Người trẻ lao đầu vào chỗ bùn lầy dọn rác để làm gì nếu cả triệu người vẫn sử dụng và xả túi nilon tràn lan?

Chúng ta đã nhìn thấy những điểm sáng về ý thức bảo vệ môi trường qua thử thách dọn rác đang gây bão mạng xã hội nhưng liệu thực sự, trào lưu này có mang lại ý nghĩa to lớn hay chỉ là dã tràng xe cát bởi tốc độ sử dụng túi nilon quá khủng khiếp từ người dân.

Thử thách dọn rác sẽ đi về đâu nếu chúng ta vẫn giữ thói quen sử dụng túi nilon tràn lan?

“Thử thách dọn rác” mang tên Challenge For Change với hashtag #trashtag thời gian gần đây đang làm mưa làm gió trên khắp các trang mạng xã hội. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là thay vì chỉ ngồi nhàm bấm những nút like, share hưởng ứng thì rất nhiều bạn trẻ đã bắt tay hành động thực sự.

Thử thách dọn rác được nhiều bạn trẻ rầm rộ hưởng ứng.

Thử thách dọn rác được nhiều bạn trẻ rầm rộ hưởng ứng.

Họ rủ nhau đạp xe đi dọn rác, xắn tay áo, lội xuống mương nước đen ngòm hay đi bộ vòng quanh bãi biển để dọn rác. Và kết quả của sự nỗ lực ấy là những con kênh sạch bóng rác thải, những bãi biển được trả lại nguyên dáng vẻ hoang sơ và biết bao con đường sạch đẹp như chưa từng có sự tồn tại của bãi rác bốc mùi.

Những câu chuyện của nhóm bạn trẻ 4 người đã đạp xe 85km từ Đà Nẵng lên Quảng Nam dọn rác hay chuyện dọn sạch bãi Bãi đá Đen ven biển trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) trong vòng 4 tiếng đều là điều tuyệt vời khiến mọi người trầm trồ. Có lẽ, đây là lần đầu tiên mạng xã hội làm rấy lên một trào lưu mang nhiều ý nghĩa to lớn, nhân văn đến thế.

Chưa bao giờ, người ta thấy MXH sản sinh ra một trào lưu ý nghĩa đến như thế.

Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề, vẫn có rất nhiều người hoài nghi, liệu trào lưu dọn rác chỉ là thử thách đánh vào tính thích chinh phục, hiếu thẳng, thích thể hiện bản thân của người trẻ hay đó thực sự là một dấu hiệu tích cực trong việc thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường? Liệu sau khi cơn sốt qua đi, có ai còn đạp xe suốt 85km đi dọn rác?

Bất luận thế nào, việc có người tình nguyện đi xóa những điểm đen rác thải vẫn là điều đáng mừng. Cho dù trào lưu dọn rác chỉ là một trào lưu thì ít nhất, nó cũng đã góp phần thay đổi suy nghĩ của một nhóm người trực tiếp tham gia vào thử thách này.

Nhưng nếu còn có vấn đề gì khiến chúng ta phải băn khoăn thì có lẽ, mọi người sẽ phải đặt câu hỏi rằng, liệu trào lưu dọn rác có đem lại ý nghĩa sâu xa trong bối cảnh nạn dùng túi nilon và xả nó bừa bãi vẫn đang tiếp tục diễn ra?

Không ngừng sử dụng túi nilon, người trẻ còn phải hối hả đi dọn rác đến bao giờ?

Nhìn lại những bức ảnh chụp trong thử thách dọn rác, đa phần rác mà các bạn trả phải dọn chính là túi nilon. Những bức ảnh chụp bãi biển, mương nương, lòng đường, mặt đất ở bìa rừng, công viên trước khi có sự can thiệp của nhóm dọn rác ngập tràn túi nilon và rác nhựa. Đó cũng chính là hình ảnh tiêu biểu nhất, chân thực nhất về nạn “ô nhiễm trắng” (cụm từ mà các nhà khoa học dùng để nói về vấn đề ô nhiễm do túi nilon gây ra - PV) ở Việt Nam.

Cá nhà táng (Physeter macrocephalus, tiếng Anh: sperm whale) - một loài động vật có vú sống trong môi trường nước ở biển, thuộc bộ Cá voi - đã chết vì 30kg rác nhựa.

Còn nhớ cách đây ít giờ, nhiều trang báo đồng loạt đưa tin về vụ việc cá voi mõm khoằm Cuvier ở Philipines được tìm thấy trong tình trạng “gầy gò và mất nước”, “nôn ra máu trước khi chết”. Khi tìm hiểu nguyên nhân, người ta thấy rằng nó đã chết vì 40kg rác nhựa chứa trong bụng.

Cách đó không lâu hồi cuối tháng 2, các nhà khoa học cũng phát hiện một con cá nhà táng được tìm thấy đã dạt vào bờ biển Murcian ở miền nam Tây Ban Nha do có 30kg rác nhựa gồm dây thừng, mảnh lưới, túi nilon và các mảnh vụn khác nằm trong bụng.

Rác thải mà các bạn trẻ tham gia thử thách dọn rác phải đối mặt chủ yếu là túi nilon.

Theo một nghiên cứu được công bố gần nhất, toàn thế giới đang sản xuất hơn 300 triệu tấn nhựa mỗi năm, một nửa trong số đó là cho sử dụng một lần. Chúng ta cũng sản xuất khoảng 500 tỷ túi nilon được sử dụng hàng năm với hơn 1 triệu túi được sử dụng mỗi phút.

Những câu chuyện, con số ấy ngỡ ở đâu xa, không phải ở đất nước Việt Nam 4 mùa cỏ cây vẫn xanh này nhưng đến khi trào lưu dọn rác nở rộ, chúng ta có lẽ cũng có thêm cơ hội nhận ra, quanh đất nước, ngay ở những điểm du lịch nổi tiếng, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những bài rác lớn. Và cũng đừng nghĩ Việt Nam ít sử dụng túi nilon bởi chúng ta đang dẫn đầu thế giới về mức độ tiêu thụ vật liệu này. Theo ước tính, mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường. Đáng chú ý, con số này vẫn không ngừng tăng theo từng năm.

Thử thách dọn rác một lần nữa khiến nhiều người bất ngờ về sự xuất hiện của rác thải (chủ yếu là túi nilon) ở khắp mọi nơi.

Nhìn những chiếc túi nilon gọn nhẹ, mỏng manh tưởng như vô hại song thực sự nó chính là kẻ thù số 1 của mẹ tự nhiên bởi quá trình phân hủy phải kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Nếu lẫn vào đất, túi nilon sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Trong trường hợp, những chiếc túi bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ dẫn đến tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch. Khi bị đốt, túi nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…

Điều ấy có nghĩa là, dù thử thách dọn rác đã trả lại vẻ sạch đẹp cho nhiều địa điểm thì số rác nhựa, túi nilon sẽ không thể vì thế mà biến mất. Những việc các bạn trẻ đang làm tuy là đáng mừng nhưng nó vẫn chỉ giải quyết được vấn đề bề nổi mà không chữa được tận gốc căn bệnh ô nhiễm trắng.

Dù thử thách dọn rác đã trả lại vẻ sạch đẹp cho nhiều địa điểm thì số rác nhựa, túi nilon sẽ không thể vì thế mà biến mất.

Câu trả lời chính là, để hướng ứng trào lưu don rác một cách tích cực hơn và giúp nó thực sự trở nên có ý nghĩa, điều đơn giản mà chúng ta có thể bắt tay làm ngay hôm nay chính là NGƯNG SỬ DỤNG TÚI NILON.

Chiến dịch nói không với túi nilon đã được khởi xướng từ cách đây nhiều năm, rộ lên vào khoảng năm 2013. Đến năm 2016, fanpage “Nói không với túi nilon” do 8x Hoàng Thảo khởi xướng tiếp tục gây được nhiều tiếng vang. Chỉ trong khoảng nửa năm, 20 cửa hàng trong cả nước đã tham gia chiến dịch “Nói không với túi nilon” bằng cách giảm giá khi khách hàng không sử dụng túi nilon của cửa hàng khi đi mua đồ. Mỗi tháng một hội thảo được tổ chức đều đặn với các chủ đề khác nhau nhằm mục đích hướng dẫn mọi người cách tái chế đồ đạc cũ để bảo vệ môi trường sống.

Cho đến thời điểm hiện tại, chiến dịch nói không với túi nilon đã lan rộng trên nhiều tỉnh thành cả nước, nhận được sự hưởng ứng của hàng triệu người.

Mới đây, nhân trào lưu dọn rác để bảo vệ môi trường, thông điệp nói không với túi nilon cũng được nhiều người nhắc lại. Bởi vì nếu đã không có rác, nếu đã không còn nạn ô nhiễm trắng thì liệu có còn những hình ảnh bạn trẻ phải xắn tay, lội vào chỗ bùn đen mà dọn rác?

Ngược lại, nếu không thể từ bỏ thói quen, không thể NÓI KHÔNG VỚI TÚI NILON thì liệu việc dọn rác có thực sự đem lại ý nghĩa bảo vệ môi trường như chúng ta đang kỳ vọng? Câu trả lời này, chắc chắn mỗi người đều đã tự có đáp án.

Thử thách dọn rác sẽ có nhiều ý nghĩa hơn nếu được kết hợp với việc tuyên truyền ngưng sử dụng túi nilon.

Diệu Thùy

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/chien-dich-hay-noi-khong-voi-tui-nilon-4795543.html