Người viết bài hát Covid 'đáng yêu'

Điều khác biệt, ngay cả khi nói về câu chuyện virus, thì nhạc của Jazzy Dạ Lam vẫn rất nhẹ nhõm với phần ca từ 'đáng yêu' và thông điệp được nhiều khán giả đánh giá là 'cực kỳ văn minh trong thời điểm này'.

Bài hát được hưởng ứng từ rất nhiều nghệ sĩ (ảnh cắt từ clip)

Jazzy Dạ Lam là nữ nhạc sĩ người Việt sinh sống và làm việc ở Đức. Trước đến nay khán giả trong nước chỉ biết đến chị qua những bản jazz lãng mạn và thi vị, nay là bài hát có tính thời sự - về Covid.

Bài hát ra đời từ nỗi buồn trẻ thơ

Jazzy kể rằng chị viết “The Sign-Covid song” bắt đầu từ nỗi buồn của cô cháu gái 10 tuổi. Cô bé bị bạn cùng lớp chế giễu là “China virus“ vì là người Á khi đại dịch bắt đầu hoành hành ở Bắc Mỹ. Bé đã viết cảm xúc của mình lên giấy thành một bài thơ ngắn. Rồi nhờ bố nhắn cho cô Út: “Viết thành bài nhạc cho con“.

Từ lúc cầm trong tay bài thơ vào khoảng đầu tháng ba, đến lúc thành bài hát Jazzy mất khoảng hai tuần vì phải cân nhắc gọt giũa cũng như thêm thắt những ý tưởng cho ca từ thật súc tích, nhưng cũng không mất đi chất hồn nhiên của một bé gái 10 tuổi. Sau đó chị bắt tay vào chuyển soạn, rồi mời gọi bạn bè góp tiếng vào dự án chung này. Khoảng giữa tháng 5 năm ngoái, khi khủng hoảng đại dịch lan tràn khắp châu Âu và toàn thế giới, Jazzy làm xong phần âm thanh. Thế rồi dự án bị tạm ngưng vì nhiều lý do. Mãi đến cuối tháng 12 năm ngoái dự án mới được tiếp tục, và phần video mới được hoàn thiện.

“Covid song” là một dự án cộng đồng, được các bạn ở khắp mọi nơi, từ Việt Nam sang Úc, đến Nhật Bản, Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Brazil, Mỹ, Canada... chung tay góp sức, với định dạng video thông dụng nhất thời đại dịch, đó là video gia đình, không phải đầu tư nhiều, hình ảnh là những gì chân thực, gần gũi nhất, không trau chuốt. Khi mời gọi bạn bè tham gia vào bài hát này, Jazzy chỉ mong sao có được càng nhiều người càng tốt, để làm nổi bật hơn tính chất cộng đồng của nó. “Rất may đã được bạn cả tây lẫn ta “chiếu cố“, tính ra là nhiều ngang nhau”, chị nói.

Điều đặc biệt là trong rất nhiều ca khúc về Covid thì cả giai điệu và ca từ của “The Sign-Covid song” đều rất nhẹ nhàng, không giống cách thông thường mà người ta nói về một đại dịch. Jazzy kể:

“Tháng Giêng năm ngoái, khi truyền thông thế giới bắt đầu loan tin về căn bệnh lạ ở Vũ Hán, hầu như mọi người Việt ở hải ngoại đều đổ dồn mọi lo lắng về quê hương vì Việt Nam là hàng xóm sát vách với Trung Quốc. Thế rồi người ta thấy các nước Á châu đã đồng lòng chung tay chống dịch rất tốt bằng tinh thần kỷ luật cao, điển hình như Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản… Riêng các nước phương Tây, vì có đặc thù là xã hội đề cao sự tự do cá nhân, việc chống dịch diễn ra khá chậm chạp và nan giải vì dân chúng không quen đeo khẩu trang, và không thích làm theo sự áp đặt của chính quyền. Song song đó, có nhiều kênh thông tin cố tình chính trị hóa Corona virus và bệnh dịch, khiến việc đối phó dịch bệnh ở một số nước càng trở nên khó khăn, hay đúng hơn là đã trở thành khủng hoảng.

Có thể nói, trong bối cảnh hỗn loạn đó, làm sao để một bài hát mang được thông điệp xây dựng chứ không chia rẽ; kết nối yêu thương chứ không hằn học ghét bỏ; chia sẻ, đồng cảm chứ không chống đối, đấu tranh; hòa hợp trong sự bao dung và hiểu biết chứ không co cụm trong sợ hãi và vị kỷ. Đó là những suy tư mà Jazzy cùng người bạn là đồng tác giả chia sẻ với nhau. Thêm nữa, Jazzy cũng không muốn bài hát này trở nên một bài hát “cổ động phong trào“, “đu trend“ như những bài đã xuất hiện trước đó, nên đã chọn hát về con virus này theo cách khác, để nó không chỉ mang tính thời sự, mà có chiều sâu và âm vang lâu dài hơn. Vì nói cho cùng, đời sống này quá ngắn ngủi để chỉ chú tâm vào mỗi việc sống còn của cá nhân chúng ta”!

Jazzy Dạ Lam

“Covid không có quê quán, quốc tịch”

“Covid không có quê quán, quốc tịch như vài kẻ muốn bạn tin như vậy” được lặp đi lặp lại trong “The Sign-Covid song”. Giải thích về lời ca này, ái nữ của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cho biết: “Việc tránh gọi tên các bệnh dịch kèm tên nước hay vùng miền đã được tổ chức y tế thế giới khuyến cáo từ trước đây khá lâu. Chắc chắn lý do của nó bao gồm cả việc tránh vô tình hay hữu ý được sử dụng để bài xích hay kỳ thị sắc dân nào đó”.

Mấy chục năm sống ở đất nước từng mang một vết nhơ khó phai nhòa về kỳ thị chủng tộc, may mắn của nhạc sĩ gốc Việt là chưa phải trải qua kinh nghiệm đau thương nào. Song chị cũng nhấn mạnh: “Nói như vậy không có nghĩa mầm mống của sự kỳ thị - từ những kẻ tự coi họ là giống dân thượng đẳng - không hiện hữu, mà ngược lại, chủ nghĩa dân túy, bài di dân hiện đang được cổ súy ở nhiều nơi, thực sự gây nhiều bất ổn xã hội. Nhưng đời sống tự nó luôn có những điều chỉnh để tạo lại sự quân bình, và để mọi thứ vận hành được trôi chảy. Nếu ta sống có ý thức, và hiểu ra sự kỳ thị đó chỉ bắt nguồn từ nỗi sợ hãi của một thiểu số những kẻ kém cỏi thiếu năng lực và đáng thương, không cần phản ứng lại một cách tiêu cực, mà nên hóa giải bằng việc lan tỏa yêu thương, hẳn nhiên ta sẽ chiêu cảm được những năng lượng tích cực, và tránh xa được những điều tiêu cực”.

Jazzy Dạ Lam chia sẻ về tinh thần của bài hát:

“Làm sao viết thêm vào “The Sign-Covid song” những suy tư và cái nhìn của mình, để nó không chỉ là một bài hát mang tính phong trào, hay tuyên truyền cổ động cho tinh thần "chống giặc Covid", mà cần mang lại cái nhìn bao quát, sâu rộng hơn về một vấn đề to lớn mang tính sống còn. Bởi làm sao duy trì được sự hiện hữu bằng sự hủy diệt? Làm sao tạo được nguồn vui sống bằng nỗi sợ hãi? Làm sao dựng được thế giới tốt đẹp nếu nhìn quanh chỉ thấy chia rẽ, đối đầu, phân biệt và tiêu trừ lẫn nhau”?

“Covid-19 nhắc nhở chúng ta không độc quyền sinh sống trên quả đất”. Vượt xa hơn ý nghĩa cổ động “rửa tay” và “đeo khẩu trang”, ca khúc của Jazzy có tham vọng tìm đến tận cùng nguyên nhân phát sinh đại dịch và hậu quả hủy diệt của nó.

“Nó đến với chúng ta vì môi trường trước đó của nó (nơi thú vật) bị tiêu diệt khi con người, hoặc săn bắt quá nhiều, hoặc hủy diệt sinh thái của động vật và thực vật khác, hoặc để mở rộng khu vực sinh hoạt của mình, lấn chiếm khu vực loài thú, để càng lúc các loài thú càng không còn chỗ sinh tồn và bị đẩy dần đến diệt chủng. Coronavirus không có kẻ thù, mà chính chúng ta đã biến nó thành kẻ thù. Và khi chúng ta tìm mọi cách diệt trừ nó, thì nó sẽ phải tự vệ bằng cách nào đó. Cách thô thiển nhất ở mọi sinh vật là quay lại tiêu diệt thứ đã làm hại mình.

Và loài người, cũng như bọn vi khuẩn ngốc nghếch kia, nếu không thay đổi lối sống và cách nhìn vị kỷ, cho rằng mọi tạo vật khác đều chỉ tồn tại để phục vụ con người, cùng sự thúc đẩy bởi lòng tham, khai thác một cách điên cuồng khiến cho hành tinh chúng ta ngày càng hư hoại, chắc chắn một ngày nào đó, sẽ tận vong”.

Mới đây, Jazzy kể rằng chị có may mắn được tham gia trong một dự án phim tài liệu ngắn, có tên là “Talking my Generation“, được sản xuất bởi Vlab, do trường đại học Freie Universitat Berlin đặt hàng và tài trợ. Trong dự án phim này, Jazzy sẽ có cơ hội chia sẻ hai bài hát phổ từ thơ, của hai tác giả không có điểm gì chung với nhau ngoài một ý tưởng: “trên tất cả đỉnh cao là lặng im“, (nguyên bản tiếng Đức: “Über allen Gipfeln ist Ruh“), của đại thi hào Đức, Johann Wolfgang von Goethe. Bộ phim được nữ đạo diễn trẻ người Đức gốc Việt, Anh Dre Trieu thực hiện cùng ê kíp gồm các bạn trẻ Việt sinh trưởng tại Đức. Phim có ý tưởng như một sân khấu ca nhạc, với sự tham gia của hai nghệ sĩ trẻ người Việt khác nữa. Nhưng đề tài chính của phim nói về tâm tư, đời sống và sự hội nhập của người Việt, hay đúng hơn, của những người làm nghệ thuật gốc Việt, tại Đức.

Còn một điều khác Jazzy đang ấp ủ, nếu gọi nó là “dự định âm nhạc mới“ thì hơi sớm, vì “vốn liếng“ để thực hiện nó jazzy còn chưa “tích lũy“ đủ. Nó đòi hỏi phải có sự kiên trì nhẫn nại để gọt giũa bản thân, đồng thời lắng lòng soi chiếu để nghe những âm thanh sâu kín nhất trong tâm mình, hay đúng hơn, là nơi chỉ có âm vang của sự sống đích thực.

Ngày càng bớt màu mè

Jazzy được biết nhiều đến với nghệ danh Jazzy Dạ Lam, tên thật là Nguyễn Thảo Hương, tác giả CD “Trăng và Em” (Moon and You) do Công ty Phương Nam phát hành năm 2005 tại Việt Nam. Cô là con của hai nghệ sĩ âm nhạc: cha cô là Nguyễn Hải, nhạc công kèn cor của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, mẹ là nhạc sĩ Trương Tuyết Mai nổi tiếng một thời với ca khúc: "Huế - Tình yêu của tôi".

“Trăng và Em” được giới chuyên môn đánh giá là CD đầu tiên ở Việt Nam mà tác giả tự đảm nhiệm cả ba vai trò: giai điệu, hòa âm và ca sĩ.

16 năm nhìn lại, Jazzy tự đánh giá “Trăng và em” khi xưa là một tập hợp ghi chép những cảm xúc non nớt, thơ dại, và cũng không kém phần “bánh bèo”, làm điệu của chị. Những ý tưởng âm nhạc về sau càng ngày càng cô đọng, bớt màu mè, hướng đến sự tối giản. Ngay cả nếu phần hòa thanh nghe qua tưởng trúc trắc, nhưng nghe kỹ sẽ thấy chúng là sự lặp lại với chút biến thể, để tạo không gian đa chiều hơn, nhiều màu sắc hơn, nhưng xuyên suốt vẫn chỉ là một hoặc hai mô típ hòa âm. Và hiện giờ thì đã có rất nhiều thay đổi trong cách nghĩ của Jazzy về âm thanh, về năng lượng, hai thứ tạo thành phần xác và phần hồn của âm nhạc.

Jazzy học nhạc từ 5 tuổi, đã từng du học về piano cổ điển ở Nga và sau đó sang Đức học jazz piano tại Đại học Munich. Hiện nay cô sống ở Đức và làm công việc sáng tác, hòa âm và trình diễn khắp Âu châu.

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-viet-bai-hat-covid-dang-yeu-post1334798.tpo