Người 'truyền lửa' trên đỉnh A Mú Sung

A Mú Sung, Trịnh Tường, Nậm Chạc là các xã biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát (Lào Cai). Vậy mà trong suốt 15 năm qua, có một sĩ quan đã bền bỉ gắn bó với nơi đây để tuyên truyền, vận động nhân dân định canh, định cư, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

 Trung tá Phạm Lê An hướng dẫn bà con bản Pho, xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) nuôi ong lấy mật.

Trung tá Phạm Lê An hướng dẫn bà con bản Pho, xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) nuôi ong lấy mật.

Anh được ví như người “truyền lửa” cho bà con các dân tộc trên vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc. Đó là Trung tá Phạm Lê An, Đội trưởng Đội xây dựng cơ sở chính trị số 2, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 345, Quân khu 2.

“Có duyên” công tác ở vùng cao

Xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là nơi Phạm Lê An sinh ra, khôn lớn và trưởng thành. Tháng 8-1985, mặc dù tình hình biên giới phía Bắc lúc bấy giờ đang có chiến sự, nhưng sau khi tốt nghiệp cấp 3, Phạm Lê An vẫn quyết định nộp hồ sơ thi và đỗ vào Trường Sĩ quan Pháo binh. Trong gia đình và bạn bè cũng có người không ủng hộ, vì với lực học của An có thể thi đỗ vào nhiều trường đại học khác, nhưng anh vẫn quyết tâm chọn cho mình con đường binh nghiệp. Tháng 9-1988, ra trường, Phạm Lê An được điều động về công tác tại Trung đoàn 450, Quân đoàn 29, đóng trên địa bàn huyện Mường Khương (Lào Cai). Đến tháng 3-2004, anh được điều chuyển đến Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, đóng quân trên địa bàn huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Đến tháng 3-2005, khi thành lập Đoàn KT-QP 345, Phạm Lê An được cấp trên lựa chọn, điều động về nhận nhiệm vụ kể từ đó cho đến nay.

Là một người sống ở vùng đồng bằng, vào quân ngũ chủ yếu đóng quân ở vùng núi cao nên bao thói quen, nếp sống, anh phải học tập để hòa nhập với cộng đồng dân cư bản địa, nhất là từ khi về nhận công tác tại Đoàn KT-QP 345. Với đặc điểm của một đơn vị vừa củng cố thế trận quốc phòng, vừa thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực biên giới gồm các xã: Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù, Y Tý, Ngải Thầu của huyện Bát Xát, đồng bào chủ yếu thuộc các dân tộc thiểu số, như: Mông, Dáy, Hà Nhì, Dao… nên để hiểu được những nét văn hóa, truyền thống, tập tục, tiếng nói của các dân tộc là vấn đề khá nan giải, nếu không thực sự tâm huyết thì khó thực hiện được. Trung tá Phạm Lê An đã tự nghiên cứu, học tiếng dân tộc để giao tiếp với bà con được thuận lợi. Anh còn tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do huyện, tỉnh tổ chức, nghiên cứu tài liệu để bổ sung kiến thức về nông nghiệp. Thời kỳ anh An mới đến xã A Mú Sung, nơi đây được coi là địa bàn “4 không” (không nước sạch, không sóng điện thoại, không điện lưới, không có đường ô tô). Trong khi đó, nhà ở của đơn vị lúc bấy giờ chỉ lợp mái phi brô xi măng, tường ngăn bằng cót ép; thời tiết khu vực này rất khắc nghiệt, có giai đoạn 6-7 tháng không có mưa. Điều kiện sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng vượt lên trên tất cả những khó khăn, trở ngại, Trung tá Phạm Lê An thường xuyên gần dân, bám bản, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; không di cư tự do, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; không nuôi nhốt trâu, bò ở cùng nhà với người, giúp bà con phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ấm no nơi phên giậu của Tổ quốc. Anh đã biết đến từng thôn, bản, thuộc từng đường mòn lối mở trên địa bàn.

Hạnh phúc khi nhìn thấy cuộc sống dân bản ngày càng no ấm

Đến bản Dơ, bản Pho, bản Tung Qua thuộc xã A Mú Sung, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những vạt chuối xanh tươi, trải dài nơi đầu nguồn sông Hồng chảy vào đất Việt. Chính nhờ sự vận động, hướng dẫn của Đoàn KT-QP 345 và Đội xây dựng cơ sở chính trị số 2, cũng như cá nhân Trung tá Phạm Lê An, cây chuối đã góp phần mang lại cuộc sống no ấm cho nhiều bà con các dân tộc nơi đây.

Gia đình ông Phàn Láo Sang, nhà ở bản Tung Qua những năm trước từng bị thiếu đói, đứt bữa. Bản thân ông Sang là chủ hộ mà tối ngày chỉ chìm trong cơn say, ruộng nương gần như bị bỏ hoang. Trong nhà ông không có một con gà, con ngan. Nghe anh An trực tiếp động viên, khuyên nhủ, dần dần ông Sang đã bỏ rượu và được hướng dẫn làm thủ tục vay ngân hàng 20 triệu đồng để lấy vốn đầu tư sản xuất. Cán bộ ngân hàng đến nhà ông Sang thẩm định, ngoài việc gặp cán bộ địa phương còn tìm gặp anh An để đi đến quyết định có cho ông vay vốn hay không. Nhận được sự ủng hộ của anh An, ít ngày sau, gia đình ông Sang đã vay được tiền vốn làm ăn. Việc đầu tiên là anh hướng dẫn gia đình tìm mua 3 chú bê và 2 chú dê con để chăn thả. Số vốn còn lại mua một ít ngan, gà giống và gieo ngô, chuối để trồng cả vào vạt đất trống mà gia đình ông đã bỏ hoang nhiều năm qua. Khi cả nhà ông Sang bắt tay vào làm ăn, mọi thứ dần tiến triển. Sau 5 năm, gia đình ông đã có của ăn của để, trả hết nợ ngân hàng và xây được căn nhà kiên cố, rộng hơn 100m2.

Ông Tẩn Phù Chiểu, nhà ở bản Pho cũng vậy. Từ khi được Trung tá Phạm Lê An giúp đỡ, hướng dẫn cách phát triển kinh tế gia đình, ông rất tích cực tìm tòi, học hỏi. Anh An đã một vài lần chở xe máy đưa ông đến một số hộ làm kinh tế trang trại và nuôi ong lấy mật có tiếng trên địa bàn huyện Bát Xát. Đến các hộ làm kinh tế trang trại, nuôi ong, gà lợn đầy vườn, ông Chiểu mới “vỡ lẽ” ra nhiều điều. Về nhà, ông bàn với gia đình đầu tư chăn nuôi lợn lửng, gà thả vườn và nuôi ong. Được anh An giúp đỡ nửa tháng lương, cùng với vay vốn ngân hàng, ông Chiểu đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Chỉ sau 3 năm, kinh tế gia đình ông thay đổi hẳn, trả hết nợ và còn có của ăn của để, con ông được học hành, chăm sóc đầy đủ hơn. Ông Tẩn Phù Chiểu chia sẻ: “Được bộ đội An nhiệt tình hướng dẫn cách làm ăn, gia đình làm theo và đã có kết quả tốt. Bên cạnh đó, anh An còn vận động nhiều cặp vợ chồng thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, sinh ít con. Không riêng gì nhà tôi mà cả bản này, ai cũng biết ơn bộ đội An nhiều lắm. Mọi người coi bộ đội An như là người của bản, như người thân trong nhà mình”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung cho biết: "Trung tá Phạm Lê An đã đóng quân ở đây từ lâu rồi. Anh ấy sống rất tình cảm, chân thành, giúp đỡ nhiều cho bà con dân bản có cuộc sống ấm no. Chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao những đóng góp của anh An trong công tác dân vận, góp phần củng cố thế trận lòng dân, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Cuộc sống của bà con đổi thay là có sự đóng góp quan trọng của Đội xây dựng cơ sở chính trị số 2 và Trung tá Phạm Lê An”.

Nói về những đóng góp thầm lặng của Trung tá Phạm Lê An, Đại tá Trần Đình Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 345 cho hay: “Tuy công tác trên địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn, nhưng nhiều năm qua, anh An luôn bền bỉ, kiên trì, gắn bó thân thiết với bà con các dân tộc nơi đây. Anh An là một cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với đơn vị, trách nhiệm với bà con dân bản. Anh là tấm gương sáng về tinh thần “Vì nhân dân phục vụ” để cán bộ, chiến sĩ đơn vị học tập, noi theo”.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/nguoi-truyen-lua-tren-dinh-a-mu-sung-571046