Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu

Danh ca Bạch Yến là một trong những người có sức ảnh hưởng sâu sắc trong giới văn nghệ Sài Gòn vào thập niên 60. Bà sớm nổi danh trong nước và bất ngờ trở thành một giọng hát mang tầm quốc tế với tài năng biểu diễn thiên phú.

Giọng hát Mezzo Soprano nữ trung (pha trầm) giầu kịch tính của Bạch Yến đậm dấu ấn phong cách Slow Rock có thể hát xuyên dàn nhạc. Giọng hát ấy luôn luôn thành công khi trình bày những giai điệu chan chứa nỗi thất vọng và cô đơn.

Mối tình son trẻ và những "Đêm đông"

Cuộc đời danh ca Bạch Yến (Quạch Thị Bạch Yến - sinh năm 1942 tại Sóc Trăng) đầy trầm luân từ khi còn nhỏ. Gia đình ly tán, Bạch Yến rời quê theo mẹ lên sinh sống ăn học tại Cần Thơ. Dường như sống trong cảnh cô đơn, thiếu tình thương của người cha, cô bé Yến ngày đó dựa vào âm nhạc để an ủi tâm hồn. Bé Yến theo học ca đoàn nhà thờ và đã bao đêm tủi buồn trong bản thánh ca vang vọng. Nhưng cuộc sống nghèo khổ cơ cực nơi miền Tây sông nước làm mấy mẹ con Bạch Yến bị xô đẩy tha hương. Bạch Yến lại cùng chị em theo mẹ lên Sài Gòn mưu sinh. Bạch Yến chỉ biết tìm đến ca hát làm nguồn vui. Âm nhạc thánh ca vẫn là nơi để Bạch Yến gửi gắm mộng ước tuổi xanh.

Bạch Yến với đĩa hát tiếng Pháp.

Bạch Yến với đĩa hát tiếng Pháp.

Không ngờ giọng hát dày ấm dễ thương của bé Yến đã được thầy giáo - nhạc sĩ Lê Thương biết tới. Ông đã khuyên học trò đi dự cuộc thi hát thiếu nhi do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức (1953). Không những Bạch Yến được giải nhất mà còn được đài ký hợp đồng hát cho chương trình trẻ em hàng tuần. Vậy là mới 11 tuổi Bạch Yến đã kiếm được tiền mang về cho mẹ. Và ngờ đâu cô bé Yến ngày đó đã được chàng trai Lâm Đình Phùng (tên khai sinh của nhạc sĩ Lam Phương) thầm yêu trộm nhớ. Khi đó Lam Phương mới 15 tuổi và cũng đã theo học sáng tác ca khúc. Ban ca đoàn thiếu nhi là nơi gặp gỡ hàng tuần của đôi bạn trẻ.

Nhưng rồi chỉ được hai năm ban ca đoàn thiếu nhi giải tán. Bạch Yến lần mò đến vũ trường và các quán cà phê xin hát. Ở tuổi 15, Bạch Yến lớn lên xinh đẹp với gương mặt đầy cá tính và tự tin tạo nên một ánh sáng khác lạ dưới ánh đèn. Sở hữu giọng hát tràn đầy năng lượng, Bạch Yến nhanh chóng chinh phục những ông chủ sàn diễn khó tính nhất. Đặc biệt vốn liếng học tiếng Pháp của Bạch Yến được phát huy thật sự lộng lẫy trên sân khấu trình diễn những ca khúc quốc tế.

Và một giấc mơ đã đến trong đêm chuẩn bị ra mắt ca khúc "Đêm đông" tại sàn khiêu vũ. Hình ảnh cô lữ trong bài hát của Nguyễn Văn Thương ám ảnh tâm trí của Bạch Yến. Trằn trọc với số phận "đêm đông ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng" đã vận vào mối tình không tới của Bạch Yến với Lam Phương. Nhịp điệu valse của ca khúc phải chăng thấy lạc lõng với "Thời gian như ngừng trong tê tái" của trái tim cô đơn. Trong cơn mê, Bạch Yến đã cất tiếng hát theo điệu chậm rãi bày tỏ biểu cảm nỗi buồn tê tái: "Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha hương. Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà".

Lúc này hình ảnh ngôi nhà của gia đình Bạch Yến trong xóm lao động năm xưa bị cháy hiện lên. Những đêm lang thang vô định vẫn còn đọng lại trong tâm sự đắng cay của cô ca sĩ nghèo. Hôm sau Bạch Yến yêu cầu ban nhạc thay đổi cách chơi nhạc theo ý mình. Đó là chuyển sang điệu thức Slow Rock cho phù hợp với bài "Đêm đông". Đúng là sự khác biệt đã đem lại thành công bất ngờ cho Bạch Yến trong buổi trình diễn đầu tiên. Khán giả đã vụt đứng dậy vỗ tay tán thưởng khi cảm xúc của nghệ sĩ tuôn chảy đến giây phút ánh sáng tắt dần. Cái tên Bạch Yến từ đó thực sự vang dội như một ngôi sao ca nhạc mới ở tuổi 15 (1957). Sau này tất cả những chương trình ca nhạc, khán giả luôn yêu cầu Bạch Yến trình diễn "Đêm đông". Đó là một bước ngoặt có tính quyết định sự nghiệp âm nhạc của Bạch Yến.

"Tình bơ vơ" trong nỗi "Thu sầu"

Sự bừng sáng đột biến đã tạo dựng chân dung nghệ sĩ Bạch Yến như một định mệnh. Cuộc tình dở dang càng làm cho cô nàng luôn cảm thấy xốn xang. Giọng hát trầm ấm của Bạch Yến ẩn chứa cõi lòng hoang hoải xót đắng. Cô tập trung và ca hát và gắn bó tên tuổi với những bản ballad tình yêu. Nhất là khi nhạc sĩ Lam Phương đã dứt tình đi lấy vợ.

Vợ chồng Bạch Yến-Trần Quang Hải sát cánh hơn 40 năm biểu diễn âm nhạc cổ truyền.

Ngay sau đó ít lâu Bạch Yến thu xếp một chuyến đi tu nghiệp ở Pháp. Cô vừa học thêm kỹ thuật thanh nhạc vừa biểu diễn ở một số trung tâm tại Paris (1961). Đây là chuyến viễn du thoát xác ngoạn mục với giọng hát làm say mê lòng người. Nhưng ai dè chuyến đi này đã làm tê dại tâm hồn nhạc sĩ Lam Phương. Đó là một sự chia xa không đoạn kết. Bạch Yến là một khối tình say đắm và mơ mộng nhất trong cuộc đời Lam Phương. Nhạc sĩ đã sáng tác những bản tình ca cho riêng ca sĩ xinh đẹp đầy cá tính này. Đầu tiên là "Tình bơ vơ" với cảm xúc buồn bã nhớ thương: "Càng nhìn em, yêu em hơn và yêu em mãi/ Dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào dĩ vãng…". Tiếp sau đó là tình khúc "Chờ người" với lời lẽ ám ảnh: "Tình anh lạc chốn mê rồi. Nhớ chăng người cũng đi rồi. Ngày vui mang theo một cơn gió lốc. Lệ thắm không rơi cứ tuôn. Ai còn nhớ đâu mà thương". Còn nữa nào là "Thu sầu", "Phút cuối", "Tình chết theo mùa đông".

Nhưng có lẽ chuyến xa xứ thứ hai vào năm 1965 của Bạch Yến coi như chấm dứt mọi sự ràng buộc và tạo sự bứt phá mới. Sau hai năm tu nghiệp ở Pháp về, Bạch Yến đã được một hãng truyền hình ở Mỹ mời biểu diễn. Đó chính là chương trình ca nhạc nổi tiếng Ed Sullivan Show mà ít người dám mơ ước được tham gia. Với tài năng độc đáo khi hát nhạc ngoại quốc, Bạch Yến gây được tiếng vang ở nước ngoài với những nhạc phẩm Rock-n-Roll, Mambo và khúc điệu Slow Rock. Chị là người đầu tiên hát trên sàn diễn truyền hình hấp dẫn nhất hành tinh khi đó. Ca khúc "Đêm đông" tiếp tục xuất hiện cùng với những tác phẩm quốc tế nổi tiếng như "If I Have A Hammer", "La Vie En Rose", "I Dreamed A Dream"… Liên tiếp là những chuyến đi quay dã ngoại và biểu diễn ngày đêm. Bạch Yến đã được chọn hát cùng với những ca sĩ gạo cội nổi tiếng nhất ở Mỹ. Đó là những cái tên huyền thoại trên sân khấu ca nhạc như Bob Hope, Bing Crosby, Frankie Avalon, Jimmy Durante… Bạch Yến đã biểu diễn cùng họ khắp 46 tiểu bang Hoa Kỳ cùng các hợp đồng đắt giá.

Điều kỳ thú nhất là Bạch Yến thường xuất hiện với trang phục áo dài mỗi khi biểu diễn ca khúc Việt Nam. Ngoài bài "Đêm đông", Bạch Yến hay hát những ca khúc của Lam Phương. Sau này còn có thêm những bài Bạch Yến được nhạc sĩ Lam Phương viết tặng riêng như: "Trăm nhớ ngàn thương", "Kiếp tha hương", "Cho em quên tuổi ngọc". Quả đúng là Bạch Yến đã quên tuổi ngọc và dấn thương không biết mệt mỏi cho sự nghiệp ca hát. Cô hát để quên đi những mối tình vây quanh cùng với những khát vọng hạnh phúc vô thường. Nghệ sĩ vẫn cô đơn với những "Đêm đông" triền miên trong giá băng tuyết lạnh. Thời gian qua mau, Bạch Yến đã sang tuổi 36 nhưng vẫn cháy hết mình với những đam mê âm nhạc.

40 năm với "Tân hôn dạ khúc"

Ca sĩ Bạch Yến ngỡ như bỏ quên đời trong nỗi cô đơn bất tận. Nhưng cái gì đến sẽ đến cũng đột biến như cuộc đời du tử trong âm nhạc. Bạch Yến đã gặp người tình của mình đúng như định mệnh vậy. Đột ngột và kỳ ảo khi có người sáp tới hôn lên má Bạch Yến. Ngẩng đầu lên cô mới hay đó là nhạc sĩ, giáo sư Trần Quang Hải (con trai giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê). Họ mỉm cười và quấn quýt ngỡ như đã nợ duyên nhau từ kiếp trước. Và đám cưới chỉ một tháng sau đã tiến hành. Hai người sống hạnh phúc cùng con gái riêng của Trần Quang Hải. Nhưng điều kỳ lạ hơn đó là Bạch Yến đã nghe lời chồng từ bỏ đất Mỹ trở về Paris để dựng nghiệp hát dân ca. Lại bắt đầu một cuộc viễn du mới trong sự nghiệp ca hát của Bạch Yến. Đâu mấy ai ngờ hành trình này kéo dài tới hơn 40 năm.

Hai vợ chồng Bạch Yến đã đi biểu diễn khắp thế giới với những bản hát ru và dân ca khắp ba miền đất nước. Họ đã cho ra đời 10 CD về âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt trong số album đó có một CD đã đoạt giải thưởng lớn: "Grand Prix Du Disque de L'Acad é mie Charles Cros" (Do Hàn Lâm Viện đĩa hát Charles Cros trao tặng-1983). Cuộc viễn du qua 70 quốc gia của hai người đã ngưng lại sau khi nhạc sĩ Trần Quang Hải đột ngột qua đời (2021). Nhưng vẫn còn đó những lời ca hạnh phúc trong bài "Tân hôn dạ khúc" do nhạc sĩ Trần Quang Hải viết tặng vợ trong ngày cưới. Giọng hát Bạch Yến luôn nồng nàn trong lời ru thuở nào về một cuộc tình ngỡ như cổ tích thơ mộng nhất cuộc đời.

Vương Tâm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nguoi-tu-ngan-dam-ve-mang-noi-sau-i672040/