đồng bộ từ các cấp quản lý, các nghệ sĩ, đơn vị kinh doanh và biểu diễn để có những thay đổi về nội dung, hình thức biểu diễn ngày càng gần gũi, hấp dẫn. TS Mai Mỹ Duyên khẳng định, vì bản chất của cải lương là cải cách nên luôn cần thay đổi để phù hợp với cuộc sống.

Thực tế, muốn ANDT lan tỏa, các hoạt động cần tiếp cận khán giả theo cả diện rộng và chiều sâu. Đại diện Quận đoàn 11 đặt ra so sánh, nếu khán giả muốn mua vé xem phim, ca nhạc, có thể dễ dàng tìm và đặt trên mạng; còn với các chương trình ANDT hiện nay, có quá ít lựa chọn, ngay cả trên truyền hình. Với các đơn vị ở cấp cơ sở, muốn tổ chức các hoạt động liên quan đến ANDT, việc mời các nhóm nghệ sĩ, các câu lạc bộ, chuyên gia về biểu diễn, giao lưu không phải lúc nào cũng thực hiện được.

Câu chuyện làm văn hóa thời 4.0 có lẽ không còn xa lạ. Với những nền tảng mở, có số lượng người dùng lớn như YouTube, Facebook…, nếu biết tận dụng sẽ là công cụ quảng bá, tiếp cận để đưa các tác phẩm, chương trình đến gần hơn với khán giả trẻ. Nhạc trẻ hay trữ tình, bolero, sở dĩ thu hút đông đảo khán giả là do được cập nhật, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các điểm vui chơi công cộng; hình thức thể hiện bắt mắt và thu hút…

Bà Nguyễn Vũ Đan Vi, Phó Tổng Giám đốc Green Horizon, đơn vị sản xuất Cải lương - Trăm năm nguồn cội, từng chia sẻ, khi thực hiện chương trình, ê kíp đã lập fanpage riêng, thu hút khá đông các bạn trẻ. Trang không chỉ là nơi cung cấp các thông tin, mà còn là kênh giao lưu, trao đổi nhằm mục đích lắng nghe ý kiến của khán giả trẻ, từ đó có những điều chỉnh phù hợp về cả nội dung và cách thức thể hiện.

Con đường đưa ANDT thâm nhập vào đời sống của giới trẻ chắc chắn nhiều chông gai, nhưng khi đã xác định được chìa khóa của vấn đề, nếu không vào cuộc quyết liệt, mọi thứ sẽ giậm chân tại chỗ.

Trong báo cáo mang tên “Nghệ thuật cải lương tại TPHCM trong bối cảnh hội nhập”, được trình bày tại tọa đàm, học viên cao học Hoàng Sơn Giang, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, cho biết về cuộc khảo sát đối với 1.000 sinh viên về sở thích âm nhạc. Kết quả, nhạc trẻ hiện vẫn chiếm ưu thế, sau đó là trữ tình, dân ca, bolero, nhạc nước ngoài, nhạc tiền chiến và cuối cùng mới là âm nhạc dân tộc.

Riêng với cải lương, chỉ có 12,5% khán giả trẻ thực sự thích, so với không thích là 17,4% và không thích lắm là 51,2%. Các lý do của việc không yêu thích được nêu ra, như: dài dòng, nhàm chán và lỗi thời, nghệ sĩ không thu hút, kịch bản cũ…

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nguoi-tre-co-quay-lung-voi-am-nhac-dan-toc-613354.html