Người trẻ làm phim: 'Đu dây' trên con đường nghệ thuật

Thực hiện chuyến công diễn cinetour khắp các tỉnh, thành lớn trên cả nước để quảng bá cho bộ phim mới 'Tháng 5 để dành', những người trẻ làm phim không thể ngờ rằng, sau hành trình 3 năm thực hiện bộ phim thì con đường chạm đến trái tim khán giả lại gian nan như thế…

Nhà sản xuất phim Đức Ngụy (vai Sơn) của “Tháng 5 để dành” đã chia sẻ với tôi như vậy. Khi những xuất “chiếu xấu- (chiếu vào những khung giờ ít người đến xem) tại các rạp là lý do khiến cho khán giả đến xem phim không nhiều như kỳ vọng. Mặc dù, lợi thế từ hàng nghìn người hâm mộ tiểu thuyết “Ranh giới” (tác giả Hoàng Trung Hiếu – Rain8x), nhưng để họ mua vé đi xem bộ phim chuyển thể thì đó không phải là câu chuyện dễ dàng. Bên cạnh những tiếng vỗ tay, giọt nước mắt tuôn rơi thì vẫn còn những hoài nghi, chưa thỏa mãn. Bởi với những người yêu mến câu chuyện thanh xuân được chính tác giả Hoàng Trung Hiếu kể với câu chuyện thật, đã để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc thì những hình mẫu đó bước ra ngoài đời thực, dù ít nhiều khó tránh khỏi sự so sánh.

Sau thành công của “Nhắm mắt thấy mùa hè” năm 2018 thì bộ phim “Tháng 5 để dành” 2019 là một sự khởi đầu của ê-kíp trẻ: đạo diễn Lê Hà Nguyên, nhà sản xuất Đức Ngụy (vai Sơn), diễn viên chính Xuân Hùng (vai Hiếu),… Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm gây sốt cộng đồng mạng “Ranh giới” của tác giả Hoàng Trung Hiếu (Rain8x). Trước khi phim chính thức ra rạp 24-5, toàn bộ ê-kíp và tác giả đã thực hiện chuyến công chiếu và ra mắt phim tại các tỉnh, thành lớn trên cả nước. Những chuyến cinetour được thực hiện trải dài từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM… được ê-kíp kiên trì quảng bá.

Dàn diễn viên 9X (từ trái qua phải) Đức Ngụy, Xuân Hùng, Minh Trang, tác giả Hoàng Trung Hiếu -Rain8x của bộ truyện “Ranh Giới” và đạo diễn trẻ Lê Hà Nguyên tại buổi ra mắt phim “Tháng 5 để dành”. Ảnh: Đoàn làm phim

Thực tế, những xuất chiếu xấu tại các rạp vào khoảng 16-17g chiều là nguyên do khiến cho khán giả Việt đến với bộ phim không nhiều nên ê-kíp đã phải tổ chức phương án đi cinetour liên tục. Vất vả nhưng khi nhìn thấy khán giả vẫn trụ đến 11g đêm để xem trọn vẹn bộ phim là động lực để ê-kíp kiên trì trên hành trình nghệ thuật. Ngoài việc quảng bá bộ phim, ê-kíp mong muốn có thể kết nối khán giả với tác giả tiểu thuyết và ê-kíp sản xuất bộ phim. Thông qua các buổi giao lưu với diễn viên chính, nhà sản xuất và cả tác giả Hoàng Trung Hiếu còn ký tặng sách đã thu hút nhiều khán giả quan tâm. Thậm chí, có những khán giả ở Pháp, Nhật là fan hâm mộ tiểu thuyết “Ranh giới” đã đi máy bay về Việt Nam chỉ để được xem bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết trong hình hài ra sao.

Sau 3 ngày giao lưu tại TP HCM, tại các rạp luôn chật cứng khán giả. Đa phần là những khán giả fan hâm mộ của tiểu thuyết “Ranh giới” đến để giao lưu và ký tặng sách cùng với chính tác giả Hoàng Trung Hiếu và các diễn viên chính “Tháng 5 để dành”. Sắp tới, ê-kíp sản xuất sẽ tiếp tục thực hiện cinetour đến Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng,… Mặc dù lịch trình vất vả, kéo dài nhưng với ê-kíp “Tháng 5 để dành” mong muốn truyền tải thông điệp từ bộ phim đến khán giả. “Có gặp gỡ trực tiếp với khán giả, chúng tôi muốn dành lời cảm ơn tới họ khi đã ủng hộ phim và để họ hiểu hơn về cách làm phim văn minh của giới trẻ”, nhà sản xuất Đức Ngụy chia sẻ.

Khác với các bạn trẻ chọn hướng phát hành phim ở thị trường trong nước, một số nhà làm phim trẻ độc lập chọn việc phát hành phim tại các hội chợ phim quốc tế. Thành công của Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Phương Anh (tiếng Anh: Ash Mayfair),… là con số biết nói. Họ đã dám bước qua cánh cửa an toàn khi chọn những đề tài khó, pha trộn nhiều thể loại, cách làm phim khác biệt, độc lập mang dấu ấn cá nhân. Nhờ đó, tác phẩm độc lập chạm tới các giải thưởng tại các LHP danh giá quốc tế. Từ bộ phim “Bi, Đừng sợ” (đạo diễn Phan Đăng Di) đoạt giải thưởng LHP Canes, LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), LHP châu Á,… đến “Đập cánh giữa không trung” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) giải tại LHP quốc tế Fribourg (Thụy Sĩ).

Mới đây, “Vợ ba” do đạo diễn Nguyễn Phương Anh (tên tiếng Anh: Ash Mayfair) và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc sau 2 năm chinh chiến xứ người đã được cấp phép công chiếu tại Việt Nam. Bộ phim từng đoạt giải thưởng “Quỹ sản xuất Spike Lee” (một nhà làm phim da màu nổi tiếng tại Hollywood) và lọt vào danh sách “NYC Purple List 2015”. Sau đó, dự án này tiếp tục thắng giải Grand Prix (Giải thưởng lớn) tại diễn đàn “Gặp gỡ mùa thu” năm 2015 tại Đà Nẵng và giải Grand Prix tại Hong Kong Asia Film Forum 2016. Bộ phim đã đạt một số giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế như Toronto (Canada), San Sebastían (Tây Ban Nha), Chicago (Mỹ)… và được 28 quốc gia mua bản quyền.

Tuy nhiên, ồn ào về cảnh nóng trong phim “Vợ ba” của nữ nhân vật chính Nguyễn Phương Trà My đóng (vai Mây) đã khiến cho bộ phim phải dừng chiếu tại Việt Nam sau 2 ngày ra rạp. Mặc dù “Vợ ba” có kinh phí đầu tư 28 tỉ đồng, thời gian thực hiện gần 5 năm nhưng sự lựa chọn nữ chính mới 13 tuổi đóng cảnh nóng là một sự lựa chọn mạo hiểm của Nguyễn Phương Anh khi khó nhận được sự chấp nhận của người Việt Nam.

Thực tế, nếu không có sự dấn thân của những nhà làm phim độc lập, có lẽ sẽ không có một Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Phương Anh, Lê Nguyên Hà… ngày hôm nay. Một điểm chung của những người làm phim độc lập chính là họ xuất phát từ những người yêu điện ảnh. Chính tình yêu nghề, sự dấn thân và đôi khi là một chút liều lĩnh, có lẽ thành công sẽ không dễ dàng đến với họ.

Với “Tháng 5 để dành”, để thực hiện bộ phim, ê-kíp đã đánh đổi 3 năm với bao mồ hôi và nước mắt. Nhà sản xuất Đức Ngụy cho biết: “Những dự án phim độc lập thì bài toán kinh tế luôn là một bài toán khó. Vì nếu có tài trợ thì bộ phim sẽ không được truyền tải trọn vẹn những gì mình muốn đến khán giả vì kịch bản sẽ có nhiều sửa đổi. Vì vậy, ê-kíp đã xin kinh tế của gia đình, xin tài trợ của các bên hỗ trợ những đoàn làm phim trẻ mà không sửa kịch bản và thường là bỏ tiền túi ra tất cả các chi phí trong khâu tiền kỳ, hậu kỳ,…”

Sau tất cả, ê-kíp làm phim mong muốn những khó khăn đó đều là động lực để cho bọn mình cố gắng đưa đến khán giả những thước phim đẹp nhất, cảm xúc tốt nhất và chân thật nhất của thanh xuân với mọi người. Sức trẻ, sức cống hiến là điểm nổi bật của những nhà làm phim trẻ tạo được dấu ấn đặc biệt trong thị trường phim Việt.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-tre-lam-phim-du-day-tren-con-duong-nghe-thuat-150268.html