Người trẻ mượn việc dọn rác để check-in đấy, thì sao nào?

Dù cho mục đích là muốn phô trương, làm hình ảnh hay check-in, nhưng những người trẻ này cũng đã đứng lên, đi ra bãi rác, và bắt đầu dọn dẹp.

Thử thách dọn rác Challenge For Change đang là một trong số ít những trào lưu được đánh giá có tác động tích cực, thật sự có ý nghĩa, tạo hiệu ứng mạnh đến ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Việc hàng loạt bạn trẻ Việt Nam chia sẻ hình ảnh trước và sau của các bãi rác công cộng nhận được rất nhiều sự khích lệ, lời cảm ơn, cũng như khiến mọi người thật sự muốn "xách chổi, xẻng, đeo khẩu trang bảo hộ lên và đi ra bãi rác dọn dẹp".

Mới đây nhất, hình ảnh một nhóm bạn ở Đà Nẵng rủ nhau ra biển Sơn Trà nhặt rác nhận được nhiều sự quan tâm. Dưới trời mưa ẩm ướt, những người trẻ này không quên khoe thành quả của mình lên mạng xã hội.

Theo chia sẻ của một thành viên, hình ảnh được chụp chỉ là 1/3 số rác mà họ thu gom. Bên cạnh đó, dù nói rằng "bám trend dọn rác", song thực chất những hoạt động ý nghĩa và tích cực thế này đã được triển khai từ khá lâu.

Dọn rác là chạy theo phong trào?

Hành động ý nghĩa này phần lớn nhận được nhiều lời khen từ dân mạng.

Tuy nhiên không ít người đặt ra câu hỏi rằng các bạn trẻ khi có tâm làm sạch môi trường, có nhất thiết phải khoe hình ảnh lên mạng xã hội?

Các bạn trẻ dọn rác ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: T. A.

Các bạn trẻ dọn rác ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: T. A.

Một người tên Minh Nguyen Minh cho biết địa điểm các bạn trẻ dọn rác là khu vực không có người, đoạn phía Nam đảo Sơn Trà. Rác ở đây do sóng biển dạt vào, chủ yếu là rác hữu cơ, rác vô cơ, phần lớn là miếng xốp dùng làm phao định vị thả lưới của ngư dân.

Người này cho rằng việc làm của các bạn trẻ rất đáng hoan nghênh, song thực sự là vô nghĩa bởi sau mỗi lần gió mùa về hay biển động thì rác lại nhiều như cũ.

"Đà Nẵng có rất nhiều nơi đông người sinh sống đáng để dọn dẹp, không nhất thiết các bạn trẻ phải đi ra một chỗ vắng vẻ, nguy hiểm như vậy. Hơn nữa, nếu như làm việc có tâm thì không nhất thiết phải công khai hay chạy theo phong trào", người này viết.

Duc Anh đặt ra câu hỏi không biết sau khi dọn dẹp sạch sẽ bãi biển này thì mấy bao tải rác kia sẽ được vứt đi đâu? Nếu không được xử lý đúng cách thì một nhóm khác lại đến dọn và cứ tiếp tục vòng luân chuyển như thế sao?

Ở một góc nhìn khác, bạn Minh Vũ cho rằng nhờ có người nước ngoài nên Việt Nam mới chịu làm theo trào lưu này. Bên cạnh những bạn trẻ chân chính thì sẽ có không ít thanh niên chỉ cổ vũ, hô hào cho vui. "Trong khi phòng mình không bao giờ thèm dọn dẹp, ra đường thì xả rác, phóng uế bừa bãi", người này bình luận.

Nhà trường cho những em nhỏ từ 3-5 tuổi đi dọn rác giữa trời nắng khiến dân mạng bức xúc. Ảnh: Konnit Outdoor Playschool.

Trước đó ngày 24/3, trường mầm non Cánh Diều (quận 7, TP.HCM) chia sẻ hình ảnh học sinh tham gia dọn rác lên fanpage của trường. Ngay sau khi đăng tải hình ảnh các em nhỏ từ 3-5 tuổi tham gia trào lưu dọn rác như một hoạt động ngoại khóa đã nhận những ý kiến trái chiều, bức xúc từ phụ huynh vì cho rằng không phù hợp.

Dưới bài đăng, không ít người bày tỏ cảm xúc phẫn nộ, cho rằng các em còn quá nhỏ và không được trang bị bảo hộ đầy đủ khi tham gia.

Dù biết đây là một hoạt động ngoại khóa cho trẻ em, nhưng nhiều ý kiến cho rằng để những đứa trẻ còn quá nhỏ đi dọn rác là không phù hợp. Thậm chí nhiều người nghĩ rằng nhà trường lợi dụng các em để quảng bá thương hiệu.

Ừ thì check-in, chạy theo phong trào đấy, nhưng người trẻ đã dám hành động

Sự việc, hiện tượng nào cũng có mặt trái vấn đề, cũng như bị biến tướng hoặc lợi dụng làm sai mục đích, đó là chuyện dễ hiểu. Trào lưu nhặt rác cũng vậy.

Nhưng có lẽ ít người nhận thấy sự thật rằng: ít ra những người trẻ ấy đã dám đứng lên, đi ra bãi rác.

Con kênh ô nhiễm nặng của Bình Phước được các bạn trẻ dọn dẹp sạch sẽ. Ảnh: SG.

Ngày 20/3, một nhóm bạn Sài Gòn đã quyết định vượt hàng trăm cây số xuống Bình Phước để làm sạch một con kênh ô nhiễm nặng, hành động ấy đã nhận được biết bao sự khen ngợi.

Ở bãi biển Vĩnh Lương, Nha Trang, Kim Yến và các bạn đã tình nguyện dọn rác từ giữa tháng 2/2019. Có làm màu hay không, thì khách du lịch, người dân nơi đây cũng nhận thấy sự thay đổi rõ ràng trước và sau khi các bạn trẻ này hành động.

Trong khi đó, tại thành phố Vinh, Nghệ An, ngày 12/3, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (27 tuổi, làm nghề nhiếp ảnh) cùng nhiều đồng nghiệp đã dọn dẹp được hơn 30 m bãi biển Cửa Lò. Rất nhiều rác, túi nhựa và nhiều con sứa đã chết được nhóm dọn sạch.

Khách du lịch và người dân Đà Lạt chắc chắn phải cảm ơn nhóm "Ờ Phượt", những người đã dọn dẹp sạch sẽ hồ Tuyền Lâm và những vách tường cheo leo tại chợ Trung tâm, trong suốt 5 tiếng đồng hồ.

Ừ thì mượn việc dọn rác để check-in đấy, thì sao nào?

Bãi biển Vĩnh Lương, Nha Trang trước và sau khi được dọn dẹp sạch. Ảnh: Kim Yến.

Trào lưu dọn rác - Challenge For Change được cho là bắt nguồn từ một bức ảnh của tài khoản Facebook Byron Roman trên mạng xã hội.

Anh này đã khuyến khích mọi người cùng chụp ảnh nơi nhiều rác, làm sạch nó sau đó chụp hình với thành quả của bạn, đồng thời chia sẻ hình ảnh đẹp này cho tất cả mọi người.

Chia sẻ với Zing.vn, Byron Roman khẳng định mình rất hạnh phúc khi hàng nghìn người trên thế giới đã thực sự dọn dẹp, làm sạch bãi rác, và quan tâm tới môi trường.

Việt Tú - trưởng nhóm một câu lạc bộ tình nguyện ở TP.HCM - cho rằng đây là thử thách hay. Theo đó, nó giúp một người trẻ dọn rác và biết cách kêu gọi cộng đồng cùng tham gia để trở thành trào lưu hot trên mạng.

Việc làm tốt đẹp đã được truyền thêm cảm hứng, để mọi người cùng khuyến khích nhau nhặt rác, giúp cho môi trường xung quanh sạch đẹp hơn.

Việt Tú nhận định đã là trào lưu, nó sẽ có lúc "nóng" và lúc thoái trào, song anh hy vọng những người trẻ cùng nhau tham gia trào lưu này sẽ tiếp tục giữ lửa, để cùng nhặt rác, giúp Việt Nam và nhiều quốc gia khác không còn vấn nạn rác thải.

Dễ dàng nhận thấy rằng cái khó nhất của việc dọn rác không phải là dọn được bao nhiêu, mà chúng ra đã dám đi ra bãi rác và cùng nhau dọn dẹp vì môi trường.

Khoảng cách xa nhất từ ta đến bãi rác, cũng chính là khoảng cách từ ta đến chiếc chổi. Khi đã làm, thì một bức ảnh đăng lên mạng xã hội để khoe, làm màu, thậm chí phô trương một chút, thì có sao nhỉ?

Ngày nay, khi mà bạn làm tốt một việc đến đâu, luôn có hàng chục người chờ chực nhảy vào phán xét, chê bai, lên giọng, thì ta nên chọn việc sợ hãi và trốn tránh, hay cứ mặc kệ họ và làm việc của mình?

Lựa chọn là của bạn thôi. Hãy cứ dọn rác, hãy cữ check-in, sẽ chẳng sao nếu những thứ ta làm chẳng thẹn với lòng mình!

Kiều Trang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-tre-muon-viec-don-rac-de-check-in-day-thi-sao-nao-post928993.html