Người uy tín ở bản Dao Yên Sơn giúp bà con làm kinh tế, xóa bỏ tập tục lạc hậu

Cả cuộc đời gắn bó với nương rẫy, ông Lý Văn Phủ ở bản Dao Yên Sơn hiểu cái khó, cái nghèo của người Dao trong vùng xuất phát từ chính cuộc sống du canh, du cư trên sườn núi Tản Viên.

Vì vậy, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Lý Văn Phủ ở bản Dao Yên Sơn, xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) là một trong những hộ dân đầu tiên "hạ sơn", quần tụ dưới chân núi, trả lại rừng cho Nhà nước để thành lập Vườn Quốc gia Ba Vì. Sau gần 30 năm xuống núi, thành lập thôn Yên Sơn, cuộc sống của người Dao đã thay đổi nhiều nhưng chưa thể bằng những địa phương ở vùng đồng bằng.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến giao thông nông thôn, khi còn là Trưởng thôn Yên Sơn (nhiệm kỳ 2015-2017), ông Lý Văn Phủ đã kiên trì đến từng nhà nói điều có lý, rằng: “Ở dưới xuôi, mặc dù đất đai có giá trị rất lớn nhưng nhiều gia đình đã hiến hàng chục, thậm chí cả trăm mét vuông đất để mở đường. Vậy tại sao chúng ta lại không làm được như vậy...”.

Ông Lý Văn Phủ. Ảnh: An ninh Thủ đô

Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân, gia đình ông Lý Văn Phủ đã tiên phong hiến 500m2 đất thổ cư để thực hiện dự án. Theo gương gia đình ông Phủ, các hộ dân trên địa bàn thôn đã đóng góp công sức, hiến đất, chặt cây để làm đường đi rộng rãi như ngày hôm nay.

Ngoài ra, ông Phủ đã chủ động đề nghị xã, huyện cho phép đưa sản phẩm thuốc Nam của địa phương mình giới thiệu tại các hội chợ làng nghề truyền thống do thành phố Hà Nội cũng như bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Sau khi có thị trường tiêu thụ, ông Lý Văn Phủ tiếp tục tìm cách nhân giống, mở rộng diện tích trồng cây thuốc Nam tập trung tại vườn gia đình…

Với cách làm này, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng từ trồng cây dược liệu và chế biến thuốc Nam.

Bên cạnh đó, chẳng những làm kinh tế giỏi, với vai trò là Trưởng thôn, người uy tín của bản, ông Phủ còn là người đi đầu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nếu trước đây, người Dao ở Ba Vì thường tổ chức đám chay, Tết nhảy 3 ngày 3 đêm thì hiện nay, ông đã vận động được người dân giảm thời gian xuống còn 1 ngày, làm cỗ đơn giản, gọn nhẹ hơn. Nhờ cách làm đó, người dân không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của bản...

Không chỉ mở mang phát triển kinh tế, để gìn giữ bình yên thôn xóm, ông Lý Văn Phủ đã cùng Công an xã Ba Vì xây dựng mô hình dòng họ tự quản an ninh trật tự. Khi trong thôn có những mâu thuẫn, xích mích, ông Phủ đã kịp thời nắm bắt và hòa giải một cách hợp tình, hợp lý.

Có những vụ việc ông phải kiên trì đi lại nhiều lần, lấy lý lẽ để phân tích, đưa ra những lời khuyên thẳng thắn, chân thành để người dân hiểu và thực hiện. Cũng từ đó, những đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng người Dao được phát huy; tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, tạo không khí đầm ấm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau…

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/viec-tot-quanh-ta/nguoi-uy-tin-o-ban-dao-yen-son-giup-ba-con-lam-kinh-te-xoa-bo-tap-tuc-lac-hau-a297605.html