Người Trung Quốc học cưỡi ngựa để khẳng định đẳng cấp thượng lưu

Các câu lạc bộ cưỡi ngựa đang bùng nổ tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu theo đuổi môn thể thao quý tộc của giới thượng lưu nước này.

Giày da cưỡi ngựa được xếp ngay ngắn trên thảm, bức ảnh những con chó săn đói khát trong cuộc săn cáo được treo trên tường, đài phun nước tỏa ra từ miệng những con ngựa đá.

Khung cảnh này không phải ở khu thượng lưu của Anh mà thực tế là ở ngoại ô Thượng Hải, trong câu lạc bộ County Down, câu lạc bộ thành viên độc quyền đầu tiên ở Trung Quốc dành cho cưỡi ngựa và săn cáo.

Câu lạc bộ, lấy tên từ một quận ở Bắc Ireland, được thành lập ba năm trước. Chủ sở hữu Steven Sun nói rằng môn thể thao cưỡi ngựa "đã phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc trong vòng 5 đến 10 năm qua".

"Tôi nghĩ rằng đó là một sự thay đổi trong nhận thức", người đàn ông 32 tuổi nói. Sun bắt đầu yêu thích cưỡi ngựa khi đang học tập ở Anh.

Chuồng ngựa tại Bảo tàng Văn hóa Ngựa ở Giang Âm, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Chuồng ngựa tại Bảo tàng Văn hóa Ngựa ở Giang Âm, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Theo AFP, số lượng người Trung Quốc tham gia những môn thể thao như cưỡi ngựa đang gia tăng khi sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mang lại cho người dân nguồn thu nhập khả dụng để theo đuổi các hoạt động giải trí.

County Down có hàng chục con ngựa và Sun muốn câu lạc bộ này đi đầu trong việc thúc đẩy các môn thể thao cưỡi ngựa ở Trung Quốc. Câu lạc bộ có hồ bơi trong nhà, phòng tập thể dục và đàn piano không chỉ là nơi giải trí mà còn để giao lưu, kết bạn.

County Down có khoảng 80 thành viên với phí tham gia thường niên là 58.000 nhân dân tệ (8.400 USD). Tuy nhiên, trong tương lai, những người muốn gia nhập có thể không chỉ cần có ví tiền thật dày.

"Chúng tôi hy vọng các thành viên của chúng tôi có những phẩm chất và cách cư xử tốt hoặc là những người ưu tú có trình độ học vấn cao", Sun nói.

"Điều đó sẽ đảm bảo việc giao lưu giữa các thành viên có đẳng cấp tương đương. Một trong những lợi ích của câu lạc bộ là các thành viên có thể tận dụng để thúc đẩy lẫn nhau.

Sun nói rằng anh cũng tạo điều kiện để các thành viên giao lưu bên ngoài Trung Quốc. Anh từng đưa các thành viên đi săn cáo với giới quý tộc châu Âu. Anh cũng có bốn con ngựa đua ở Pháp.

Trải nghiệm mới

Gần đây, Zoe Quinn đã thành lập Wonder Horse, nơi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến ngựa tại Thượng Hải.

Quin cho biết ngành công nghiệp này đang "bùng nổ" vì hai lý do chính. "Các bậc cha mẹ Trung Quốc coi cưỡi ngựa là môn học dành cho tầng lớp ưu tú. Nó sẽ giúp con cái họ nổi bật hơn trong xã hội Trung Quốc cạnh tranh cao.

Đối với người lớn, việc tham gia môn thể thao cưỡi ngựa có thể giúp họ mở rộng sang các khía cạnh rộng lớn hơn như sở hữu, đầu tư, du lịch, giải trí và các hoạt động xã hội", Quin cho biết.

Một buổi biểu diễn tại "Thủy trân Pegasus", nơi khách du lịch tới chiêm ngưỡng các con ngựa thuần chủng, ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Quin từng là trưởng đại diện tại Trung Quốc cho LeCheval, tổ chức thúc đẩy ngành công nghiệp ngựa của Pháp. "Hơn cả một môn thể thao, đó là một trải nghiệm mới cho người Trung Quốc", Quin nói.

Theo báo cáo thường niên của tạp chí Horsemanship, đã có 1.802 câu lạc bộ cưỡi ngựa ở Trung Quốc tính đến tháng 7 năm nay, gấp đôi con số năm 2016. Theo tạp chí, phần lớn các câu lạc bộ tập trung ở miền Bắc và miền Đông Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh và Thượng Hải.

Với việc chính phủ Trung Quốc tuyên bố vào năm 2014 rằng các môn thể thao cưỡi ngựa sẽ được "ủng hộ mạnh mẽ", xu hướng này dường như sẽ còn tiếp tục.

Nhận thức được điều này, hồi tháng 1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Trung Quốc mang theo món quà là con kỵ mã của lực lượng Cận vệ Pháp cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, Horsemanship cũng nhấn mạnh Trung Quốc còn thiếu đội ngũ chuyên gia, giảng viên và bác sĩ thú y phục vụ môn thể thao này.

"Napoleon trên lưng ngựa"

Cách Thượng Hải hai giờ lái xe là "Thủy trấn Pegasus" với các khách sạn, phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm mua sắm với những chiếc thuyền gondola kiểu Venice đều mang chủ đề ngựa. Ở đây còn có một câu lạc bộ cưỡi ngựa và "Bảo tàng Văn hóa Ngựa".

Thị trấn có hơn 400 con ngựa của hàng chục giống ngựa nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Các du khách xếp hàng dài để tham gia các chuyến đi bằng xe ngựa tại khu nghỉ mát ở Giang Tô, phía tây thành phố Thượng Hải.

Mỗi tuần một lần, những con ngựa thuần chủng sẽ diễu hành và biểu diễn trước đám đông trong một đấu trường sang trọng được thiết kế theo "phong cách Đế quốc Áo-Hung".

Bức chân dung khổng lồ của Napoleon trên lưng ngựa được treo phía trên khán đài. Trong một tiết mục, các cô gái ngồi trên xe ngựa trắng, mặc áo choàng trắng và đội vương miện lấp lánh trông giống như khung cảnh trong đám cưới hoàng gia Anh.

Ngày càng nhiều người Trung Quốc quan tâm tới cưỡi ngựa và các sự kiện về ngựa. Ảnh: AFP.

Tất cả khác xa so với 40 năm trước, khi đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc đưa ra những cải cách trên phạm vi rộng giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.

"Bốn mươi năm trước, Trung Quốc rất nghèo, không có khả năng tổ chức một môn thể thao cao cấp như vậy", Shen Houfeng, tổng giám đốc Câu lạc bộ đua ngựa quốc tế Heilan, một trong những địa điểm đặc sắc của khu nghỉ dưỡng, cho biết.

"40 năm sau khi cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã chứng kiến những thay đổi lớn. Từ một đất nước mà mọi người không chú ý đến, nó đã trở thành vùng đất mà mọi người đều quan tâm", Houfeng nói.

Tuyết Mai (theo AFP)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-trung-quoc-hoc-cuoi-ngua-de-khang-dinh-dang-cap-thuong-luu-post904715.html