Người tung tin đồn thất thiệt có thể bị phạt tù 7 năm

Xung quanh vụ án nữ sinh bị sát hại dã man ở Điện Biên, trên mạng xã hội có rất nhiều đồn đoán sai sự thật làm người thân của nạn nhân và cả dư luận bức xúc, hoang mang. Theo các luật sư, đây là biểu hiện của hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù.

Chân dung 5 nghi phạm của vụ nữ sinh bị sát hại khi đi giao gà vào chiều 30 Tết

Chân dung 5 nghi phạm của vụ nữ sinh bị sát hại khi đi giao gà vào chiều 30 Tết

“Ma trận” tin đồn

Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can về các tội: Giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, tàng trữ trái phép chất ma túy và bắt giữ người trái pháp luật. Các đối tượng gồm: Vương Văn Hùng, Bùi Văn Công, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng và Lường Văn Lả cùng trú tỉnh Điện Biên. Thế nhưng, chính những thông tin không chính thức từ những “trinh sát” trên mạng xã hội mới chính là lưỡi dao xoáy sâu vào tâm can gia đình, người thân cô gái xấu số và gây hoang mang dư luận.

Đầu tiên là việc nhiều người tung tin trên MXH nói mẹ của nạn nhân Cao Thị M.D là chị Trần Thị H. thích khoe của trên Facebook nên các đối tượng lập mưu bắt cóc nạn nhân để đòi tiền chuộc. Khi bà H từ chối, các đối tượng đã ra tay sát hại con gái. Hay thậm chí cả tin đồn chính người mẹ đã thuê người giết con... Điều này theo Công an tỉnh Điện Biên là hoàn toàn sai sự thật.

Ngay cả khi cơ quan điều tra đã bắt giữ Vương Văn Hùng, một số tài khoản Facebook vẫn tung tin nghi phạm có quan hệ thân thiết với gia đình nạn nhân. Tin đồn miêu tả Hùng từng đi tù thay người thân của Cao Thị M. D. Khi ra tù, Hùng không đòi tiền thiệt hại nên bắt cóc nạn nhân để đòi tiền chuộc.

Ngoài ra, mạng xã hội còn xuất hiện thông tin thất thiệt nói rằng gia đình nạn nhân xích mích. Kẻ xuyên tạc đặt ra nghi vấn vì sao bố nạn nhân chưa bao giờ được nhắc đến trong những ngày vụ án được điều tra. Tuy nhiên, công an sở tại xác nhận bố nạn nhân là người chân chất, hiền lành. Ngoài làm long nhãn, người đàn ông này còn chăn nuôi lợn, gà. Ông sống kín đáo, không sử dụng mạng xã hội.

Chưa hết, facebook rộ lên thông tin Vương Văn Hùng là con và cháu của hai cán bộ Công an cao cấp Công an tỉnh Lai Châu đã nghỉ hưu. Báo Lao động dẫn lời Công an tỉnh Điện Biên khẳng định, thông tin này là sai sự thật.

Đỉnh điểm, khi vụ án còn trong quá trình điều tra, bỗng dưng trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một người đàn ông với thông tin là hung thủ giết người. Anh Phạm Thanh S. (nhân viên một công ty điện lực quốc doanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên) bức xúc cho biết cuộc sống của anh đã bị đảo lộn hoàn toàn khi bỗng dưng bị đăng tải hình ảnh cùng thông tin nói rằng anh chính là 1 trong 5 hung thủ của vụ án nói trên.

Tội phạm mới của thời hiện đại

Lý giải với báo Tiền Phong về hiện tượng tin đồn bủa vây quanh vụ án nữ sinh Điện Biên bị sát hại, chuyên gia truyền thông Vũ Trung Hiệp (Co-Founder & CEO Công ty CP Truyền thông LinkStar) cho rằng: “Xét cho cùng, tin đồn cũng là một dạng giao tiếp/truyền thông xã hội loại đặc biệt, không chính thức. Khi một tình huống có vấn đề, thu hút sự quan tâm của công chúng nhưng lại thiếu vắng thông tin lý giải đã được kiểm chứng, chính thức và thuyết phục thì cách lý giải chưa được kiểm chứng, không chính thức và có phần “bán tín, bán nghi” sẽ là cơ sở để xuất hiện tin đồn. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, tốc độ lan truyền của tin đồn luôn tỷ lệ thuận với tầm quan trọng, tính nghiêm trọng và sự mập mờ của nó. Có vẻ như “cướp, giết, hiếp” ở ta là một “món” thông tin khá được “ưa chuộng” để tung tin đồn”.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng: “Nếu là “một người bán gà bị sát hại”, thì chắc cũng sẽ như nhiều vụ án khác. Nhưng chính nickname “thiếu nữ giao gà” đã khiến công chúng, dư luận tò mò và luôn theo dõi sát diễn biến vụ án”. Lợi dụng điều này, nhiều người đã tung tin đồn để câu like, câu view.

“Đối tượng tung tin đồn trên mạng xã hội phần lớn là những người trẻ thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kinh nghiệm sống, muốn câu view, câu like để được nổi tiếng, được quan tâm hoặc để bán hàng qua mạng. Tuy nhiên cũng không loại trừ việc một số kẻ cố tình tung tin nhằm hạ uy tín của tổ chức và cá nhân nhằm thỏa mãn mục đích của mình. Khi thông tin lan truyền, nhiều người tưởng thật, lại tiếp tục chia sẻ. Cứ như thế, thật giả lẫn lộn”- Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy phân tích.

Mạng xã hội giúp con người xóa đi khoảng cách về địa lý, tự do chia sẻ thông tin, suy nghĩ cảm xúc của mình… nhưng đây cũng là môi trường thuận lợi để kẻ xấu thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có việc tung tin bịa đặt, bôi nhọ, vu khống danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức. Do có số lượng lớn người tham gia, theo dõi nên ảnh hưởng của thông tin trên mạng xã hội Facebook là rất lớn. Những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là tin bịa đặt, sai sự thật... khi được lan truyền và phát tán trên mạng xã hội không chỉ gây tâm lý hoang mang, hoài nghi cho người đọc mà còn gây thiệt hại cả về uy tín và vật chất cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến thông tin thất thiệt. Nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, “chờ được vạ thì má đã sưng”, chờ được minh oan thì nạn nhân đã chịu “búa rìu” dư luận khá nhiều và nó cũng gây ra những hệ lụy khôn lường.

Chuyên gia truyền thông Vũ Trung Hiệp: “Tin đồn ở mức độ lớn sẽ gây nhiễu loạn các nguồn tin chính thống”

Một người đàn ông gần nhà nạn nhân Cao Thị M. D. bỗng dưng bị tung tin đồn là hung thủ

“Ở góc độ truyền thông, tin đồn ở mức độ lớn sẽ gây nhiễu loạn các nguồn tin chính thống và tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến làm suy yếu hệ thống truyền thông chính thống, qua đó gián tiếp gây nên khủng hoảng niềm tin của dân chúng. Với các tin đồn xuất phát từ động cơ xấu của các thế lực thù địch, chống phá chính quyền thì nó còn gây rối loạn, mất ổn định chính trị xã hội. Đó là một cái bẫy mà người dân ngày nay phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác”- Ông Vũ Trung Hiệp nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nhận định hiện tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội là mặt trái của sự phát triển công nghệ thông tin và có thể xem là một dạng tội phạm mới của cuộc sống hiện đại, bởi vậy cần có những hình phạt đích đáng. Theo bà, nếu tung tin đồn gây nguy hiểm, gián tiếp giết người thì nên áp dụng hình phạt cao nhất để cảnh tỉnh xã hội.

Các chuyên gia đều cho rằng mạng “ảo” nhưng lại gây hậu quả thật. Bởi vậy, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng và chịu trách nhiệm về thông tin mình đăng tải. Người tiếp nhận cần tỉnh táo trước các thông tin, có sự phân tích, đánh giá, cân nhắc cẩn thận, để không trở thành “con rối” bị kẻ xấu “giật dây”.

Luật sư Trương Anh Tú

Theo luật sư Trương Anh Tú, người tung tin lên mạng xã hội sai sự thật, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính cho đến hình sự. Người tung tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu - 30 triệu đồng.

Hương Ha

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/nguoi-tung-tin-don-that-thiet-co-the-bi-phat-tu-7-nam-1381061.tpo