Người trồng cam thiệt hại nặng nề do cam rụng hàng loạt

Những ngày gần đây, nhiều vườn cam của người dân huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) bị rụng ồ ạt, gây thiệt hại nặng nề. Ước tính đã có hơn 2.500 tấn cam cuối vụ tại các xã Phù Lưu, Tân Thành, Yên Lâm, Yên Thuận… của huyện Hàm Yên bị rụng, tổng thiệt hại lên tới hơn 15 tỷ đồng.

Vườn cam của gia đình ông Hà Văn Minh, thôn Khuổi Nọ, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên bị rụng hơn 50%.

Vườn cam của gia đình ông Hà Văn Minh, thôn Khuổi Nọ, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên bị rụng hơn 50%.

NDĐT - Những ngày gần đây, nhiều vườn cam của người dân huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) bị rụng ồ ạt, gây thiệt hại nặng nề. Ước tính đã có hơn 2.500 tấn cam cuối vụ tại các xã Phù Lưu, Tân Thành, Yên Lâm, Yên Thuận… của huyện Hàm Yên bị rụng, tổng thiệt hại lên tới hơn 15 tỷ đồng.

Vườn cam của ông Hà Văn Minh, thôn Khuổi Nọ, xã Phù Lưu có hơn 400 cây, vụ cam năm nay cho sản lượng đạt hơn 12 tấn quả. Nhưng chỉ trong vài ngày gần đây, hơn 50% số cam của gia đình ông đã bị rụng khiến gia đình ông vô cùng xót xa. Ông cho biết, gia đình ông đã trồng cam hơn 20 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên cam rụng nhiều như vậy. Để giảm bớt thiệt hại, gia đình đã huy động nhân công thu hoạch nốt số cam còn lại để bán, vớt vát chút vốn liếng để đầu tư cho vụ sau.

Thôn Khuổi Nọ, xã Phù Lưu có hơn 80 hộ trồng cam, diện tích khoảng 80 ha. Do các vườn cam ở khu vực đồi cao, giao thông chủ yếu là đường mòn nên việc vận chuyển, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Ông Lý Phúc Thái, Trưởng thôn Khuổi Nọ, xã Phù Lưu cho biết, nguồn thu của người dân trong thôn chủ yếu từ trồng cam sành. Nhưng năm nay, việc tiêu thụ cam gặp khó khăn nên lượng cam tồn trên cây vẫn còn nhiều. Những ngày qua, cam rụng mất khoảng 50% gây ảnh hưởng nặng nề về thu nhập cho người dân, trong đó nhiều hộ đã vay tiền của ngân hàng để đầu tư trồng cam.

Cam ở Hàm Yên tập trung chủ yếu tại 13 xã, trong đó các xã có diện tích cam lớn nhất là Phù Lưu, Tân Thành, Yên Lâm... Trong đó, xã Phù Lưu có diện tích cam lớn nhất huyện, với hơn 2.400 ha, sản lượng đạt hơn 30 nghìn tấn. Đến nay, xã đã thu được 90% diện tích. Do những ngày đầu năm trời mưa kéo dài, người dân không thu hoạch kịp nên 240 ha cam cuối vụ của xã đã đồng loạt bị rụng quả.

Ông Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên cho biết, trước hiện tượng cam rụng ồ ạt, xã đã xây dựng kế hoạch mời các chủ trang trại và hộ trồng lớn bàn giải pháp chăm sóc, thu hoạch, định hướng tiêu thụ cho những vụ sau để hạn chế tối đa những thiệt hại về thời tiết gây ảnh hưởng đến kinh tế của người dân.

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng cam rụng hàng loạt, ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết, cam sành thường chín tập trung vào tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Niên vụ 2019-2020, huyện Hàm Yên có gần 6.100 ha cam sành, trong đó 4.900 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 170 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt hơn 80 nghìn tấn quả. Cam sành đang bước vào thời điểm cuối vụ, toàn huyện hiện còn gần 11.200 tấn quả chưa thu hoạch. Để hạn chế những tổn thất do ảnh hưởng của thời tiết dẫn đến hiện tượng cam bị rụng, UBND huyện Hàm Yên đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hoạch cam cuối vụ đúng quy trình, tích cực tìm kiếm thêm các đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cam cuối vụ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại kinh tế cho người dân. Về lâu dài, huyện Hàm Yên chú trọng thực hiện quy hoạch đất đai, giống cây, quy trình sản xuất… đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ cam để nâng cao giá trị sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành cho biết, tỉnh Tuyên Quang có 8.690 ha cam, tập trung chủ yếu ở huyện Hàm Yên. Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, do ảnh hưởng của thời tiết và tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến cho thị trường tiêu thụ nông sản trong cả nước gặp nhiều khó khăn; nhiều hộ trồng cam của huyện Hàm Yên chưa thể thu hoạch dẫn đến lượng cam đã chín còn tồn tại các vườn khoảng hơn 11 nghìn tấn. Từ ngày 28-1 đến 11-2, do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi, tại các xã vùng trồng cam Hàm Yên liên tục có mưa và rét đậm kéo dài, độ ẩm cao, cộng với thời tiết thay đổi đột ngột làm cho cam rụng quả với số lượng lớn, nhiều hộ trồng cam bị thiệt hại nặng.

Để khắc phục thiệt hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đề nghị, UBND huyện Hàm Yên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tập trung: hướng dẫn nhân dân huy động nhân công thu gom cam rụng vào các hố tập trung, sử dụng vôi bột rắc phủ trên cam rụng và chôn lấp kín để hạn chế côn trùng, nấm bệnh phát sinh gây hại cho vụ tới. Tích cực tìm kiếm, giới thiệu thêm các đầu mối tiêu thụ cam; hướng dẫn, đôn đốc nhân dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, tiêu thụ cam cuối vụ, đồng thời không để ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển hoa, quả của vụ sau. Thực hiện cắt tỉa những cành còi cọc, cành bị sâu bệnh tạo cho vườn cam thông thoáng; chăm sóc, bón thúc phân sớm để đón cam ra đợt lộc xuân. Trong đó lưu ý phải bón cân đối các loại phân N, P, K với phân hữu cơ; lựa chọn các loại phân bón có bổ sung các chất vi lượng như: Bo, kẽm, đồng… để tăng sức chống chịu và tăng khả năng phân hóa mầm hoa của cây cam.Tổ chức kiểm tra chặt chẽ chất lượng nông sản hàng hóa lưu thông trên thị trường, không để cam kém chất lượng được cung ứng ra thị trường làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu Cam sành Hàm Yên. Đồng thời rà soát, thống kê diện tích, mức độ thiệt hại của các hộ trồng cam tổng hợp báo cáo, đề xuất cơ chế hỗ trợ gửi UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

HẢI CHUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/43308002-nguoi-trong-cam-thiet-hai-nang-ne-do-cam-rung-hang-loat.html