Người trẻ thành danh trên đất Nhật

Trong những năm qua, cùng với sự tăng cường hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản, làn sóng sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản du học phát triển mạnh mẽ. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, đây không chỉ là nguồn lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng, duy trì và thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản nói riêng và trong các lĩnh vực hợp tác khác của hai nước nói chung.

Tiệm bánh mỳ Xin chào ở xứ xở Mặt trời mọc.

Những cái tên ấn tượng

Số lượng người Việt sinh sống làm việc và học tập tại Nhật Bản tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến tháng 6-2017, con số này là 232.562 người, vượt qua Brazil, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 4 tại Nhật Bản.

Theo tờ Japan Today, ở TP Matsudo, một thị trấn với 484.000 dân của tỉnh Chiba hiện có 15.058 người nước ngoài, trong đó người Việt chiếm số lượng rất đông. Còn tỉnh Hiroshima đã được xếp thứ 4 toàn quốc về số lượng học viên kỹ thuật đến từ Việt Nam. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ sau thời gian du học đã ở lại Nhật Bản lập nghiệp và gặt hái thành công.

Trong số đó có thể kể đến NAL Japan- một trong những doanh nghiệp IT thành công của người Việt tại Nhật Bản. Giám đốc Công ty NAL Japan là người Việt – anh Nguyễn Tuấn Anh sang Nhật Bản du học vào năm 2002. Sau thời gian làm việc cho hai công ty công nghệ thông tin ở Nhật để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết và đến năm 2013, Tuấn Anh cùng bạn thành lập công ty NAL Việt Nam và thành lập công ty NAl Japan vào cuối năm 2014.

Tuấn Anh cho biết thời điểm anh thành lập công ty cũng chính là lúc quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đang khởi sắc mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Sau khoảng 4 năm thành lập, nhóm công ty NAL của Tuấn Anh đã phát triển thành 6 công ty thành viên, có văn phòng tại hai thành phố lớn ở Nhật là Tokyo, Nagoya và ba thành phố lớn tại Việt Nam gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Huế.

Bùi Thanh Tâm - đồng sáng lập chủ tiệm Bánh mỳ Xin Chào nổi tiếng ở Tokyocũng là một người trẻ thành đạt. Sinh ra và lớn lên ở vùng rốn lũ Đại Lộc, Quảng Nam trong gia đình có 7 anh chị em, hai anh em Bùi Thanh Duy (32 tuổi) và Bùi Thanh Tâm (27 tuổi) đã trải qua những ngày tháng học tập và làm việc vất vả ở nhật Bản suốt nhiều năm trước khi trở thành chủ tiệm bánh mỳ Xin chào.

Người anh - Bùi Thanh Duy tốt nghiệp khoa Kinh tế, ĐH Yokkaichi, sống ở Nhật đã hơn 10 năm, từng làm việc cho một công ty Nhật chuyên quản lý, thông dịch cho tu nghiệp sinh, thực tập sinh người Việt.

Còn cậu em Bùi Thanh Tâm đã sang đây 7 năm, học cùng khoa, cùng trường với anh trai. Học kinh tế, hai anh em luôn ấp ủ những ý tưởng kinh doanh mới mẻ, đột phá. Và việc mở tiệm bánh mỳ Việt được bắt đầu từ một lần Tâm lên Thủ đô Tokyo chơi. Khi đi qua một hàng bánh mỳ Kebap thấy khách hàng xếp dài, Tâm bỗng nảy ra ý định tại sao không mở một cửa hàng bánh mỳ mang thương hiệu của người Việt nhỉ? Ý tưởng đó càng được nhen nhóm bởi món bánh mỳ Việt Nam gần đây đang được cả thế giới biết đến như một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Hai anh em đã chọn quận Shinjuku (Tokyo) để lập nghiệp vì thành phố này có rất đông du học sinh và người Việt sinh sống. Để tạo ra hương vị bánh mỳ ngon nhất, Tâm đã phải vận dụng hết kinh nghiệm sau những năm đi làm tại các nhà hàng, quán ăn của người Việt ở Nhật. Riêng về vị bánh mỳ Hội An mà hai bạn lựa chọn vì nó có vị ngon đặc biệt, được nhiều khách quốc tế biết đến với thịt xá xíu, nước chan, pate thịt nấm, rau và tương ớt truyền thống…

Một điều đáng nói là mỗi năm có trên 80% số người khởi nghiệp ở Nhật Bản thất bại, nhất là trong lĩnh vực ẩm thực, thế nhưng sau một thời gian ngắn khởi nghiêp, hai anh em Tâm - Duy đã có những kế hoạch để tiếp tục phát triển thương hiệu bánh mỳ Xin chào trên xứ xở Mặt trời mọc. Họ cũng luôn mơ ước ngày nào đó sẽ mở chuỗi nhà hàng bánh mì made in Vietnam tại Việt Nam và nhượng quyền ra khắp thế giới.

Không chỉ có các chàng trai lập nghiệp thành công ở Nhật Bản, các cô gái trẻ, xinh đẹp cũng không kém phần. Mai Hoàng Giang là một người như thế. Đi du học tại trường Ritsumeikan Asia Pacific (APU) bằng học bổng toàn phần, nhờ sự thông minh, ham học hỏi, có tinh thần cầu tiến Giang đã trải qua nhiều vị trí quản lý cho các tập đoàn lớn như Uniqlo, Atago. Nhưng chưa bằng lòng với những gì mình có, Giang ấp ủ ước mơ tạo cho mình một sân chơi riêng, nơi đó cô có thể tự do sáng tạo và làm chủ những ước mơ của mình, nơi mà các bạn trẻ người Việt tại Nhật có thể đến giao lưu, trao đổi về công việc và phát triển sự nghiệp.

Thuận lợi trên nhiều lĩnh vực

Với làn sóng du học Nhật Bản hiện nay của sinh viên và trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cơ hội lập nghiệp của người Việt Nam tại Nhật Bản, trong đó có giới trí thức, chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét thay đổi quy định về định cư nhằm tạo thuận lợi cho những sinh viên nước ngoài tài năng ở lại làm việc hoặc khởi nghiệp kinh doanh. Theo đó, những sinh viên nước ngoài mong muốn ở lại Nhật Bản làm việc hoặc khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp có thể nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ nước này dưới hình thức các lựa chọn cư trú mở rộng.

Đây có lẽ là một tin vui cho các bạn du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản. Với vốn kiến thức đã được trau dồi cùng sự năng động, tháo vát và đức tính cần cù chịu khó, những người Việt trẻ chắc chắn sẽ tạo ra thêm những tên tuổi mới trong hành trình khởi nghiệp ở xứ xở Mặt trời mọc.

Tại Hội nghị VJSE lần thứ 11 do Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và các trường Đại học Nhật Bản vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới trí thức, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và có chính sách trong trọng dụng, sử dụng và thu hút sự tham gia của các nhà khoa học vào các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của đất nước.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy tin tưởng rằng, các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, những người được đào tạo và làm việc tại Nhật Bản- quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển hàng đầu thế giới, không chỉ là nguồn lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng, duy trì và thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản nói riêng và trong các lĩnh vực hợp tác khác của hai nước nói chung.

Nam Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-viet-xa-xu/nguoi-tre-thanh-danh-tren-dat-nhat-tintuc417831