Người trẻ quan tâm đến chuyện ngoại tình

Từ gợi ý của buổi tọa đàm 'Ngoại tình trong văn chương' diễn ra ở Trung tâm văn hóa Pháp, những forum nhỏ về chuyện ngoại tình trong văn học nghệ thuật và trong đời thực liên tục được tổ chức sau đó. Điều đáng ngạc nhiên là những người quan tâm đến chủ đề này đa phần đều còn trẻ, trong đó rất nhiều người chưa lập gia đình.

Đa số khán giả nghe tọa đàm về ngoại tình là người trẻ.

Những bản tình ca dang dở

Nhân dịp xuất bản “Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở” của Francoise Sagan và “Chuyến tàu định mệnh” của Georges Simenon, Trung tâm văn hóa Pháp và nhãn sách Nhã Nam đã tổ chức một buổi tọa đàm về ngoại tình trong văn chương, thu hút rất đông độc giả trẻ.

Biên tập viên Trịnh Mai Ngân hỏi một độc giả nam: “bạn đến đây vì hai tác giả người Pháp hay vì chủ đề ngoại tình” thì nhận được câu trả lời: “vì chuyện ngoại tình”.

Rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề này sau đó nói lên rằng, chủ đề có phần nhạy cảm này vẫn luôn thu hút nhiều nhà văn và ngay cả những người bình thường.

Các diễn giả cũng bị chủ đề ngoại tình khiến “nói nhiều hơn”.

Một người đọc nữ đưa ra thắc mắc khá thú vị: tại sao cùng lúc Nhã Nam in hai cuốn sách đều về ngoại tình, vậy có phải là cổ súy cho lối sống này không? Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trả lời: “đọc văn chương không giống với đọc điều tra xã hội học”. Ông Nguyên cũng đánh giá: những chuyện ngoại tình trong hai tác phẩm của Sagan và Simenon đều chỉ là những cái cớ để nói về cuộc sống, tình yêu và ý nghĩa tồn tại của con người. Trong đó, Sagan viết về ngoại tình theo kiểu rất cổ điển: nghĩa là người phụ nữ bị cảm nắng với những người đàn ông đẹp mã, nổi bật, sau đó một sự cố xảy đến, họ lại nhận ra người chồng mới là “giá trị thật” cần trân trọng. Ngược lại, nhà văn trinh thám Simenon viết về chuyện ngoại tình nhưng vượt lên hẳn chuyện ngoại tình, nó liên quan đến câu hỏi về ý nghĩa thật sự của cuộc sống và khước từ những đánh giá bằng đạo đức.

Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương chen lời: chị cho rằng tình yêu không có nội ngoại, chỉ có yêu thôi! Chị Hương cũng khuyên các độc giả trẻ: khi tiếp cận một tác phẩm văn chương, hãy để định kiến ở lại!

Các diễn giả lần lượt chứng minh, những câu chuyện ngoại tình trong văn chương đa số đều bất hủ và thường đẹp. Trong số những tác giả Việt Nam hiện đại, người nói về chuyện ngoại tình sát ván nhất phải kể đến nhà thơ Đồng Đức Bốn với tác phẩm “Em bỏ chồng về ở với tôi không”? Ông Phạm Xuân Nguyên kết luận: “không ai cấm in bài thơ ngoại tình ấy, cũng không ai dùng đạo đức hay thể chế xã hội để bài xích nó. Bởi vì thực chất chuyện ngoại tình không phải là vấn đề xã hội mà là vấn đề con người”.

Chưa có gia đình vẫn quan tâm đến chuyện ngoại tình

Nguyễn Thái Vũ (học viên tại L’espace) cho biết: “sau buổi tọa đàm về ngoại tình trong văn chương, tôi cảm thấy rất đông khán giả trẻ chưa thỏa mãn. Sau đó chúng tôi tự lập một buổi nói chuyện khác chỉ xoay quanh chuyện ngoại tình và thái độ của người trẻ thu hút hơn 30 người tham gia”.

Đối với câu hỏi: thái độ của bạn đối với chuyện ngoại tình, ban tổ chức nhận được rất nhiều câu trả lời bất ngờ.

Trần Thanh H. (ĐH Bách Khoa) chia sẻ: “Bố tôi ngoại tình và bố mẹ không ly hôn, mà dằn vặt nhau một thời gian rất dài. Tôi đã nói chuyện với bố, ông nói rằng giữa hai người không còn tình yêu nhưng ông vẫn có trách nhiệm với gia đình. Sau đó tôi khuyên mẹ ly hôn. Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ là mình làm đúng. Bố mẹ tôi chia tay nhẹ nhàng, tôi sống với mẹ, tuy buồn hơn nhưng không còn những dằn vặt và xúc phạm”.

Đỗ Trọng V (ĐH KTQD) kể: “Khi yêu bạn gái cũ, tôi crush (phải lòng) bạn gái mới. Lúc đó bạn gái cũ khóc lóc đòi tự tử và trách tôi bạc bẽo. Sau này, tôi bị bạn gái mới đá, tôi vẫn vui vẻ chia tay. Tôi nghĩ không còn thích nhau mà cứ phải diễn yêu nhau mới là bi kịch”.

Tại một diễn đàn ngoại tình của sinh viên Đại học Hà Nội, nick Yeumuathu cho rằng: “Trong tình cảm, người thứ ba chính là người không được yêu”. Nguyenthiminhhieu chia sẻ: “Thời nào rồi mà còn cho rằng ngoại tình là băng hoại đạo đức. Tôi chỉ có một cuộc đời có mấy chục năm, nhất định tôi sẽ sống với tình cảm mà tôi cho là đáng giá. Đạo đức đừng làm phiền tôi” nhận được gần 10 nghìn like cùng 236 lượt chia sẻ.

Hầu hết các ý kiến trong những diễn đàn về ngoại tình đều thống nhất cách giải quyết: khi crush người khác thì nên thẳng thắn cho đối tượng hiện tại biết. Phần lớn người ta cảm thấy bị tổn thương, suy sụp là vì cảm thấy bị lừa dối, biến thành thằng (con) ngốc chứ không đến mức sẽ chết vì thiếu người kia. Họ cũng cho rằng: trong trường hợp bị ngoại tình thì chia tay trong hòa bình là cách giải quyết ít để lại hậu quả nhất, cho cả ba bên. Phần lớn các ý kiến không đồng ý việc hàn gắn bởi lý do: vết thương do tình yêu tuy lành nhưng sẽ khiến nó không còn hoàn hảo nữa, và rằng “ở đâu đó hẳn vẫn có người đợi ta” mà “không cần phải cố chấp treo cổ trên duy nhất một cái cây”.

Trịnh Thùy Trang (ĐH Sân khấu điện ảnh) cho biết: sau khi tham gia một số tọa đàm về ngoại tình, cô sẽ làm phim ngắn về đề tài này cho bài tốt nghiệp. Trang cũng tiết lộ: những quan điểm về ngoại tình của cô trong phim sẽ tập hợp ý kiến của nhiều bạn trẻ, và sẽ rất khác quan điểm của thế hệ bà, hoặc mẹ họ. “Quan trọng là sẽ không ai đánh mất mình chỉ vì bị phản bội” Trang nói thêm.

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nguoi-tre-quan-tam-den-chuyen-ngoai-tinh-1251439.tpo