Người Việt trên đất Thái

Người Việt có mặt trên đất Thái Lan cách đây khoảng 200 năm, từ thời nhà Nguyễn bắt đầu có người Việt di cư sang xứ sở 'chùa vàng' sinh sống. Người Việt đến Thái Lan với nhiều lý do, trong đó chủ yếu là mưu sinh và lánh nạn chiến tranh. Tuy cách xa về không gian địa lý, xa cội nguồn và đã hội nhập sâu rộng vào đời sống nước sở tại, nhưng cộng đồng người Việt ở đây luôn hướng về Tổ quốc và giữ gìn những nét văn hóa dân tộc.

Chùa Diệu Giác ở Mukdahan -ngôi chùa Việt 100%. Từ thiết kế, vật liệu, thợ thi công công trình, đến những người tu hành, cầu kinh niệm Phật đều người Việt-Ảnh: Tùng Lâm

Chỉ hồi hương về miền Bắc theo Bác Hồ

Trong chuyến công tác ở Thái Lan giữa tháng 11/2023, tôi may mắn được gặp các cụ cao tuổi thuộc thế hệ thứ nhất (theo cách tính từ khi người Việt du nhập nhiều vào Thái Lan) và những người đứng đầu Hội người Việt Nam toàn Thái Lan để biết thêm câu chuyện người Việt trên đất nước này.

Cụ bà Trương Thị Gái năm nay 84 tuổi, sống ở Mukdahan cho biết, bà quê Quảng Bình, do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên bà theo cha mẹ qua Lào làm ăn sinh sống lúc mới 6 tuổi, đến năm 1945, Lào xảy ra chiến tranh nên gia đình qua Thái Lan lánh nạn, lúc đó bà 8 tuổi. Cũng với lý do tương tự, cụ bà Lê Thị Liệu, 81 tuổi, quê Quảng Bình (làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa), sang Thái Lan khi 3 tuổi.

Những năm 60 của thế kỷ XX, chính phủ Thái Lan thúc ép người Việt hồi hương, bà con Việt kiều chọn trở về miền Bắc theo Bác Hồ, nhưng mới được hai chuyến thì Mỹ ném bom trở lại miền Bắc nên kẹt lại. Còn hồi hương về miền Nam thì bà con kiên quyết từ chối, thà bị bắt ngồi tù trên đất Thái chứ không chịu về với chế độ miền Nam.

Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều người Việt thế hệ thứ nhất định cư lâu dài ở Thái Lan, dù ý định lúc đầu chỉ chạy giặc, đợi kết thúc chiến tranh sẽ trở về quê hương.

Cụ bà Lê Thị Liệu (áo hồng) mong muốn có được quốc tịch Việt Nam, cội nguồn của mình -Ảnh: Tùng Lâm

Theo Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan Nguyễn Ngọc Thìn, hiện có khoảng 200 ngàn người Việt sinh sống ở Thái Lan (riêng ở tỉnh Mukdahan có 900 hộ với gần 6.500 người), gồm cả bốn thế hệ, trong đó nhiều là thế hệ thứ hai, thứ ba. Thế hệ thứ nhất là những người sinh ở Việt Nam và Lào rồi di cư sang Thái Lan trước những năm 45, 46 của thế kỷ XX, phần lớn chạy giặc. Từ thế hệ thứ hai về sau được sinh ra trên đất Thái - những người hiện nhỏ hơn 78 tuổi. Người Việt trước đây chỉ được sống tập trung ở bốn tỉnh Đông Bắc Thái Lan (NongKhai, Nakhonphanom, Sakol nakhon, Udonthani), sát sông Mê Kông - biên giới Thái - Lào. Nay từ thế hệ thứ ba trở đi thì làm ăn, sinh sống khắp Thái Lan.

Nhằm quy tụ cộng đồng người Việt tại Thái Lan nêu cao tinh thần đoàn kết, một lòng hướng về Tổ quốc, hội nhập và phát triển sâu rộng trong xã hội sở tại, trở thành cầu nối quan trọng trong quan hệ láng giềng hữu nghị, tháng 9/2013, Hội người Việt Nam toàn Thái Lan được thành lập. Ban điều hành Hội gồm có chủ tịch, 5 phó chủ tịch và thư ký. Dưới hội có 26 chi hội ở 26 tỉnh có người Việt sống tập trung, còn với những tỉnh người Việt sống tản mác thì không có tổ chức hội; trong các chi hội có Ban phụ nữ. Ngoài ra còn có Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam toàn Thái Lan và 12 chi hội doanh nhân ở các tỉnh.

Gian nan học tiếng Việt và nhập quốc tịch

Trong câu chuyện về người Việt trên đất Thái, ông Nguyễn Ngọc Thìn và ông Võ Hải (Thư ký Hội người Việt Nam toàn Thái Lan) chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong làm ăn sinh sống, giữ gìn phong tục tập quán quê nhà, việc học tiếng Việt và vấn đề quốc tịch đầy nan giải.

Hồi chiến tranh cũng như nhiều năm trước, việc học tiếng Việt bị cấm vì cho là theo cộng sản. Vậy nên, bà con Việt kiều phải lén lút học tiếng Việt bằng cách cha mẹ dạy con, anh chị dạy em, bà con hàng xóm dạy nhau. Đã có những người vì học tiếng Việt mà đi tù. Ông Võ Hải (sinh năm 1960) kể rằng, tuy chưa bị bắt nhưng ông đã từng bị cảnh sát rượt chạy vì học tiếng Việt. Chưa bắt được là do hồi đó học không có trường lớp, chỉ mấy người ngồi lại cùng cuốn vở với cây viết nên rất dễ “phi tang” khi cảnh sát xuất hiện. Từ những năm 1970 - 1972, Mỹ bắt đầu rút khỏi Thái Lan nên học tiếng Việt ít bị cấm hơn.

Và khoảng 30 năm trở lại đây, quan hệ giữa hai nước có nhiều thay đổi, việc học tiếng Việt không còn cấm nữa. Nay khẩu hiệu của Hội người Việt Nam toàn Thái Lan là: “Gặp nhau nói tiếng Việt, về nhà nói tiếng Việt”.

Với quan điểm tiếng Việt còn thì người Việt còn, nên không chỉ mở ra những lớp dạy tiếng Việt miễn phí mà còn nhiều hình thức dạy học đa dạng được tổ chức trong cộng đồng, nhiều gia đình cha mẹ chỉ nói chuyện với con bằng tiếng Việt. Tiếng Việt hiện được đưa vào chương trình giảng dạy tại một số trường đại học, đây là nỗ lực của chính phủ Thái Lan nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập ASEAN.

Tuy nhiên, theo ông Thìn và ông Hải, so với trước đây thì việc học tiếng Việt không hiệu quả bằng. Lý giải điều này, cả hai ông đều cho rằng, do hồi trước bà con có động lực học tiếng Việt là để mong khi kết thúc chiến tranh sẽ hồi hương, hơn nữa lúc đó bị “thất học” tiếng Thái nên tập trung học tiếng Việt.

Dù nhu cầu học tiếng Việt trong cộng đồng hiện nay là rất lớn, nhưng khó khăn là con em phải ưu tiên học tiếng Anh, các môn văn hóa nên có ít thời gian học tiếng Việt; hơn nữa, sức hấp dẫn của học tiếng Việt trong giới trẻ không nhiều.

Việc nhập quốc tịch cũng rất gian nan. Trước đây, trong cách nhìn của nhà chức trách nước sở tại, người Việt sang Thái Lan là đi theo Bác Hồ làm cách mạng, là cộng sản nên không tạo điều kiện. Dù chính phủ Thái Lan có nghị quyết cho phép những người nước ngoài sinh ra ở Thái Lan sau năm 1945 (năm chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc) được nhập quốc tịch, nhưng lại trừ người Việt. Nay bãi bỏ quy định này, 98% người Việt đã nhập quốc tịch Thái Lan. Tuy nhiên, những người già thuộc thế hệ thứ nhất, tức đến Thái Lan từ năm 1945 về trước vẫn không được nhập quốc tịch, như trường hợp của cụ bà Trương Thị Gái và Lê Thị Liệu ở trên.

Những người thuộc thế hệ thứ nhất hầu hết không có quốc tịch nên gặp khó khăn, mỗi lần về Việt Nam thăm quê phải nộp một khoản tiền từ 5 - 7 nghìn baht cho chính phủ Thái Lan mà các cụ gọi là “tiền thuế”.

Ngoài việc đi lại bất tiện, các cụ khao khát có quốc tịch, không nhập được quốc tịch Thái thì xin quốc tịch Việt. Cụ bà Lê Thị Liệu buồn rầu nói, mong muốn có được quốc tịch Việt Nam, cội nguồn của mình, chứ không thể là người “lậu”, người mà không có quốc tịch đến khi “100 tuổi” thấy buồn, tủi phận.

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Người Việt ở đây chủ yếu làm nghề buôn bán, kinh doanh. Từ khi được cấp quốc tịch Thái Lan, việc làm ăn, sinh hoạt thuận lợi. Đã có những công trình, nhà máy lớn do người Việt đầu tư trên đất Thái Lan và cả đầu tư về Việt Nam (tại Quảng Trị có Nhà máy sản xuất nước tăng lực Super Horse ở thị trấn Lao Bảo). Một số người Việt thành đạt về kinh tế như ông Cao Văn San ở tỉnh Sakon Nakhon; ông Nguyễn Ngọc Thìn, bà Hà Thị Tý, ông Võ Long ở tỉnh Mukdahan; ông Lương Xuân Hòa, ông Hồ Văn Lâm ở tỉnh Udon Thani; ông Nguyễn Viết Bé ở tỉnh Khon Kaen...

Theo chủ tịch và thư ký Hội người Việt Nam toàn Thái Lan thì việc làm ăn của người Việt ở đây khá dễ dàng. Người Thái và người Lào rất hiền, không ham hố, mỗi năm chỉ làm vụ mùa nông nghiệp, rồi đi chùa chiền, sống an nhiên tự tại, chậm rãi, nên việc buôn bán, đầu tư kinh doanh hầu như thuộc về Hoa kiều và Việt kiều. Trong đó, những lĩnh vực làm ăn lớn như chứng khoán, đầu tư hạ tầng giao thông đường sắt, đường bộ... phần lớn do người Hoa nắm giữ.

Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan Nguyễn Ngọc Thìn (cạnh người mang kính) và Thư ký Hội người Việt Nam toàn Thái Lan Võ Hải (mang kính) trò chuyện cùng tác giả -Ảnh: An Thái

Hoạt động của Hội người Việt Nam toàn Thái Lan cũng như 26 chi hội ở các tỉnh chủ yếu là xây dựng mối quan hệ Việt - Thái, hướng về cội nguồn, đoàn kết cộng đồng, làm việc thiện trong xã hội, giữ gìn và tham gia bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và cả Thái Lan.

Thấy tôi ngỡ ngàng khi ở xứ người xa xôi lại treo cái phông lớn với dòng chữ: “Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023”, Thư ký Hội người Việt Nam toàn Thái Lan Võ Hải giải thích, hôm 11/11 vừa rồi, hội tổ chức chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, những người Việt làm nghề giáo viên trên toàn Thái Lan hội ngộ về Mukdahan, họ gặp nhau tay bắt mặt mừng, ôn lại kỷ niệm, truyền thống của quê hương, thật xúc động. Tổ chức sớm là vì đúng ngày 20/11, ở 26 tỉnh có chi hội người Việt đều tổ chức chào mừng.

Tuy ở Thái Lan đã lâu nhưng hầu hết các ngày lễ của quê hương đều được người Việt ở đây tổ chức kỷ niệm, như Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (Âm lịch), ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Quốc tế lao động 1/5, ngày sinh của Bác Hồ 19/5, Quốc khánh 2/9, ngày Nhà giáo 20/11...Đặc biệt, với tết Nguyên đán thì tổ chức giống hệt ở Việt Nam, cũng cúng tất niên, đón giao thừa, mở ti vi nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước, xông đất đầu năm mới...

Với những hoạt động do người Thái tổ chức như Hội đua thuyền, Hội hoa đăng, thì người Việt mang trang phục truyền thống của dân tộc hoặc trang phục của người Thái nhưng tham gia với tư cách là tổ chức của người Việt.

Tuy người Việt sinh sống trên đất Thái đã xa xưa nhưng vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán nơi quê cha đất tổ. Theo Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan Nguyễn Ngọc Thìn, hiện ở Mukdahan vẫn giữ được 100% việc nghi lễ đám ma, 80% cưới hỏi như ở Việt Nam, còn ở các tỉnh khác thì đã pha trộn với phong tục người Thái, chỉ còn giữ được khoảng 50% của người Việt. Ở đất nước “chùa vàng” này, những công trình mang đậm nét Việt được bà con chung tay xây dựng và giữ gìn như Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Nỏng Ôn, tỉnh Udon Thani; Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Nakhon Phanom; Công viên Hữu nghị Thái - Việt và chùa Một cột ở tỉnh Khon Kaen. Riêng ở Mukdahan có ba công trình là chùa Diệu Giác, đền Tân Định Linh Từ và Nghĩa trang Cõi vĩnh hằng là của người Việt 100%.

Ở đây, từ kiến trúc, thợ thi công, vật liệu đến người quản lý, tu hành, viếng đền chùa... đều người Việt và theo phong tục Việt Nam. Ở Thái Lan hiện có tới 21 ngôi chùa Việt - không chỉ nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng. Nằm cạnh chùa Diệu Giác có một hội trường lớn, tại đây, “Hội đoàn kết người Việt Nam toàn Thái Lan” đều đặn gặp nhau mỗi tháng 2 lần để giao lưu, sinh hoạt văn nghệ nhằm thắt chặt tình đoàn kết.

Về ẩm thực, vẫn có nhiều món của người Việt như phở, bánh cuốn, bánh ướt, bánh xèo... Nhưng theo ông Võ Hải, mỗi khi du khách hỏi về món ăn Việt thì người Thái nghĩ ngay đến nem nướng (tức “nem lụi”, nhưng do người Thái không dịch được từ này) và chả giò, mà quên mất món cháo bánh canh vì nó được dùng phổ biến hằng ngày nên mọi người cứ tưởng là của Thái.

Hướng về cội nguồn

Khi tôi hỏi về suy nghĩ, tình cảm của người Việt ở đây về quê hương xứ sở của mình, cả Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thìn và Thư ký Võ Hải đều có chung cảm nhận, với người Việt thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai, họ thể hiện rõ tinh thần yêu nước nồng nàn, hướng về cội nguồn, tình cảm này được bộc lộ, không giấu giếm. Còn với thế hệ thứ ba, thứ tư thì trong lòng họ luôn hướng về Việt Nam, luôn nghĩ và tự hào mình là người Việt, sẵn sàng đóng góp, ủng hộ Việt Nam, tuy nhiên, tình cảm đó được giấu kín, không biểu hiện vì sợ gặp khó khăn trong cuộc sống, công việc, nhất là với những người kinh doanh và công chức.

Để giữ gìn nguồn gốc, bản sắc dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ người Việt trên đất Thái biết về cội nguồn, cũng như để thuận lợi trong hoạt động đầu tư kinh tế, thương mại, Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan Nguyễn Ngọc Thìn nói rằng, tới đây hội sẽ kiến nghị chính phủ hai nước hoặc chính quyền các tỉnh kết nghĩa về những hoạt động như: trao đổi giáo viên để dạy tiếng Việt và tiếng Thái; tổ chức trại hè cho con em người Việt về nước tham gia, giao lưu với học sinh Việt Nam để biết về nguồn cội (tuy có khó khăn là thời gian nghỉ hè của học sinh hai nước Việt - Thái không trùng nhau); đề nghị Nhà nước nên có các chính sách ưu đãi nhằm thu hút, kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư; luân phiên tổ chức hội chợ tầm quốc gia, trước tiên là ở vùng Đông Bắc Thái Lan một cách hiệu quả để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội làm ăn...

Có thể thấy, người Việt ở Thái Lan là một trong những cộng đồng Việt kiều lâu đời nhất. Tuy cách xa về không gian địa lý, xa cội nguồn và đã hội nhập sâu rộng vào xã hội Thái Lan, nhưng cộng đồng người Việt ở đây luôn hướng về Tổ quốc, luôn có ý thức giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tùng Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nguoi-viet-tren-dat-thai/183417.htm