Người 'ươm trồng' tài năng toán trẻ đã yên giấc ngàn thu

'Thầy Chính là nhà sư phạm xuất sắc, nhà giáo nhân hậu, uyên thâm, người bạn thân chân tình và dễ trao đổi '...

PGS, TS, Nhà giáo Nhân dân Phan Đức Chính

PGS, TS, Nhà giáo Nhân dân Phan Đức Chính.

PGS, TS, Nhà giáo Nhân dân Phan Đức Chính.

Đó là lời tâm sự đầy kính trọng của GS, TSKH Nguyễn Duy Tiến dành cho thầy Chính - người từng giảng giải cho ông và đồng nghiệp về: Lý thuyết phổ toán tử tuyến, Nửa nhóm và quá trình Markov vào những năm bom Mỹ đang oanh tạc cả miền bắc Việt Nam.

Một trí tuệ siêu Việt

Nhà giáo Nhân dân (NGND) Phan Đức Chính được biết là một trong những người có cống hiến rất lớn cho ngành Toán học nước nhà, nhất là trong phân môn Giải tích hàm. Suốt hơn 80 năm cuộc đời, thầy đã mang tuổi trẻ, tình yêu và nhiệt huyết của mình dành cho Toán học.

Thầy Phan Đức Chính bước lên bục giảng từ năm 20 tuổi. Năm 1961, thầy Phan Đức Chính được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Lomonosov danh tiếng. Mấy năm ở Moskva, thầy Phan Đức Chính vừa viết luận án tiến sĩ, vừa cùng thầy là Giáo sư G. E. Shylov biên soạn cuốn sách chuyên khảo "Độ đo, tích phân, đạo hàm trong không gian tuyến tính".

Thầy là người đầu tiên nghiên cứu độ đo, phiếm hàm tuyến tính và toán tử tuyến tính đo được trong không gian tuyến tính vô số chiều. Các kết quả chính của thầy đã được đưa vào sách chuyên khảo: G. E. Shylov, Phan Duc Chinh. Measure, Integral, Derivative in Linear Spaces Nauka, 1967 (tiếng Nga). Đó là cuốn sách toán đầu tiên mà người Việt Nam là một đồng tác giả được xuất bản tại Liên Xô, đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Tiệp và được nhiều nhà Toán học trích dẫn.

Năm 1965, thầy Phan Đức Chính trở lại Việt Nam, tiếp tục giảng dạy tại Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội (Trưởng Khoa là thầy Hoàng Tụy). Khi đất nước còn chìm trong bom đạn của đế quốc Mỹ, GS Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và TS Hoàng Tụy, Chủ nhiệm Khoa Toán, nói với thầy Chính: “Thủ tướng vừa chỉ thị: Dù chiến tranh ác liệt đến đâu, trường ta vẫn phải đi đầu mở các “lớp Toán đặc biệt” dành cho những học sinh cấp III có năng khiếu Toán rõ nét. Anh hãy giúp một tay...”.

Thế là, ngoài việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, từ đấy, thầy Chính còn được giao thêm nhiệm vụ dạy các em học sinh cấp III chuyên Toán.

Vào năm 1965, thầy Chính đã cùng nhiều thầy cô Khoa Toán, Trường đại học Tổng hợp đã không ngại bom đạn để hướng dẫn các em học sinh ôn luyện. Trong kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn quốc, đội tuyển chuyên Toán Tổng hợp đã đạt 9/10 giải.

Trong nhiều năm giảng dạy Khối Phổ thông chuyên Toán, NGƯT Phan Đức Chính đã đào tạo được nhiều học sinh xuất sắc, đoạt các giải thưởng cao trong các kỳ thi Toán Quốc tế. Một số học sinh cũ của thầy Chính sau này trở thành những nhà khoa học giỏi, những nhà quản lý tốt như Trần Văn Nhung, Đào Trọng Thi, Hoàng Lê Minh, Nguyễn Đông Anh, Hoàng Ngọc Hà...

Có thể nói, thầy là một trong những người đóng góp nhiều công sức nhất làm cho Khối Phổ thông chuyên Toán (Đại học Quốc gia Hà Nội) nổi tiếng khắp nơi và trở thành đơn vị Anh hùng (thời kỳ đổi mới). Trước khi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thầy đã nỗ lực truyền dạy kinh nghiệm quý báu về luyện thi và dẫn dắt đội tuyển học sinh Toán Việt Nam ra nước ngoài tham gia các kỳ thi Olympiad thế giới cho các thầy cô trẻ.

PGS, TS, NGND Phan Đức Chính còn nổi tiếng với nhiều cuốn sách gối đầu giường của các nhà giáo và những học sinh, sinh viên yêu Toán như Bất đẳng thức (NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1973) và Thầy còn là dịch giả của rất nhiều cuốn sách giải tích như: Natanson, Lý thuyết Hàm số biến số thực, 1962; Dieudonné J., Cơ sở Giải tích Toán học, Tập I . V; Robertson., Robertson., Không gian vectơ tôpô; Kurosh, Đại số cao cấp. 5. She-Tzen Hu, Cơ sở Giải tích Toán học.

Mặc dù là một người thầy lớn, là Giáo sư hàng đầu trong trong lĩnh vực Toán học nhưng thầy Chính luôn sống giản dị, thân thiện với mọi người. GS, TSKH Nguyễn Duy Tiến từng nhận xét: "Ông là nhà giáo nhân hậu, nhà sư phạm uyên thâm, người bạn chân tình và dễ trao đổi. Ông có thói quen hút thuốc, uống rượu, thích nghe và kể chuyện tiếu lâm".

Bạn rượu thân thiết của thầy Chính lúc sinh thời chính là nhạc sĩ Văn Cao. Ông Văn Cao từng nói, nhờ uống rượu, nói chuyện với thầy Chính mà ông thấy các nhà Toán học không khô khan như người ta tưởng.

PGS Phan Đức Chính là người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ, yêu nghề, yêu nước, yêu trò, kính trọng thầy và thế hệ đi trước, dễ gần gũi, có nhiều bạn.

Kể cả khi về hưu nhưng mỗi khi nhắc đến những tháng năm dạy phổ thông chuyên Toán, thầy Chính vẫn say sưa, đầy cảm xúc: "Trong đời, tôi chẳng mấy khi rơi nước mắt. Ấy thế mà, vào mùa hè năm 1974, lần đầu tiên dẫn năm em học sinh ta đi thi Toán quốc tế ở Berlin, giành một lúc bốn giải, kể cả giải Nhất, Nhì, tôi không sao ngăn nổi dòng nước mắt cứ trào ra...".

Ông được phong Phó Giáo Sư (năm 1980), danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (năm 1994), Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng ba (năm 1999) và Huân chương Lao động hạng hai (năm 2003). Tổ Giải tích, Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn rất tự hào là tổ ấm của nhiều nhà Toán học giỏi, của những người thầy tâm huyết.

Vào dịp kỷ niệm 100 năm Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường đã lựa chọn và vinh danh 100 nhà giáo tiêu biểu của trường, trong đó có PGS Phan Đức Chính, do ông có công lao to lớn trong việc đào tạo các tài năng Toán học trẻ cho đất nước ta.

Sự ra đi đột ngột đầy tiếc nuối...

Sự ra đi của NGND Phan Đức Chính vào ngày 26-8 đã để lại những tiếc nuối, đau xót cho gia đình và bao thế hệ học trò. Người trong giáo giới, thế hệ nhà giáo sau này luôn nể trọng tấm lòng son sắt với nghề, tận tụy với học sinh của thầy....

Trước sự ra đi của cha, người con trai trưởng của thầy - anh Phan Đức Thịnh đã tâm sự: "Bố tôi đã ra đi mãi mãi. Ông ra đi quá nhanh và thanh thản. Vừa mới cách đây hơn ba ngày khi nài nỉ bố uống lấy ngụm sữa thương con nào, ông bảo: "Các con lớn cả rồi". Ông trút hơi thở cuối cùng lúc 01:00 ngày 26-8-2017".

"Biết rằng sinh tử là quy luật của tự nhiên, điều không ai tránh khỏi. Chỉ cảm thấy một khoảng trống vắng lặng vô cùng lớn vừa đến, một cảm giác mất mát không thể tả được", anh Thịnh xúc động viết.

Trên facebook thầy giáo Nguyễn Hữu Việt Hưng có chia sẻ: “Vĩnh biệt anh Chính – thầy Phan Đức Chính của tôi”.

“Rạng sáng nay, 26-8-2017, có trời đất chứng giám, tôi bỗng mơ về anh Chính, về những lời từ đáy lòng mà anh nói với tôi, và về tôi, trong cuộc gặp mặt thường niên ngày 30-12-2011 của Bộ môn Giải tích... Hôm nay, không bất ngờ, nhưng đau đớn nghe tin anh Chính đã thành người thiên cổ, tôi viết mấy dòng này bái vọng anh. Anh Chính ơi, vĩnh biệt”.

“Phan Đức Chính, người thầy đáng kính của bao thế hệ học sinh, sinh viên đã ra đi mãi mãi. Đối với các học sinh của thế hệ chúng tôi (thập niên 70-80) thì thầy Phan Đức Chính là một tượng đài. Bộ sách Tuyển tập các bài toán sơ cấp của Phan Đức Chính - Lê Đình Thịnh - Phạm Tấn Dương là bộ sách gối đầu giường của bao thế hệ học sinh thời đó. Thực sự chúng tôi đã lớn lên bằng bộ sách này và Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ”, anh Trần Nam Dũng đã chia sẻ trên facebook cá nhân.

Khi nghe tin thầy Chính đã ra đi mãi mãi, những thế hệ học trò đã gửi rất nhiều lời chia buồn và biết ơn: “Chúng em xin được chia buồn cùng gia quyến thầy Phan Đức Chính và mong thầy yên giấc ngàn thu! Những cựu sinh viên của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội luôn tự hào về những nhà giáo có nhân cách lớn, tử tế và tâm huyết với các thế hệ học trò”.

Lễ viếng NGND Phan Đức Chính bắt đầu từ 9 giờ 00 đến 12 giờ 00 ngày 29-8-2017, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Lễ hỏa táng tại Phúc An Viên quận 9, TP Hồ Chí Minh lúc 14 giờ cùng ngày.

Thầy Phan Đức Chính sinh ngày 15-9-1936, tại Sài Gòn. Quê ông là làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Từ năm 1952 đến 1954, ông Chính học trung học tại Albert Sarraut (trường Pháp danh giá nhất thời đó), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Khoa học năm 1956 khi ông tròn 20 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông là cán bộ giảng dạy Toán học tại Đại học Sư phạm Khoa học. Năm 1956, Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập (tách ra từ Đại học Sư phạm Khoa Học), Ông thuộc biên chế Khoa Toán - Lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1961, ông Chính được nhà nước Việt Nam gửi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của nhà Toán học nổi tiếng G. E. Shylov, bảo vệ luận án Tiến sĩ Toán - Lý năm 1965 tại đại học danh tiếng Lomonosov (Moskva). Năm đó ông mới 29 tuổi.

Năm 1965, ông trở lại Việt Nam, tiếp tục giảng dạy tại Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội (Trưởng Khoa là thầy Hoàng Tụy).

Kết quả đáng chú ý nhất của ông trong lĩnh vực giảng dạy chuyên Toán là cuốn sách: Bất đẳng thức, NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, 1973.

Ông còn là dịch giả của nhiều cuốn sách về giải tích như:

1. Natanson, Lý thuyết Hàm số biến số thực, 1962.

2. Dieudonné J., Cơ sở Giải tích Toán học, Tập I . V.

3. Robertson., Robertson., Không gian vectơ tôpô.

4. Kurosh, Đại số cao cấp. 5. She-Tzen Hu, Cơ sở Giải tích toán học.

Thầy Chính được phong Phó Giáo Sư (năm 1980), danh hiệu Nhà giáo Ưu Tú (năm 1994), Huân chương Lao động hạng ba (năm 1999) và Huân chương Lao động hạng hai (năm 2003).

VÂN TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/33917302-nguoi-uom-trong-tai-nang-toan-tre-da-yen-giac-ngan-thu.html