Người trẻ nói gì về cho phép sử dụng tài liệu trong thi cử?

Sau khi Báo Lao Động đăng tải ý kiến 'Nên cho phép học sinh sử dụng tài liệu khi làm bài thi THPT Quốc gia?' của GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, nhiều bạn trẻ đã hứng thú đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.

Phạm Thị Thảo Anh (Thủ khoa tốt nghiệp 2018, Đại học Văn Hóa): Sẽ có nhiều quan điểm trái chiều

Theo tôi, đây là một phương án khá thú vị nhưng cũng cần cân nhắc vì sẽ vấp những luồng ý kiến trái chiều. Cá nhân tôi nghĩ rằng biết đâu cho phép sử dụng tài liệu không những không phải là một ý kiến “vẽ đường cho hươu chạy” mà còn là một cách để khám phá góc nhìn mới của thí sinh.

Sử dụng tài liệu đúng cách cũng một phần thể hiện tư duy của người học. Thí sinh học khá sẽ sử dụng tài liệu là công cụ đắc lực, trong khi đó thí sinh học vẹt thì tài liệu có cũng như không.

Vì cũng từng trải qua 12 năm đèn sách, tôi "đi guốc trong bụng" thí sinh, dù không biết tài liệu có thực sự hữu dụng hay không nhưng việc được sử dụng tài liệu đã phần nào giảm bớt gánh nặng tâm lý và thói quen học “vẹt” mà không hiểu bản chất vấn đề của nhiều người trẻ hiện nay.

Nguyễn Mạnh Dũng (học sinh THPT Trung Nghĩa – Phú Thọ): Sống trong thời đại 4.0 không nên quá cứng nhắc

Tôi nghĩ không nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia, vì kỳ thi này sẽ đánh giá chất lượng học sinh, nếu bỏ đi thì sẽ khiến học sinh lười học. Về việc sử dụng công cụ, tài liệu hỗ trợ khi làm bài thi tôi cho rằng đó là một ý tưởng hay.

Hiện nay, lượng kiến thức mỗi học sinh phải nhớ quá nặng nề. Nhiều người áp lực đến trầm cảm, tự tử. Chúng ta sống trong thời đại 4.0, lại thi toàn trắc nghiệm như hiện tại thì không nhất thiết phải cứng nhắc như hiện tại.

Đặng Thị Ngân (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Hào hứng với đề thi mở

Tôi rất đồng tình với nhận định của GS Phạm Tất Dong đưa ra. Bản thân là người đã trải qua kỳ thi này, tôi thấy hiện tại quá nặng nề, đi coi kỳ thi mà đề xuất cả công an thì thật sự không cần thiết.

Còn về việc sử dụng tài liệu hoặc thiết bị hiện đại như điện thoại, laptop vào thi cử thì tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi thấy việc ép học sinh thuộc và nhớ tất cả mọi thứ, việc giám thị phải giám sát, soi xét xem có thí sinh nào sử dụng các thiết bị không là không nên.

Khi tôi học ở trường đại học, thầy cô thường xuyên cho sinh viên đề mở. Sinh viên có thể sử dụng các thiết bị làm sao ra bài làm tốt nhất.

Đương nhiên, đề mở không phải tìm trên mạng là ra mà phải có tư duy rõ ràng, am hiểu bản chất thực sự của vấn đề thì mới có thể giải được.

Nguyễn Trung Kiên (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền): "Tiềm lực quốc gia" chưa đủ mạnh

Tôi ủng hộ phương án công nhận tốt nghiệp, bỏ hình thức thi và đưa kỳ thi đại học về các trường đại học tự chủ động phương án tuyển sinh.

Với ý kiến cho học sinh sử dụng công cụ hỗ trợ khi làm bài thi, tôi không đồng ý quan điểm này. Bởi lẽ, có nhiều học sinh không có điều kiện tiếp cận tới những thiết bị hiện đại. "Tiềm lực quốc gia" chưa đủ mạnh để đáp ứng điều đó.

Đồng thời, nếu được phép sử dụng thiết bị vào phòng thi thì chỉ tăng thêm sự phân hóa giàu nghèo chứ không phân loại được học sinh. Chưa kể, sẽ có những tiêu cực xảy đến khi cho thí sinh vô tư sử dụng tài liệu.

Đào Anh Dũng (sinh viên Đại học Luật Hà Nội): Chưa phù hợp với sự phát triển

Tôi không đồng ý bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Đề khó thì khó chung. Gộp hai cuộc thi có thể giảm bớt chi phí thi cử. Trước thí sinh thi tận 2 cuộc thi còn mệt mỏi hơn hiện tại.

Tôi cũng không ủng hộ ý kiến cho học sinh sử dụng công cụ hỗ trợ khi làm bài thi vì: Thứ nhất, nếu làm vậy thì không đảm bảo thí sinh không gian lận.

Thứ hai là trí óc con người phát triển ở mỗi độ tuổi nhất định sẽ có mức độ nhận biết và khả năng học hỏi nhất định. Nếu nâng cao mức độ đề rộng, khó hơn thì không phù hợp sự phát triển trí não cho người học. Điều này vô tình tạo áp lực, sự phát triển không bình thường.

Thứ ba là muốn tra cứu, người học cũng phải biết qua về kiến thức thì mới có thể tra cứu tốt vì nguồn dữ liệu mạng rất đa dạng, khó thể chuẩn từ khóa.

PHAN ANH - THẢO MAI - TUỆ NHI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/nguoi-tre-noi-gi-ve-cho-phep-su-dung-tai-lieu-trong-thi-cu-615954.ldo