Người về Lũng Cú

Lũng Cú - Hà Giang với cột cờ chủ quyền Tổ quốc, một địa chỉ đỏ, và là điểm đến rất thiêng liêng của hàng vạn, hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Với những du khách, sức hút từ phía Lũng Cú là những vẻ đẹp kỳ diệu của miền cao nguyên đá cổng trời Đồng Văn- Quản Bạ, với dòng xanh Nho Quế uốn mình theo vách tường đá hun hút biên thành trấn bắc, và cột cờ Lũng Cú, lừng lững nơi người đến “cúi mặt chạm đất, ngẩng mặt đụng trời”...

Làng quê Đồng Văn dưới chân Lũng Cú.

Làng quê Đồng Văn dưới chân Lũng Cú.

Song, hơn thế, thiêng liêng hơn thế với những con dân Việt Nam, cột cờ Lũng Cú trấn ngữ trên độ cao hơn 1.470 mét so với mực nước biển, tạo điểm cực cao nhất trong cực Bắc Việt Nam, trở thành “thánh địa” hành hương trong những cuộc đi để biết mình, hiểu mình tới các điểm cực thiêng của đất Mẹ Việt Nam: Lũng Cú (cực Bắc) Mũi Cà Mau (cực Nam thềm lục địa) Hòn Gốm Khánh Hòa (cực Đông thềm lục địa), A Pa Chải, Điện Biên (cực Tây).

Và mùa xuân này trong dòng những con dân Việt Nam hành hương về đất thiêng Lũng Cú, là một nhóm những cựu chiến binh quân hàm xanh từng trằn mình sống chết với biên cương. Vũ Ngọc Doanh và Lê Như Hải là hai trong những người về Lũng Cú với tâm thế như vậy.

Người về Lũng Cú! là cuộc hành hương trở về đất thiêng với đằm sâu nỗi nhớ đất, nhớ người của Vũ Ngọc Doanh, người con đất lúa Thái Bình, tuổi Canh Dần, cầm tinh con hổ, nguyên cán bộ chỉ huy chính trị huyện biên phòng Đồng Văn những năm thập kỷ 90 thế kỷ trước. Ngay khi đón anh từ Hải Phòng về quê Thái Bình để nhập đoàn, Đại tá Lê Như Hải, nguyên Chính ủy Biên phòng Khánh Hòa chỉ vắn tắt: Người đồng hành với đoàn hôm nay là Thiếu tá cựu chiến binh Biên phòng rất đặc biệt của huyện biên phòng Đồng Văn, và cũng rất đặc biệt với một gia đình ba thế hệ sĩ quan Biên phòng mà Lê Như Hải là thế hệ 2.

Sông Nho Quế ôm mình theo thành vách biên cương.

Và rồi câu chuyện về Vũ Ngọc Doanh cứ mở ra từng chặng hành hương. Bắt đầu là cuộc viếng thăm đồn Biên phòng Lũng Cú. Cuộc gặp có hẹn trước qua chỉ huy Biên phòng cấp trên, nhưng Thiếu tá Hoàng Ngọc Tuấn- Đồn phó đồn Biên phòng Lũng Cú và những người lính trẻ trong đồn vẫn không khỏi bất ngờ khi được thêm một lần ôn lại từng chặng lịch sử hình thành cột cờ Lũng Cú, với những mốc son từ thủa đầu dựng cờ bằng cây sa mộc từ thời thuộc quyền của nhà quân sự, nhà chính trị lừng danh Lý Thường Kiệt, được trùng tu, dựng lại với quy mô lớn dần vào các năm 1887, 1992, 2000, và 2002. Đến năm 2010, cột cờ đã được nâng cấp quy mô mới hoàn chỉnh, mô phỏng hình thế cột cờ Hà Nội, thêm những hoa văn minh họa các giai đoạn lịch sử đất nước cùng những tập quán văn hóa đặc trưng của đất và con người các dân tộc sinh sống, phát triển trên đất Hà Giang... Và bất ngờ hơn, những người lính Biên phòng trẻ ở đồn Lũng Cú được gặp, được nghe chính vị chỉ huy chính trị, nguyên là Bí thư Đảng bộ huyện biên phòng Đồng Văn kể lại những câu chuyện về những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng các đồn, trạm Đồng Văn những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lặn lội bám địa bàn, vừa đổ xương máu trong cuộc chiến trực tiếp bảo vệ biên cương, vừa vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia phong trào chống lấn chiếm vùng biên... và một trong những giải pháp thiết thực là dựng lại cột cờ chủ quyền Lũng Cú vào năm 1992, làm cơ sở chống xâm canh, xâm cư trong hình thái lấn chiếm đất ở vùng biên. Có gì đó như một sự tương đồng lịch sử, khi người chỉ huy xưa nhắc lại gần như vẹn nguyên nghị quyết của Đảng bộ huyện biên phòng Đồng Văn, quyết tâm thực hiện việc dựng lại cột cờ bị hủy hoại sau biến cố chiến tranh biên giới. Trong những công việc cụ thể về tiến độ, về quy mô... là chất liệu cột cờ phải là cây sa mộc như nhắc lại di ý tiền nhân thủa khai công lập quốc!

Đêm trở về Đồng Văn, sau những cuộc viếng thăm quà cáp cho những cụ ông, cụ bà địa phương từng giang tay, mở lòng cùng Bộ đội Biên phòng Đồng Văn trong cuộc giữ gìn biên cương năm xưa, hai chúng tôi dừng lại trong góc quán cà-phê phố cổ Đồng Văn. Sau những câu chuyện về người, đất Đồng Văn mà anh nhớ, và thuộc từng nét đặc trưng văn hóa như người địa phương, mạch chuyện bên ly cà-phê đêm phố cổ của Thiếu tá Vũ Ngọc Doanh bắt đầu từ cái tên quán, Mộc Coffee như gợi lại quán ăn uống nổi tiếng trước đây của ông Mộc. Một người quê gốc Ninh Bình, mãi dưới xuôi lên lập nghiệp từ thời “tây”, rồi lấy vợ người H’Mông. Ngoài những món ngon do ông chủ quán to cao như người Tây chế biến, khách xa, người gần rất chuộng tài chế biến món ăn bản địa và đặc biệt là ly cà-phê do chính bà chủ người H’Mông tự tay sao tẩm, rang xay và pha chế mời khách. Với riêng những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, ngoài tô phở “vùng cao”, vợ chồng ông chủ quán còn mời riêng ly cà-phê thơm ngon, nhất quyết không lấy một đồng của khách quân hàm xanh.

Thiếu tá Vũ Ngọc Doanh hôn cờ Lũng Cú.

Mà lạ thật! Dù chưa từng được thưởng thức hương vị cà-phê của vợ chồng bác Mộc thời xa xưa, nhưng cái vị cà-phê đêm phố cổ biên cương với tôi cứ như hội đủ hương vị đặc trưng của với từng chi tiết sao tẩm, rang xay, kỳ công và tinh tế của bà Mộc mà Thiếu tá Vũ Ngọc Doanh rỉ rả kể. Từ cách bắc chảo nước lên bếp, đốt to lửa cho nước sôi thật lâu để rửa chảo. Tiếp đến bắc chảo chờ cho chảo khô, nóng mới đổ cà-phê vào quấy đều tay... tới khi mùi cà-phê bắt đầu thơm đến một “độ” nào đó, thêm một chút mỡ gà vào đảo đều. Chừng như mùi thơm café đã “chín”, một cốc rượu ngô để sẵn được đổ thẳng vào chảo, tạo nên tiếng sôi xèo xèo như thoát ra từ chảo khói, sau đó mới ủ vào chiếc khăn thổ cẩm, như thể thu ủ hương đất, hương trời Đồng Văn. Hẳn vậy, nên bây giờ, dẫu ông chủ quán xưa đã mất, mà thương hiệu Mộc cà-phê vẫn còn như lưu giữa phố cổ Đồng Văn một ký ức đằm sâu tình người, tình đất biên cương, nương níu người về.

Người về Lũng Cú! Là Đại tá Lê Như Hải, nguyên Chính ủy Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Khánh Hòa. Nếu như Thiếu tá Vũ Ngọc Doanh trở về với tâm thế đặc biệt của một sĩ quan Biên phòng cầm tinh con hổ mà dầm dã, thuộc đất, hiểu người chốn biên cương Đồng Văn, thì Đại tá Lê Như Hải là trở về với tâm thế của một sĩ quan Biên phòng gắn mình với biển đảo miền Trung mà hướng ngưỡng đất thiêng biên cương. Ngay từ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đời thường, chỉ chưa đầy 2 năm, anh đại tá trẻ đã lần lượt tự thực hiện những chuyến đi, đến hầu hết các điểm đồn biên giới của cả bốn cực Bắc, Nam, Đông, Tây! Những chuyến đi tưởng đã thỏa chí biên phòng, như vẫn chưa trọn, bởi còn một tiếng gọi về thiêng liêng hơn cứ đau đáu trong trái tim người lính, mà mãi trong suốt chuyến đi, tôi mới vỡ ra từng mối chuyện. Và câu chuyện ngỡ riêng đó, lại là câu chuyện của một gia đình ba thế hệ Biên phòng cùng liên quan đến sự có mặt của người đồng hành, Vũ Ngọc Doanh.

Thiếu tá Vũ Ngọc Doanh và Đại tá Lê Như Hải dưới chân mốc chủ quyền cột cờ Lũng Cú.

Đó như một sự sắp đặt kỳ lạ, năm 1971, Vũ Ngọc Doanh về học tại trường văn hóa ngoại ngữ Biên phòng. Tại đây anh gặp và trở thành đồng môn vong niên với sĩ quan Biên phòng Lê Nguyên. Cuối năm 1972, rời trường về cơ quan Công an vũ trang Thái Bình công tác, Vũ Ngọc Doanh gặp lại người sĩ quan đồng môn của mình trong vị trí Chính ủy, mà Vũ Ngọc Doanh là sĩ quan dưới quyền. Qua năm 1975, sau khi Chính ủy Lê Nguyên được điều động về biên phòng Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) Vũ Ngọc Doanh cũng được điều động vào tiếp quản cơ sở biên phòng Trà Vinh (Nam Bộ), rồi được điều động ngược ra Phan Thiết, cùng địa bàn với Khánh Hòa, nơi thủ trưởng cũ của mình đang là Chính ủy. Cuối năm 1976, Vũ Ngọc Doanh rời miền Trung về lại Thái Bình rồi ra Đồng Văn. Quãng năm 1978, khi về công tác tại khung huấn luyện Công an vũ trang Thái Bình, Vũ Ngọc Doanh không chỉ tình cờ gặp người con trai của thủ trưởng Lê Nguyên trong vai trò tiểu đội trưởng khung mà Lê Như Hải là chiến sĩ. Một ngày nên nghĩa, huống hồ hơn tháng trời cầm tay chỉ việc. Vậy nên đúng 30 năm sau, khi định ra kế hoạch “về” Lũng Cú, anh lính Biên phòng ngày nào nay là Đại tá cựu Chính ủy Biên phòng Khánh Hòa nghĩ ngay đến việc khâu nối với người tiểu đội trưởng cũ của mình để cùng hướng biên cương, lên thăm và cùng ôm, hôn cờ Tổ quốc ngay tại đài cao cột cờ chủ quyền của tiền nhân trao chuyển cho các thế hệ công dân Việt Nam, trực tiếp là các thế hệ công dân trong màu áo biên phòng, trong đó có người chỉ huy trân quý Vũ Ngọc Doanh.

Và rồi một sáng xuân biên cương, những khách hành hương có mặt trên kỳ đài cột cờ Lũng Cú đã bất ngờ chứng kiến những vị khách đặc biệt trong nhóm cựu sĩ quan Biên phòng lần lượt ôm hôn Quốc kỳ trước khi tiếp tục được thượng lên lại đỉnh cột cờ mà cuồn cuộn giữa mây trời biên cương. Và hẳn sẽ cảm động hơn sau cuộc bất ngờ, du khách được biết thêm câu chuyện cảm động từ cái hôn Quốc kỳ thiêng liêng của Lê Như Hải, không chỉ là một cái hôn bình thường của một người, mà hơn thế, là cái hôn đại diện cho cả gia đình ba thế hệ Biên phòng, từ người cha là cố Đại tá Lê Nguyên, nguyên là Chính ủy Biên phòng tiền nhiệm tại Khánh Hòa, cùng đứa cháu nội của ông hiện là Thiếu úy Biên phòng Lê Hải Hưng, con trai của Đại tá Lê Như Hải. Thêm nữa là Thiếu tá Vũ Ngọc Doanh, người đồng đội cùng sắc xanh Biên phòng như chiếc gạch nối trong mối quan hệ chuyển tiếp thế hệ của một gia đình ba thế hệ biên phòng trong cuộc gìn giữ biên cương.

Rưng rưng một sáng trên kỳ đài cột cờ Lũng Cú, qua khuôn hình máy ảnh, là những hình ảnh người về nối nhau không chỉ một, hai, ba thế hệ con dân Việt Nam với lời thề giữ đất, giữ nước!

LÊ BÁ DƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_200466_nguoi-ve-lung-cu.aspx