Người Việt và người Thái có hệ gen tương đồng cao

Liên quan đến công bố gen của người Việt do Viện Nghiên cứu Tế bào gốc- Công nghệ gen Vinmec (VRISG) thực hiện, được đăng tải trên Tạp chí di truyền quốc tế Human Mutation (IF 4,5), phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc- Công nghệ gen Vinmec, chủ nhiệm đề tài (ảnh).

Thưa Giáo sư, "Nghiên cứu về bộ gen của người Việt" do ông và các cộng sự thực hiện đăng trên Tạp chí di truyền quốc tế Human Mutation (IF 4,5) đã cho thấy hệ gen của người Việt tương đồng với người Thái và độc lập với người Hán. Ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm

Kết quả phân tích nguồn gốc tổ tiên của các quần thể người cho thấy người Đông Nam Á hiện nay, bao gồm người Kinh, Việt Nam có nguồn gốc chính từ người Đông Nam Á cổ đại.

Cụ thể, qua nghiên cứu chúng tôi phát hiện hơn 24 triệu điểm biến đổi trong hệ gen của người Kinh, Việt Nam. Điều thú vị là trong đó có hơn 700.000 điểm mới hoàn toàn và không thấy xuất hiện ở các quần thể người khác.

Các dữ liệu cũng khẳng định người Kinh và người Thái có hệ gen tương đồng cao và quan hệ di truyền gần gũi. Như vậy, gen của người Việt khác rất nhiều gen người Trung Quốc. Điều này chứng minh dù bị đô hộ hàng nghìn năm, dân tộc Việt không những giữ được ngôn ngữ riêng, mà cả bộ gen.

Vậy Giáo sư có thể cho biết, xuất phát từ động lực nào mà Viện VRISG thực hiện nghiên cứu gen của người Việt?

Xuất phát nghiên cứu của các nhà khoa học Viện VRISG không nhằm mục đích so sánh người Việt và người Hán. Ý tưởng xuất phát từ mong muốn tìm ra căn nguyên căn bệnh tự kỷ. Sự so sánh với dân tộc khác là tình cờ, nằm ngoài mục đích ban đầu.

Ý tưởng nghiên cứu gen của người Việt đã có từ lâu. Bởi, trước đó Viện VRISG đã đề xuất một dự án “Làm bộ gen cho 1.000 người Việt Nam”, nhưng chưa thực hiện được.

Sau đó, Viện VRISG đề xuất tiếp dự án “Nghiên cứu phổ đột biến gen của trẻ em Việt Nam bị tự kỷ” với mục đích xem tỷ lệ trẻ tự kỷ có đột biến gen là bao nhiêu. Hiện, nguyên nhân tự kỷ được tìm hiểu rất nhiều, trong khi số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng lên, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Bên cạnh đó, Viện VRISG tiến hành một dự án khác là ghép tế bào gốc cho trẻ tự kỷ. Nếu xác định được gen gây tự kỷ, có thể đề xuất biện pháp chẩn đoán sớm ngay sau khi sinh, thậm chí trước sinh, hướng tới sản xuất thuốc để điều trị bệnh này.

Được biết, với công bố hệ gen người Việt của Viện VRISG, nhiều nhà khoa học tỏ ra chưa đồng tình bởi số lượng các mẫu nghiên cứu còn khá “khiêm tốn”, Giáo sư nói gì về điều này?

Tạp chí Human Mutation là tạp chí của Hiệp hội Biến đổi hệ gien (Human Genome Variation Society) được xuất bản bởi nhà xuất bản uy tín Wiley. Đây là tạp chí quốc tế ISI uy tín thuộc nhóm Q1 (nhóm tốt nhất) trong các tạp chí về gien.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của tôi và cộng sự đã trải qua các vòng phản biện độc lập bởi các chuyên gia trên thế giới về phân tích hệ gen và di truyền học. Nhóm nghiên cứu đã phải trả lời làm thỏa mãn được các câu hỏi và các yêu cầu khắt khe của các phản biện trước khi nghiên cứu được chấp nhận đăng.

Ngoài ra, nghiên cứu đã được tiến hành hết sức cẩn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu chuẩn mực nhất trong nghiên cứu hệ gen người cũng như các trang thiết bị hiện đại nhất đã được sử dụng. Dữ liệu thu được đã được xử lý, phân tích, tính toán bằng các kỹ thuật tin - sinh học là phương pháp xử lý số liệu tiên tiến trong nghiên cứu hệ gen.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nguoi-viet-va-nguoi-thai-co-he-gen-tuong-dong-cao-108441.html