Người Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sách nói

Trong một báo cáo mới đây của Viện Chính sách TopKlout của Trung Quốc, nền tảng chia sẻ sách nói (audiobook) Ximalaya FM của nước này đã thu hút 470 triệu người đăng ký sau 6 năm hoạt động. Con số ấn tượng trên cho thấy các phương pháp đọc sách mới đang 'thổi hồn' vào văn hóa đọc tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trên ứng dụng của Ximalaya FM, người dùng có thể dễ dàng tải về những bộ tiểu thuyết từ cổ điển đến hiện đại như tuyển tập Harry Potter hoặc “Sổ tay niên giám của Charlie nghèo khó”… Thông qua sách nói, nhiều tác phẩm nổi tiếng trong văn học Trung Quốc được chú ý nhiều hơn, thậm chí trở thành những nội dung được đón nhận nồng nhiệt nhất với hàng chục triệu lượt nghe và chia sẻ.

Bên trong một quầy giới thiệu sách nói của ứng dụng Ximalaya FM. Ảnh: china.org.cn.

Theo ông Shen Dayuan, Phó giám đốc điều hành CITIC United Cloud Technology-Công ty Quản lý nội dung trực tuyến chịu trách nhiệm về ứng dụng Ximalaya FM, sách nói đang ngày càng trở nên hấp dẫn thính giả do kết hợp cốt truyện với âm thanh. Đặc biệt, người kể chuyện truyền cảm khiến sách nói “như trở thành một môn nghệ thuật khác”. Ông Shen Dayuan cho biết, công ty đã mời Luo Xin, một MC nổi tiếng tại Thượng Hải ghi âm lại cuốn “Sapiens: Lược sử loài người”, một trong những cuốn sách bán chạy nhất. Ngay lập tức, bản sách nói cũng trở thành nội dung được nghe nhiều nhất trên Ximalaya FM.

Nghiên cứu của tổ chức iiMedia cho thấy, giá trị của thị trường sách nói tại Trung Quốc đã gia tăng từ 2,37 tỷ nhân dân tệ (NDT) năm 2016 lên 3,24 tỷ NDT năm 2017. Ước tính, đến năm 2020, thị trường mới mẻ này sẽ thu về 7,83 tỷ NDT. Trong khi đó, số người đọc sách cũng tăng mạnh, từ 93 triệu người năm 2016 lên 190 triệu người năm 2017 và dự kiến đến cuối năm 2018, khoảng 296 triệu người dân Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng thường xuyên của thị trường sách nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, sách nói là phương thức đọc sách tiện lợi nhất trước nhịp độ ngày càng nhanh của cuộc sống hiện đại, đòi hỏi con người phải tiết kiệm và tranh thủ thời gian. Sự phát triển của thị trường này dự kiến sẽ đánh dấu một thay đổi lớn trong thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc.

ĐĂNG SƠN (theo Tân Hoa xã)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nguoi-trung-quoc-ngay-cang-ua-chuong-sach-noi-546203