Người Trung Quốc tranh cãi vì tên ga tàu tiếng Anh ở Bắc Kinh

Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã gây tranh cãi khi liên tục thay đổi cách viết tên ga tàu điện ngầm giữa bính âm tiếng Trung và phiên bản tiếng Anh.

 Tên ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, cả bính âm tiếng Trung và phiên bản tiếng Anh. Ảnh: Twitter/Jeff Li.

Tên ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, cả bính âm tiếng Trung và phiên bản tiếng Anh. Ảnh: Twitter/Jeff Li.

Một nhà ga thuộc hệ thống đường sắt Trung Quốc có nên được viết rõ là "station" trên bản đồ tàu điện ngầm bằng tiếng Anh hay không, hay nên là “zhan” theo cách gọi của người dân địa phương.

South China Morning Post nhận định đây là vấn đề liên quan đến dịch thuật, song đã thu hút sự chú ý của người dân địa phương. Nhiều người lập luận rằng việc sử dụng từ “station” là do bản đồ này được thiết kế cho những người không thể đọc tiếng Trung Quốc.

Do vậy, việc sử dụng bính âm là không có ích gì do đây là một hệ thống đánh vần tên và từ tiếng Trung bằng bảng chữ cái Latinh dựa trên cách phát âm của chúng.

Trong khi đó, liên quan đến việc sử dụng từ “zhan”, cách lập luận đơn giản là việc người nước ngoài ở Trung Quốc phải biết cách phát âm tên của một địa điểm để dễ hỏi đường hơn.

Cuối tháng 4, hệ thống ga tàu điện ngầm đã tạo nên làn sóng tranh luận trên mạng xã hội, khi người dùng phát hiện các từ "zhan" theo bính âm tiếng Trung trên biển báo đã được đổi thành "station".

Hồi tháng 1/2022, giới chức Bắc Kinh đã thay thế một số từ tiếng Anh trên tàu điện ngầm của thủ đô bằng tiếng Trung Quốc trước thềm Thế vận hội mùa đông. Theo đó, từ “station” đã được thay thế bằng “zhan”, Independent đưa tin.

Zhou Xin, biên tập viên tờ South China Morning Post, nhận định cuộc tranh luận về tên các nhà ga thuộc hệ thống đường sắt thể hiện nỗ lực xác định vị thế của Trung Quốc trên thế giới.

Liệu Trung Quốc có nên thay đổi các thông lệ của mình để tuân theo chuẩn mực quốc tế, hay nước này nên đặt ra các quy tắc riêng để các nước khác tuân thủ, ông Xin đặt câu hỏi.

Ngày nay, Trung Quốc không còn cố gắng tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài và nhìn chung đã trở nên tự tin hơn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc riêng.

Du khách nước ngoài phải tự tìm cách đặt vé tàu, thanh toán không dùng tiền mặt và đọc bản đồ tàu điện ngầm - giống bất kỳ khách du lịch nào khác ở nước ngoài.

Tuy nhiên, một số người cho rằng cũng nên có một số thỏa hiệp nhất định để du khách cảm thấy được chào đón.

Nếu việc người nước ngoài di chuyển khắp đất nước trở nên quá rắc rối vì biển hiệu toàn chữ tiếng Trung hoặc bính âm, nước này chắc chắn sẽ mất nhiều du khách, cũng như nguồn doanh thu họ mang lại.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-trung-quoc-tranh-cai-vi-ten-ga-tau-tieng-anh-o-bac-kinh-post1427488.html