Người Việt lười vận động và những mối nguy sức khỏe nhìn thấy trước mắt

Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ người dân lười vận động nhất thế giới. Thiếu vận động thể lực là một trong những yếu tố nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư…

Tăng cường vận động thể lực sẽ làm thay đổi cuộc sống của bạn.

Tăng cường vận động thể lực sẽ làm thay đổi cuộc sống của bạn.

Gần 30% dân số thiếu vận động thể lực

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc năm 2019 công bố thông tin Việt Nam là một trong 10 đất nước có tỷ lệ người dân lười vận động nhất thế giới. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn.

Còn theo số liệu nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 30 phút mỗi ngày, 150 phút 1 tuần).

Ngoài ra, nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 bước.

TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, con số khoảng gần 30% dân số thiếu hoạt động thể lực, kèm theo thói quen ăn muối quá nhiều, ăn rau xanh quá ít, ăn nhiều đồ ăn nhanh… là một trong những căn nguyên làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại như béo phì, tiểu đường, huyết áp… tại Việt Nam.

Cùng với đó, sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì ở cả hai giới là trên 15,6%, tăng hơn gần 3% so với kết quả điều tra năm 2010. Trong đó, thừa cân béo phì ở thành thị là 21,3%, vùng nông thôn là 12,6%.

Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ ở Việt Nam cũng thiếu hoạt động thể lực. Khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về mức độ hoạt động thể lực của học sinh tiểu học và THCS ở Hà Nội, TP HCM cho thấy 39% học sinh tiểu học và 46% học sinh THCS được xếp vào nhóm ít hoạt động.

Thiếu hoạt động thể lực được xác định là yếu tố nguy cơ đứng hàng thứ tư của tử vong, gây mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số loại ung thư. Tại Việt Nam, báo cáo điều tra quốc gia STEPS năm 2015 cho thấy cứ 5 người trưởng thành Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ 20 người thì có một người bị đái tháo đường. Như vậy ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3,5 triệu người đái tháo đường.

Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2016, cho thấy bệnh tim mạch là căn nguyên gây ra 31% ca tử vong, có gần 22.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với khoảng 60 ca tử vong/ngày.

Hãy tập thể dục mỗi ngày để đẩy lùi bệnh tật

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ phát động hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt, đã kêu gọi người dân tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

"Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình. Mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe", Thủ tướng nói.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, khẳng định vận động thể lực đúng cách giúp phòng ngừa và tăng hiệu quả điều trị các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh lý tim mạch, bởi vận động giảm mỡ máu, giảm dung nạp đường huyết, tăng sức chịu đựng của cơ tim…

Để tăng cường vận động thể lực phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế kêu gọi người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, người lao động dành 3 phút tập thể dục trong các cuộc họp và giờ làm việc để giảm nguy cơ mắc và tử vong do bệnh không lây nhiễm.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành Y vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng tích cực việc thực hiện vận động thể lực dưới hình thức đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày hoặc tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết cơ quan này đang phối hợp các cục, vụ, đơn vị để làm các mô hình giáo dục tăng cường vận động thể lực, bài giảng, mô hình các câu lạc bộ sức khỏe, cung cấp thiết bị, hướng dẫn… nhằm vận động, kêu gọi người dân tăng cường tập thể dục.

Các chuyên gia tim mạch trên thế giới cũng khuyến cáo nên vận động hàng ngày 30-60 phút. Đi bộ nhanh, bơi, tập aerobic (cường độ vừa phải), tập yoga là những hoạt động tốt cho tim mạch. Theo TS Hùng, đi bộ nhanh là một trong những phương pháp tập luyện tốt nhất cho tim mạch. Khi đi bộ, từ bắp chân, mông đến toàn bộ cơ thể đều được vận động, sẽ rất lợi cho hệ tim mạch.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý đừng đi bộ “nhàn nhã” như đi dạo với một người bạn vì nó sẽ mang hiệu quả thấp. Vận động phải đạt cường độ vừa đến mạnh như nói ở trên thì mới tốt cho tim mạch. Còn đi bộ “nhàn nhã” chỉ mang tính thư giãn.

Với lứa tuổi học sinh, các chuyên gia khuyên cần vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày. Theo khuyến cáo, cha mẹ hãy kiên trì từng chút một cho quá trình luyện tập của con, đầu tiên chỉ 5-10 phút đạp xe, đi bộ rồi tăng dần theo từng ngày, đạt mức 60 phút mỗi ngày tập luyện đều đặn là rất lý tưởng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu từ năm 2018 – 2030 sẽ tập trung vào 11 lĩnh vực, trong đó tập trung nâng cao sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực.

Theo đó hỗ trợ người dân tăng cường vận động thể lực theo khuyến cáo, bằng cách phát động phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày để vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia và duy trì thói quen vận động thể lực bằng hình thức đi bộ.

Huy động, cung cấp, tạo điều kiện cho người dân có đường đi bộ an toàn, thân thiện, tiếp cận sử dụng không gian cộng cộng, cơ sở luyện tập thể dục…

Tổ chức các chương trình, mô hình vận động thể lực tại cộng đồng dân cư gắn với các sinh hoạt cộng đồng… Tổ chức hình thức vận động thể lực, thể dục giữa giờ phù hợp cho người lao động tại nơi làm việc, đặc biệt cho người làm việc văn phòng.

Với học sinh, sinh viên tổ chức tốt các chương trình giáo dục thể chất trong trường học, tổ chức đa dạng các loại hình vận động thể lực ngoại khóa, tăng cường vận động thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí… bảo đảm mỗi học sinh được vận động thể lực tối thiểu 60 phút một ngày.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/nguoi-viet-luoi-van-dong-va-nhung-moi-nguy-suc-khoe-nhin-thay-truoc-mat-4051748-q.html